Sổ tay: Cứu doanh nghiệp hay cứu nền kinh tế?

Việc nhanh nhảu đính chính của Bộ Xây dựng trước Tết Nguyên đán vừa rồi không phải không có lý do. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02, trọng tâm “giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS), nhưng ngay sau đó báo chí lại trích dẫn từ Bộ Xây dựng là 80% số doanh nghiệp địa ốc có lãi. Thật là phi lý, có lãi thì tại sao lại đi giải cứu?

Việc nhanh nhảu đính chính của Bộ Xây dựng trước Tết Nguyên đán vừa rồi không phải không có lý do. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02, trọng tâm “giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS), nhưng ngay sau đó báo chí lại trích dẫn từ Bộ Xây dựng là 80% số doanh nghiệp địa ốc có lãi. Thật là phi lý, có lãi thì tại sao lại đi giải cứu?

Lật lại sự việc, Bộ Xây dựng khẳng định, bộ “không báo cáo lãi” trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhưng lại cung cấp con số dẫn từ Tổng cục Thống kê: năm 2012 số doanh nghiệp ngành xây dựng có lãi 37.197; lỗ 17.000, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp thua lỗ, tỷ lệ này tăng mạnh trong 2 năm qua. Nói chung, trực tiếp hay gián tiếp thông điệp từ Bộ Xây dựng đưa ra: doanh nghiệp BĐS đang thua lỗ.

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế mấy năm gần đây, việc lỗ lã của doanh nghiệp gần như tất yếu. Lĩnh vực BĐS cũng vậy, trông “ốm yếu, gầy rạc” hẳn đi, việc kêu cứu xuất hiện khắp nơi, tại các diễn đàn hay cơ quan truyền thông. Sự thể lỗ này như thế nào? Từ sàn chứng khoán, nơi các chỉ số tài chính được công khai minh bạch và đáng tin cậy nhất, thống kê của phóng viên cho thấy, doanh nghiệp BĐS lãi trên 80%. Bức tranh chung là giảm lãi, hoặc ít lãi chứ không phải lỗ lã tràn lan, như kiểu nhận xét cảm tính.

Kết quả kinh doanh phản ánh, thị trường BĐS không đóng băng hoàn toàn, trên thực tế vẫn có dự án bán được, trong trường hợp giá nhà đất thấp hoặc hạ giá mạnh. Ngay cả một loại hình mới xuất hiện, nhà cho thuê ổn định lâu dài, giá thấp vẫn thu hút hàng loạt người mua! Rõ ràng, BĐS không còn siêu lợi nhuận, chứ khẳng định không có lời là không đúng.

“Bệnh” của BĐS hiện nay không phải là lời hay lỗ mà nằm ở chỗ “chôn” vốn liếng của nền kinh tế, có thống kê khoảng 7 tỷ USD! Như bình thông nhau, đối với nước ta khi nền kinh tế khó khăn cũng là lúc BĐS đóng băng, hoặc ngược lại. Do đó, việc ra đời của Nghị quyết 02 là kịp thời, giải phóng hàng tồn kho BĐS sẽ đưa nền kinh tế thoát khỏi trì trệ. Vấn đề cần kíp là phải triển khai ngay, đặc biệt những giải pháp Chính phủ đã giao cho các cơ quan chức năng.

Trước mắt phải tiêu hóa những “căn hộ tồn kho” diện tích lớn, việc “chẻ nhỏ” là trách nhiệm của chính quyền phải xắn tay vào cuộc, không thể trở thành thủ tục nhiêu khê. Tiếp đó, hạ giá là giải pháp buộc chủ đầu tư phải chịu, dù lý luận kiểu nào, hầu hết giá BĐS hiện nay vẫn còn quá tầm với của xã hội. Một giải pháp đang thu hút sự chú ý của dư luận là Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì mạnh tay xử lý ngay những nợ xấu BĐS đang nằm trong các ngân hàng, đưa BĐS thế chấp quá hạn bán đấu giá công khai, không thể tiếp tục gồng nữa, đây cũng là giải pháp góp phần kéo giá BĐS tụt xuống…

Hàng loạt giải pháp nhằm gỡ khó thị trường BĐS, khơi thông nền kinh tế nhưng phải gắn liền mục đích hạ giá BĐS! Giá BĐS hạ không chỉ giảm gánh nặng an cư mà nhắm đến mục đích lớn hơn là tạo điều kiện thuận lợi để nhà nước giảm chi phí giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng mà hiện nay đang trở thành rào cản phát triển đất nước!

Văn Thiện

Tin cùng chuyên mục