Doanh nghiệp nhà nước lỗ 2 năm liền sẽ đổi sở hữu, cho phá sản

DNNN sẽ công khai tài chính như công ty đại chúng
Doanh nghiệp nhà nước lỗ 2 năm liền sẽ đổi sở hữu, cho phá sản

Trước tình hình các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ dẫn tới hệ quả đổ vỡ như Vinashin, Vinalines, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ  cho biết khi quy chế được ban hành, sẽ có cơ chế giám sát đặc biệt với các DNNN làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu mất vốn nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

DNNN sẽ công khai tài chính như công ty đại chúng

- PV: Thưa bộ trưởng, Chính phủ đã có các quy định về giám sát tài chính của DNNN, quy chế giám sát với DNNN làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả… Vì sao thời điểm này lại cần có quy chế mới?

Bộ trưởng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Thời gian qua, việc thực hiện các quy định trên có nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, quy chế mới quy định 2 nội dung: giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động. Đối tượng bao quát cả DN do nhà nước làm chủ sở hữu nắm giữ 100% vốn, DN nhà nước giữ cổ phần chi phối và DN có vốn nhà nước đầu tư. Nghĩa là chúng ta theo nguyên tắc ở đâu có vốn và tài sản nhà nước, ở đó cần có giám sát hiệu quả.

- Vậy mục tiêu lớn nhất của quy chế này là gì?

Quy chế không chỉ xem xét xếp hạng các DN theo các tiêu chí A, B, C, tính toán phân phối lợi nhuận, cơ chế chính sách chế độ với hội đồng thành viên, ban điều hành DN… mà còn nhằm đánh giá thực trạng DN, xem xét các rủi ro tài chính.

Qua đó có thể đưa ra các cảnh báo từ cơ quan quản lý nhà nước, các biện pháp từ chủ sở hữu và giải pháp của DN để ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo tài chính DN lành mạnh. Bản thân DN cũng phải có sự tự giám sát. Cơ quan quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực thực hiện giám sát cả hai đối tượng: DN và đại diện chủ sở hữu. Cơ quan quản lý nhà nước có quyền và trách nhiệm công khai số liệu tài chính bằng biện pháp phù hợp.

Chúng ta sẽ thực hiện lộ trình để tổng công ty, tập đoàn nhà nước phải công khai, cáo bạch tài chính tương tự như công ty đại chúng, đảm bảo tài chính minh bạch. Đây là điểm rất mới so với hiện hành.

Giám sát đặc biệt DN thua lỗ

- Một bất cập trong các quy chế trước đây là chế tài xử lý vi phạm không đủ mạnh nên không mang lại hiệu quả quản lý như mong muốn. Vấn đề này có được đặt ra với quy chế mới không?

Quy chế mới quy định cả chế tài, đồng thời cả điều khoản khen thưởng với DN và đại diện chủ sở hữu, trong trường hợp tốt hoặc không đầy đủ các trách nhiệm theo quy định. Các chế tài với chủ sở hữu và DN được thiết kế theo các hình thức kỷ luật được quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, từ khiển trách, cảnh cáo, đến cả miễn nhiệm, cách chức, không chỉ lãnh đạo DN, người quản lý điều hành mà cả đại diện chủ sở hữu.

- Nội dung giám sát trong quy chế mới sẽ tập trung vào những lĩnh vực chính nào?

Giám sát chủ yếu vào việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN. Quy chế quy định tập trung giám sát: tình hình đầu tư tài sản tại DN, tình hình huy động và sử dụng vốn, tình hình phát hành cổ phiếu, trái phiếu và tình hình đầu tư vốn ra ngoài DN, cả trong nước và nước ngoài; đầu tư cả tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, hiệu quả đầu tư vốn ngoài DN. Các khoản thu phải trả, các hệ số đánh giá an toàn vốn của DN...

- Được biết quy chế mới có có quy định chế độ giám sát đặc biệt mà trước đây chưa có. Xin bộ trưởng cho biết thông tin cụ thể về vấn đề này?

