Nhiều sai phạm nghiêm trọng ở Vinalines

Cục Hàng hải có người điều hành mới
Nhiều sai phạm nghiêm trọng ở Vinalines

Làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lập hồ sơ hợp đồng, quyết toán khống tham ô hàng tỷ đồng… Đây là những thông tin được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48), Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an thông báo tại buổi họp báo diễn ra ngày 22-5 về kết quả điều tra ban đầu tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)

  • Hồ sơ khống, ăn tiền thật

Vào tháng 1-2012, C48 đã phát hiện và xác minh làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong quá trình thực hiện sửa chữa ụ nổi 83M. Theo đó, cơ quan điều tra xác định ông Trần Hải Sơn, tổng giám đốc; ông Trần Văn Quang, trưởng phòng kế hoạch, cùng một số cán bộ liên quan thuộc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines thông đồng với Trần Bá Hùng là cán bộ của Hyundai Vinashin và Phạm Bá Giáp, Giám đốc Công ty Nguyên Ân (Nha Trang) sử dụng pháp nhân công ty, lập 2 bộ hồ sơ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống khối lượng sửa chữa phần đáy ụ nổi và gửi giá 10.000 đồng/kg thép hàn vào hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Vinalines chia nhau. Các cán bộ thuộc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines được chia 2,543 tỷ đồng, Trần Hải Sơn chiếm hưởng 900 triệu đồng, số còn lại Trần Văn Quang sử dụng và chiếm hưởng.

Đại tá Trần Duy Thanh tại buổi họp báo công bố kết luật điều tra ban đầu tại Vinalines.
Đại tá Trần Duy Thanh tại buổi họp báo công bố kết luật điều tra ban đầu tại Vinalines.

Đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng C48 cho biết, trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng trên của một số cán bộ liên quan tới việc thực hiện sửa chữa ụ nổi 83M, ngày 1-2-2012, C48 đã ra quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản; khởi tố bắt tạm giam các bị can Trần Hải Sơn, Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng và Phạm Bá Giáp. Cục trưởng C48 cũng cho biết, đến nay các bị can, đối tượng có liên quan trong vụ án này đều đã khai nhận hành vi phạm tội và tự giác nộp lại hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua giám định, số tiền thiệt hại lên tới 2,9 tỷ đồng.

  • Cố ý làm trái gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Qua điều tra đã làm rõ, ngày 31-8-2006, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4805/VPVP-CN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: “Đồng ý về mặt nguyên tắc cho Vinalines lập báo cáo đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đúng các quy định hiện hành; giao Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Thế nhưng, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch thì ngày 27-6-2007, ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines lúc đó đã ký Quyết định số 687/QĐ-HĐQT phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua và lắp đặt 1 ụ nổi. Tiếp đó đến ngày 17-7-2008, ông Mai Văn Phúc, Tổng Giám đốc Vinalines lúc đó đã ký văn bản số 998/TTr-HHVN trình và được ông Dũng ký Quyết định số 753/QĐ-HĐQT ngày 3-10-2008 phê duyệt chính thức, trong đó tổng mức đầu tư là 6.489 tỷ đồng.

Tuy nhiên qua điều tra, C48 xác định, ngày 3-10-2008, ông Dũng mới ký Quyết định số 753/QĐ-HĐQT chính thức phê duyệt đầu tư dự án nhưng trước đó một năm, vào ngày 1-10-2007, ông Trần Hữu Chiều lúc đó là Phó Tổng giám đốc Vinalines, kiêm Trưởng ban QLDA Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam đã ký văn bản số 1413/TTr-BQLDA đề nghị, ông Phúc đã ký văn bản số 1442/TTr-HHVN ngày 4-10-2007 trình và được ông Dũng ký Quyết định số 1003/QĐ-HĐQT ngày 8-10-2007 phê duyệt việc mua ụ nổi 83M (là một thành phần không thể tách tới của dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam), với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD. Trong đó, chi phí mua, sửa chữa tại Nga và cước vận chuyển là 12,5 triệu USD.

