Nguy cơ leo thang không kiểm soát

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA mà không cần chứng minh Iran đang vi phạm thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối của Liên hiệp quốc và các bên có liên quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong bài phát biểu chiều 8-5 (rạng sáng 9-5 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) vào năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai “mức cao nhất” của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, đồng thời đe dọa Iran sẽ gặp phải “những vấn đề lớn hơn” nếu tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân.

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA mà không cần chứng minh Iran đang vi phạm thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối của Liên hiệp quốc (LHQ) và các bên có liên quan.

Bất chấp tuyên bố của Tổng thống Mỹ, EU xác định bảo toàn JCPOA, đồng thời kêu gọi nhân dân Iran và các lãnh đạo nước này tôn trọng thỏa thuận. Miễn là Iran tiếp tục thực hiện các cam kết liên quan đến chương trình hạt nhân như họ đã và đang làm, EU sẽ tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các nội dung của thỏa thuận hạt nhân với nước này.

Cùng ngày, Nga và Trung Quốc cũng cho rằng quyết định của Mỹ là sự vi phạm thô bạo nhất các nghị quyết của HĐBA LHQ, là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế. Nga cam kết sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương với Tehran.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi JCPOA và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nhiều doanh nghiệp, nền kinh tế Mỹ cũng như tác động tới giá dầu thế giới.

Sau khi JCPOA được ký, các doanh nghiệp phương Tây đã đổ xô vào thị trường 80 triệu dân gần như chưa được khai thác này của Iran. Ngoài các hợp đồng máy bay trị giá hàng tỷ USD, Iran cũng ký kết nhiều thỏa thuận khổng lồ về khai thác dầu mỏ và chế tạo ô tô với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Ngày 9-5, các tập đoàn phương Tây đều cho biết sẽ phải xem xét lại kế hoạch làm ăn với Iran sau khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt giấy phép xuất khẩu của các công ty hàng không dân dụng cho Iran sau quyết định của Tổng thống Mỹ.

Hãng tin Bloomberg cùng ngày dẫn phân tích của các chuyên gia đánh giá động thái mới nhất của Washington có thể làm giảm sản lượng dầu của Iran, nước sản xuất dầu thô lớn thứ 5 trên thế giới và lớn thứ 3 trong OPEC, và kéo theo đó là nguy cơ giá dầu leo thang và cả những tham vọng hạt nhân của Tehran.

Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi phải tiếp tục đàm phán trong những ngày tới để tránh tình trạng “leo thang không kiểm soát” và có thể dẫn tới một giai đoạn bất ổn toàn cầu. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định: “Có một nguy cơ đối đầu thực sự. Tôi hy vọng đó sẽ không phải là bước thụt lùi của hòa bình”.

Truyền hình Nhà nước Iran ngày 9-5 đưa tin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố đất nước của ông đã có kế hoạch để đối phó với bất cứ động thái nào của Mỹ liên quan tới thỏa thuận này.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho rằng quyết định rút khỏi JCPOA sẽ khiến Mỹ bị cô lập. Iran không có nghĩa vụ phải tôn trọng các cam kết của mình trong tình hình hiện tại. Đây là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh. Nhiều tờ báo ở Iran cho rằng “đã đến lúc Tehran phải hủy bỏ văn kiện này”

Tin cùng chuyên mục