Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM: Đề án tái cấu trúc kinh tế chưa như mong đợi

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM: Đề án tái cấu trúc kinh tế chưa như mong đợi

Ngày 21-5, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM nhìn nhận, điều quan trọng nhất trong Đề án là nguồn lực nào, cách làm nào, ai làm, làm lúc nào... Đó là nội dung được trông đợi nhưng rất tiếc là chưa có.

TS Trần Du Lịch

TS Trần Du Lịch

- PV: Thưa ông, đề án công nghiệp hóa lựa chọn các ngành chủ lực như đóng tàu, vận tải biển... nhưng vừa qua Vinashin, Vinalines đều xảy ra những sự cố. Vậy đề án này sẽ đi đến đâu?

TS TRẦN DU LỊCH: Tôi nghĩ phải tách biệt 2 việc. Vấn đề phát triển đóng tàu, vận tải hàng hải là những ngành mang tính chiến lược quốc gia. Tiếc rằng, chúng ta thiếu chính sách cho các thành phần kinh tế tham gia, chỉ tập trung dồn cho một số tập đoàn kinh tế nhà nước. Và để xảy ra những sự kiện như vậy, thành ra bây giờ khẳng định cần có chính sách rõ ràng. Việc định hình những ngành công nghiệp riêng gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là kinh tế biển.

Còn việc các tập đoàn làm ăn thua lỗ là chuyện riêng. Nếu chúng ta nhìn các tập đoàn mà bi quan với ngành đó là không nên. Rất tiếc, trong đề án này chưa đưa ra giải pháp cụ thể để phát triển không chỉ ngành đó mà còn các ngành khác. Đề án này mới gọi là cái khung nhưng tôi nghĩ mới chỉ là ý tưởng chứ chưa phải đề án đầy đủ. Bởi quan trọng nhất không phải là chúng ta nói phát triển ngành gì, trồng cây gì, nuôi con gì mà quan trọng nhất là nguồn lực nào, cách làm nào, ai làm, làm lúc nào…? Chính cái đó là nội dung mà chúng tôi đang trông đợi. Rất tiếc là chưa có.

- Theo ông, căn cứ vào đâu để Chính phủ dựa vào những ngành đó trong khi đều thua lỗ?

Tôi nói lại là cần tách biệt 2 việc. Việc xác định ngành gì theo xu thế toàn cầu, có lợi thế “tĩnh”, lợi thế “động” của Việt Nam. Ví dụ Việt Nam là nước có bờ biển dài, là cánh cửa nhìn ra thế giới. Kinh tế biển là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có. Thế nên nghị quyết Trung ương về kinh tế biển cũng chỉ rõ ngành đóng tàu, vận tải biển... Ví dụ trong thương mại, dịch vụ phục vụ cho logistics, hàng hải... hầu hết đều thuê nước ngoài, tiêu tốn ngoại tệ rất lớn và dịch vụ người ta hưởng hết. Nhưng vì chúng ta cứ tập trung cho các tập đoàn nên các ngành đó không phát triển được. Do vậy, chính sách phải di chuyển nguồn lực, tạo động lực. Đấy là vấn đề nhưng mà hiện dùng quyết sách gì thì chưa có.

Chúng ta phải tính toán lại và các thành phần kinh tế phải tham gia. Các nước phát triển cũng đang chuyển dần công nghiệp hàng hải sang các nước kém phát triển hơn. Hơn nữa công nghiệp phụ trợ của ta chưa phát triển. Vậy sẽ xử lý như thế nào? Chúng ta muốn phát triển công nghiệp phụ trợ. Còn về đóng tàu, vận tải, nhiều nước không muốn làm. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không làm. Ta phải dựa trên vị thế của đất nước. Tôi nói ít ra không làm được những tàu lớn nhưng vận tải dọc biển của ta là một ngành cực kỳ lợi thế của Việt Nam.

Vinashin đang trong quá trình tái cơ cấu. Trong ảnh: Tàu chở ôtô do Vinashin đóng có sức chứa 4.900 xe.

Vinashin đang trong quá trình tái cơ cấu. Trong ảnh: Tàu chở ôtô do Vinashin đóng có sức chứa 4.900 xe.

- Một trong những điểm yếu của doanh nghiệp nhà nước là tính công khai, minh bạch. Song điều này đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến mà bài học từ Vinashin vẫn thời sự?

Tôi đã nói nhiều lần. Chỉ một bài học thôi là phải công khai minh bạch. Mọi thông tin đều phải minh bạch giống các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, chịu giám sát chung của xã hội sẽ không có chuyện như vậy. Rất tiếc Chính phủ đã nói nhiều lần nhưng đến nay chưa làm được. Các tập đoàn, tổng công ty, một khi được xem là của Nhà nước, phải là doanh nghiệp của toàn dân, phải xem nó minh bạch như công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán.

- Vậy trách nhiệm giám sát của Quốc hội ở đâu?

Đó cũng chính là vấn đề tôi đề nghị nhiều lần. Phải đưa vai trò giám sát tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành một đạo luật, hàng năm báo cáo Quốc hội, như vậy mới trực tiếp giám sát được.

  • Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Tháo gỡ khó khăn tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp

Nguyên nhân của việc doanh nghiệp gặp khó khăn đã đề cập nhiều như: lãi suất ngân hàng, khả năng tiếp cận nguồn tài chính, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ khó khăn... Trong đó, khó khăn nhất là sản xuất hàng hóa để tiêu thụ trong nước, như giấy, thép, đồ may mặc... Các giải pháp hiện nay của Chính phủ đang tập trung trước hết vào các doanh nghiệp khu vực nông nghiệp nông thôn, chế biến hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nhưng tới đây, có thể nới thêm cho một số đối tượng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Hy vọng cùng với các giải pháp trước đây đã ban hành, nhóm giải pháp trong Nghị quyết 13 sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ một phần khó khăn. Về vấn đề doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tín dụng, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để phối hợp đưa các giải pháp của Chính phủ vào thực tiễn, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tín dụng.

Thành Nam - Hà My ghi

Tin cùng chuyên mục