Dự thảo quy định DN có thể bị đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm báo cáo tài chính năm hoặc phát hiện thông qua thanh tra, giám sát có tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh rơi vào một trong các trường hợp sau: kinh doanh thua lỗ, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt mức an toàn theo quy định; có lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc tổng lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; hệ số khả năng thanh toán nợ quá hạn thấp hơn 0,5; báo cáo không đúng sự thật tình hình tài chính của DN, làm sai lệch kết quả, báo cáo kê khai gian dối như lãi thật, lỗ giả.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán giám sát đặc biệt theo luật chuyên ngành. DN thuộc diện giám sát đặc biệt nếu có 2 năm liền kể từ khi có quyết định giám sát đặc biệt không còn lỗ, thực hiện báo cáo đầy đủ thì được đưa ra khỏi danh sách giám sát. Trong trường hợp 2 năm liền còn thua lỗ, sẽ có giải pháp đặc biệt: cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu, kể cả xem xét áp dụng hình thức phá sản.

Bảo Minh thực hiện

  • Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Tại sao không minh bạch hoạt động của DNNN?

Rõ ràng tại một số doanh nghiệp (DN) lớn có sự buông lỏng quản lý khi để chủ tịch hội đồng quản trị thâu tóm hết quyền hành, vô hiệu hóa các thành viên khác trong ban lãnh đạo. Thực ra, các quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý, giám sát DNNN tương đối đầy đủ nhưng vấn đề là thực hiện ra sao mà thôi. Thực tế đang có một sự buông lỏng, khoán trắng, không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn.

Và điều mà tôi chưa thấy nói rõ, đằng sau những sự việc như vậy thì mặt tiêu cực ở chỗ nào, vì sao lại dẫn đến tình trạng đó, trách nhiệm đến đâu. Có một số người hỏi tôi câu hỏi đó nhưng đến nay tôi cũng chịu!

Đất nước chúng ta còn nghèo nhưng lãng phí lên tới cả ngàn tỷ đồng rõ ràng không thể chấp nhận được. Từ trước đến nay, hoạt động của DNNN ra sao người dân rất khó biết chỉ trừ khi có kiểm toán, thanh tra. Rõ ràng tính minh bạch đang là điểm hạn chế đối với khu vực DN này. Vậy chúng ta sẽ phải làm gì để cải thiện? Vấn đề ở chỗ thực quyền trong tay ai và họ có muốn những điều đó hay không? Các sai phạm của Vinalines là rất lớn nhưng sau đó lãnh đạo DN này vẫn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Rất nhiều ý kiến cho rằng đằng sau đó là lợi ích của một nhóm người.

Lợi ích nhóm đang là một thực tế và là căn bệnh hiện nay. Tại sao lại không công khai, minh bạch hoạt động của khối DN này? Dư luận đặt câu hỏi tại sao lại xảy ra các bê bối tại những DN lớn trong ngành giao thông như Vinashin, Vinalines, đơn giản vì đó là chỗ tiêu quá nhiều tiền, nhiều ưu đãi. Lợi ích nhóm chính ở chỗ đó. Với trường hợp ông Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines), dư luận cũng đặt câu hỏi tại sao lại có thể bỏ trốn được, ai cung cấp thông tin?... Đó là những câu hỏi chưa trả lời được.

H.My ghi

  • Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Quan trọng hàng đầu là chính sách tiền tệ

Trao đổi với báo chí về quan điểm không tán thành đề xuất miễn thuế cho một số đối tượng của Chính phủ, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chính sách tiền tệ mới là giải pháp quan trọng hàng đầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Không nên quá trông cậy vào gói giải pháp miễn giảm, giãn thuế, vì đó không phải là một nguồn lực tài chính thực sự đáng kể.

Ủy ban đồng ý việc giảm thuế, nhưng kể cả việc miễn giảm thuế cũng như giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài… thì tổng số tiền cũng chỉ khoảng 9.100 tỷ đồng. Trong khi chúng ta có tới 540.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 250.000 thường xuyên nợ đọng, thì 9.100 tỷ đồng không phải là một “sức mạnh về tài chính thật sự đáng kể”.

Tương tự, việc giãn thuế cũng được coi là không chi phối nhiều đến thị trường… Do đó, “biện pháp đầu tiên, quan trọng hàng đầu là chính sách tiền tệ”. Dòng tiền cần được nắn chỉnh để chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì chảy ra các lĩnh vực khác như mua trái phiếu Chính phủ hoặc cho các doanh nghiệp vay nợ lẫn nhau… Vừa qua rất nhiều ngân hàng khó khăn, nhưng cũng nhiều ngân hàng lãi lớn, chênh lệch thu chi lớn, như vậy thì rõ ràng là chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa.

B.An

Tin cùng chuyên mục