Đột phá cho nửa sau kế hoạch kinh tế 5 năm

Tốc độ tăng GDP kế hoạch kinh tế 5 năm (2011 - 2015) kỳ vọng tăng từ 6,5% - 7%. Nhưng báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lần thứ 9 tại TP Huế vào ngày 28-9 cho thấy, GDP 3 năm đầu của kế hoạch kinh tế này chỉ ước tăng 5,6%.

Tốc độ tăng GDP kế hoạch kinh tế 5 năm (2011 - 2015) kỳ vọng tăng từ 6,5% - 7%. Nhưng báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lần thứ 9 tại TP Huế vào ngày 28-9 cho thấy, GDP 3 năm đầu của kế hoạch kinh tế này chỉ ước tăng 5,6%.

        Để GDP tăng 6%

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, 3 năm qua (2011 - 2013) GDP bình quân tăng 5,6%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của các nước ASEAN cùng thời kỳ… Để tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm 2014 - 2015 đạt 6%, giải quyết việc làm cho từ 3 - 3,2 triệu lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5% - 2%/năm... cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng ở mức hợp lý; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư, phát triển nền kinh tế… Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện các đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kế cấu hạ tầng đồng bộ, với một quy trình hiện đại.

Từ thực tế trong nửa đầu kế hoạch kinh tế 5 năm và riêng năm 2013, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng để tốc độ tăng trưởng đạt mục tiêu, trước mắt cần làm rõ số lao động đôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp và doanh nghiệp phá sản. Cân đối ngân sách do thất thu hay doanh nghiệp khó khăn kiệt quệ không chi trả được là bao nhiêu…

        Gạo xuất khẩu nhiều, nông dân càng nghèo!

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, với 70% dân số sống ở nông thôn, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ là động lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng bền vững nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức. Song nền nông nghiệp hiện đang đứng trước hàng loạt khó khăn thách thức mới cần Trung ương và Chính phủ giải quyết một cách căn cơ lý do vì sao gạo xuất khẩu nhiều, nông dân càng nghèo. Cá tra, lúa gạo, cà phê là những nông sản xuất khẩu chủ lực mới dừng lại ở số lượng. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương An Giang, cho rằng khu vực nông nghiệp tác động đến vấn đề dân sinh xã hội. Những sản phẩm chủ lực của ĐBSCL như lúa và cá tra vẫn đang rơi vào ngõ cụt.

Trong khi đó, một số ý kiến khác còn cho rằng tình trạng nông dân bỏ ruộng đất ngày càng nhiều. Trước hết là hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp do quy mô sản xuất quá hẹp nên dù có lời chút đỉnh cũng chẳng đáng là bao so với tổng thu nhập của hộ gia đình.

Phát biểu kết thúc phiên họp, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá cao sự góp ý thẳng thắn của các thành viên. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà nước phải dồn sức lo cho doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp phải cổ phần hóa tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu đầu tư công…

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục