Hãy tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân

LTS:
Hãy tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân

Phản hồi loạt bài Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

LTS: Từ ngày 15-9 đến 20-9, Báo SGGP đăng loạt bài Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi loạt bài được đăng tải, Báo SGGP đã đón nhận nhiều ý kiến tâm huyết của bạn đọc hoan nghênh cách đặt vấn đề và đưa ra những quan điểm mang tính lý luận từ thực tiễn của đất nước ta qua những giai đoạn đấu tranh cách mạng. Báo SGGP xin trích đăng những ý kiến trên.

Các chung cư mọc lên trên địa bàn quận 4 thay thế dần nhà trên kênh rạch phục vụ tái định cư và nhu cầu an cư của người dân TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Xuất phát từ khát vọng của nhân dân

Có thể nói, loạt bài viết Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Báo SGGP có sức thu hút đối với độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nhiều người đã có những nhận định, đánh giá rất khách quan, đúng mực về nhiều vấn đề mà trong dư luận xã hội hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về khát vọng của nhân dân theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tôi nghĩ đây là sự lựa chọn và xác định đúng đắn, nó xuất phát từ tình cảm, suy nghĩ và mong muốn có thật của các thế hệ hôm qua, hôm nay và tôi tin là cả thế hệ mai sau nữa. Như chúng ta đã biết, trải qua gần một thế kỷ dân tộc ta, nhân dân ta đã chọn đi theo con đường này và thực tế chứng minh hàng bao thế hệ người dân Việt Nam từ cuộc đời lầm than, nô lệ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc đã có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một công dân của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và phát triển.

Để có được điều này, chúng ta cũng phải thấy được qua nhiều giai đoạn lịch sử, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập đến khi đấu tranh giành được độc lập dân tộc, đều khẳng định vai trò và sự dẫn dắt, lãnh đạo của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta, dân tộc ta luôn coi Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối và trong thực tế đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Về vai trò lãnh đạo mang tính lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tôi thấy cũng được khẳng định rất rõ, nhất là vai trò tập hợp, lãnh đạo quần chúng nhân dân trở thành một khối đoàn kết, thống nhất cao, tạo thành sức mạnh của dân tộc và của thời đại. Điều này là không thể chối cãi và nó luôn là vai trò, yếu tố mang tính quyết định để Đảng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình, đưa đất nước ta tiếp tục đi theo con đường đã chọn.

Về ý kiến khác nhau, trong đó có một số đảng viên, nhân sĩ, trí thức ký tên vào “thư ngỏ” phủ nhận sạch trơn những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng của đất nước ta trên nhiều lĩnh vực, đồng thời kiến nghị đòi hỏi Đảng và các lãnh đạo Đảng từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ động thay đổi cương lĩnh để đưa đất nước đi theo con đường dân chủ đa đảng, tôi nghĩ đây chỉ là một bộ phận nhỏ và không mang tính đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Mọi người trong xã hội có quyền được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, tình cảm của mình về các vấn đề của đất nước đã, đang và sẽ diễn ra hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Tuy nhiên, phủ nhận quá khứ, hiểu sai lệch về lịch sử của Đảng ta, dân tộc ta để đưa ra những kiến nghị cá nhân mang tính chủ quan của mình là không đúng và chắc chắn sẽ không thuyết phục được nhiều người. Tôi nghĩ, những ai đã có quan điểm, suy nghĩ và hành động theo hướng này hãy có những suy nghĩ tích cực hơn, nhìn nhận và suy xét khách quan, đúng đắn hơn trước khi đưa ra ký tên vào bất cứ văn bản kiến nghị nào. Hãy hiểu đúng lịch sử và tôn trọng sự lựa chọn mang tính lịch sử của Đảng và dân tộc ta đã và đang đi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thiết nghĩ, Đảng và Nhà nước ta nên tổ chức thật nhiều những diễn đàn, hội thảo, tọa đàm công khai và rộng rãi đưa ra từng vấn đề mà trong xã hội còn có những ý kiến khác nhau. Tôi tin rằng, diễn đàn dân chủ, công khai này chúng ta sẽ tập hợp được nhiều ý kiến và quan điểm của các tầng lớp nhân dân trong xã hội để làm sáng tỏ thêm sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, dân tộc ta đã lựa chọn.