Ụ nổi 83M - một trong những dự án đầu tư của Vinalines gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Ụ nổi 83M - một trong những dự án đầu tư của Vinalines gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Mặc dù đã phê duyệt như trên nhưng sau đó Vinalines đã không thực việc mua ụ nổi 83M theo phương án đã phê duyệt mà ngày 14-2-2008, ông Chiều lại có tờ trình số 168/TTr-BQLDA đề nghị, cùng ngày ông Phúc ký văn bản số 168/TTr-HHVN trình và được ông Dũng ký quyết định số 186/QĐ-HĐQT ngày 15-2-2008 phê duyệt điều chỉnh thay đổi phương án mua ụ nổi 83M dẫn tới chi phí thực tế cho việc mua, vận chuyển ụ nổi trên về Việt Nam sửa chữa với tổng chi phí hết 24,3 triệu USD.

Cơ quan chức năng cũng xác định, đến nay, tổng số tiền Vinalines đã phải chi cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi 83M, lãi vay ngân hàng và một số khoản chi phí khác hết tổng số tiền là 480 tỷ đồng.

 Hiện nay, chúng tôi đang xem xét việc có lộ, lọt thông tin hay không. Cơ quan điều tra cũng đã xác định, ông Dũng không có mặt ở nơi làm việc, cũng như tại nơi cư trú. Do vậy, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã toàn quốc. Tới đây, nếu xác định ông Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra sẽ phối hợp với Interpol truy nã quốc tế  Đại tá Trần Duy Thanh

Theo Cục C48, lãnh đạo Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch và chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét duyệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong quá trình phê duyệt, tổ chức mua ụ nổi 83M (hạng mục chính của nhà máy) trước thời điểm ông Dương Chí Dũng phê duyệt dự án nhà máy 1 năm và khi chưa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao mặt bằng xây dựng nhà máy nên khi ụ nổi mua về không có địa điểm để lắp đặt, đưa vào khai thác dẫn đến hậu quả là tính đến tháng 4-2010, tổng thiệt hại là 100 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn, việc ông Trần Hữu Chiều đề nghị, ông Mai Văn Phúc trình và ông Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M sản xuất năm từ 1965, bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động, đã bị Cơ quan đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định, quá thời hạn theo quy định 22 tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu là trái với Nghị định 49/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

KHÁNH NGUYỄN

 Cục Hàng hải có người điều hành mới

Chiều 22-5, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 1144/QĐ-BGTVT giao ông Đỗ Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phụ trách Cục Hàng hải Việt Nam thay ông Dương Chí Dũng. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết, việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng được tiến hành đúng quy trình, theo chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ GTVT. Ở thời điểm bổ nhiệm (tháng 2-2012), bộ chưa có thông tin về những sai phạm của Vinalines cho đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (tháng 4-2012).

B.QUYÊN

Sai phạm tại các tập đoàn kinh tế: Có lỗi của khâu quản lý nhà nước

Bên hành lang Quốc hội chiều 22-5, đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trao đổi về những sai phạm của Vinalines nói riêng và những bất cập trong quản lý tập đoàn nhà nước nói chung. Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng việc huy động các nguồn vốn và triển khai dự án của Vinalines quá dễ dãi.

Ông nói: Bản thân các tập đoàn thời gian qua có những đóng góp nhưng cũng để xảy ra nhiều khiếm khuyết, tồn tại. Từ những khuyết điểm trong việc phát triển mô hình tập đoàn, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Việc phát triển tập đoàn của chúng ta khác các nước. Ở các nước, tập đoàn phát triển tự nguyện, theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải sáp nhập với nhau để thành tập đoàn. Còn chúng ta phát triển tập đoàn dường như theo ý chí, chứ không phải thực tế đòi hỏi. Do đó, chúng ta đã phải gánh nhiều hậu quả như việc các tập đoàn sử dụng vốn bừa bãi, trình độ quản lý yếu kém, quản lý nhỏ còn chưa được nay đã phải quản lý lớn, công nghệ què quặt, rồi khả năng quản trị hạn chế, khiến kinh doanh không hiệu quả. Cần phải tái cấu trúc lại các tập đoàn, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.

° Phóng viên: Phải chăng có lỗi của khâu quản lý nhà nước qua sai phạm tại các tập đoàn kinh tế?

° Ông CAO SỸ KIÊM: Chắc chắn là vậy. Có lỗi cả khâu quản lý, nhận thức, quan điểm, quyết định. Quan điểm lên tập đoàn như thế nào chưa rõ. Khi thành lập tập đoàn không theo chuẩn, dẫn đến việc nghĩ ra mô hình, rồi bố trí anh này, anh nọ ngồi vào vị trí này, vị trí kia.

° Sai phạm của Vinashin và Vinalines dường như giống nhau, vậy phải chăng việc chấn chỉnh tập đoàn trong thời gian qua chưa tốt?

° Việc tổng kết đánh giá các tập đoàn chưa được bài bản, chưa rõ được thực trạng của nó đúng hay sai. Hơn nữa, việc tiếp cận, tiếp xúc cũng khác nhau, đánh giá khác nhau nên các giải pháp đưa ra cũng khác nhau. Muốn quản lý được, phải nắm rõ được thực trạng nhưng thực tế lại không nắm được. Ví dụ như tái cơ cấu Vinashin nhưng lại đẩy một cơ số nợ sang cho Vinalines mà thực chất khi đó, Vinalines cũng đã khó khăn lắm rồi. Điều này chứng tỏ bộ phận quản lý chưa nắm rõ được thực trạng của các tập đoàn.

Cụ thể, như việc đề bạt ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT nói là không nắm được việc ông Dũng có sai phạm. Vậy tại sao bộ không nắm được mà cứ đề bạt, trong khi đó ông Dũng đang nguy ngập? Đây là biểu hiện của trình độ, năng lực, trách nhiệm quản lý chưa tốt.

° Có nên công khai các ứng cử viên được bố trí vào các vị trí lãnh đạo tập đoàn?

° Nên công khai. Giả sử trong trường hợp công khai việc bổ nhiệm ông Dũng thì rõ ràng người dân, dư luận có cơ chế giám sát phản biện, làm rõ các sai phạm của ông Dũng trong các thời kỳ trước, như thế sẽ lọc được ngay các cán bộ không đủ điều kiện.

° Việc huy động vốn, triển khai dự án ở các tập đoàn Nhà nước nói chung, ở Vinashin, Vinalines quá dễ dàng? Phải chăng chúng ta đang giao một nguồn vốn quá lớn cho những cá nhân, mà lại phụ thuộc vào đạo đức của họ?

°Điều này đúng là rất rủi ro. Có trong sáng, liêm khiết đến đâu mà không có chế tài, không có quản lý cũng dễ dẫn đến sai phạm. Do đó, nếu phát hiện mà không xử lý nghiêm, kỷ cương sẽ bị giảm sút. Không có lý gì tài sản của xã hội, của nhiều người đi giao cho một người mà họ cứ có quyền chi tiêu. Ví như một xí nghiệp lỗ lớn mà giám đốc cứ được trả lương cao gấp hàng chục lần bình thường là không được.

° Theo ông, tái cấu trúc lại các tập đoàn theo nguyên tắc nào?

° Thứ nhất, luật lệ, tiêu chí tập đoàn phải hoàn thiện, trong đó cả về vốn, công nghệ minh bạch. Thứ hai, phải có đội ngũ quản trị tốt. Thứ ba, các đơn vị gắn kết phát triển tập đoàn phải trên cơ sở hữu cơ, trên cơ sở đòi hỏi của sản xuất, chứ không phải cảm tính. Thứ tư, phải có hệ thống kiểm toán, hoạch toán, kỷ luật, kỷ cương tốt. Muốn khắc phục được các tập đoàn, phải nhìn thẳng vào sự thật.

LÂM NGUYÊN ghi

>> Về vụ án tham ô, cố ý làm trái các quy định Nhà nước ở Vinalines: Nhiều sai phạm liên quan tới Dự án ụ nổi 83M

Tin cùng chuyên mục