NGUYỄN XUÂN NAM
(Cán bộ hưu trí phường 12, quận 3 TPHCM)

* Một nhận định lệch lạc cần uốn nắn

Cái gọi là “thư ngỏ” có 2 phần lớn: phần thứ nhất là nhận định về quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; trong phần này, “thư ngỏ” nêu 3 ý: sai lầm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc và trách nhiệm của Đảng, nhất là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Phần thứ hai là các kêu gọi đối với Đảng; phần này có 2 ý chính: thay đổi Cương lĩnh và từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thay đổi đối sách quan hệ với Trung Quốc.

Về nội dung, “thư ngỏ” thể hiện một nhận thức hết sức lệch lạc. Việc lựa chọn con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa là một điều tất yếu khách quan của lịch sử, sau khi các lựa chọn khác đã thất bại. Con đường đó đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến những thắng lợi quan trọng trong việc giành độc lập dân tộc và bảo vệ nền độc lập đó, thể hiện qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, sau đó bảo vệ vững chắc chủ quyền trong hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Con đường đó đã dẫn dắt nhân dân ta giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, với chất lượng sống của người dân được nâng cao rõ rệt, bộ mặt đất nước thay đổi toàn diện, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thay đổi căn bản…

Trong quan hệ với Trung Quốc, một đất nước vốn có sự gắn bó lâu đời với nước ta dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cơ bản là một quan hệ đôi bên cùng có lợi và gần như không có sự chọn lựa khác. Sự trao đổi về kinh tế, văn hóa… diễn ra rất tự nhiên, hoàn toàn là sự nối tiếp các trao đổi đã có từ rất lâu trước đó. Mối quan hệ chính trị, ngoại giao nhìn ở phía Việt Nam cũng kế thừa kinh nghiệm của cha ông và cơ bản giữ được sự hòa hiếu, tự chủ của hai Đảng, hai nhà nước, hai dân tộc. Và, nhìn ở những thành tựu đó, phải khẳng định rằng có vai trò to lớn của Đảng với nhiều thế hệ đảng viên kiên trung. Dĩ nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, thậm chí là sai lầm, nhưng Đảng đã luôn mạnh dạn nhìn nhận và sửa chữa, khắc phục, hoàn toàn không phải đợi “thư ngỏ” chỉ ra hay thoái thác trách nhiệm…

Vì đã nhìn nhận lệch lạc nên “thư ngỏ” cũng không thể đưa ra những “lời kêu gọi” hợp lý. Kêu gọi thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng đồng thời là từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước, vậy “nhóm 61 đảng viên” này thực chất thể hiện mong muốn của ai? Chắc tuyệt đại đa số đảng viên, tuyệt đại nhân dân không ai muốn có sự thay đổi đó, bởi con đường đang đi đã trải qua nhiều chông gai và giờ đang gặt hái được những thành tựu, không có lý gì để thay đổi và bất cứ sự thay đổi nào cũng dẫn đến những biến động, xáo trộn nguy hiểm cho xã hội, cho đất nước và người nhận hậu quả cuối cùng vẫn là nhân dân.

Còn trong quan hệ với Trung Quốc, rõ ràng việc giữ “16 chữ” và “4 tốt” chẳng có gì sai trái, bởi đó là định hướng cần thiết để đôi bên cùng có lợi. Và, trong những tình huống phức tạp, chính Đảng ta cũng nhìn nhận rằng “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định.

Phải chăng những người viết “thư ngỏ” đang muốn bỏ một thực tế, cụ thể để lấy một thứ ảo tưởng, viển vông nào đó?

Một đảng chính trị, lại là đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam, yêu cầu về sự thống nhất, đảm bảo các nguyên tắc và kỷ luật là những đòi hỏi không thể thay thế. Các yêu cầu đó phải được thể hiện trong tất cả các hoạt động của Đảng, trong nhận thức và hành động của tất cả các đảng viên.

Có thể thấy rằng, “thư ngỏ” của “nhóm 61 đảng viên” là một biểu hiện nhận thức lệch lạc nghiêm trọng, cần thiết phải được uốn nắn, xử lý. Bản thân mỗi đảng viên cũng cần tự nhìn nhận lại mình để củng cố và tăng cường tính đảng, không chỉ để tránh bị lôi kéo, lợi dụng của các thế lực xấu, tránh bị tác động, ảnh hưởng từ các ý kiến, quan điểm lệch lạc mà còn tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự ổn định và phát triển của đất nước.

VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)

- Kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Bài 6: Thực tâm lắng nghe dân

Tin cùng chuyên mục