Phòng vệ tương xứng

Những năm gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đang có xu hướng gia tăng. 
Phòng vệ tương xứng

Tính đến tháng 5-2019, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối phó với 83 vụ chống bán phá giá, 30 vụ tự vệ, 19 vụ chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và 14 vụ chống trợ cấp.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường có số lượng vụ điều tra được khởi xướng lớn với 19% trên tổng các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ (14%), Ấn Độ (12%) và EU (10%). Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng như sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử...

Đáng chú ý, mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam chiếm đến 31% số vụ điều tra phòng vệ thương mại, bỏ xa mặt hàng thứ hai là sợi (9%) và giày dép (6%). Hầu hết các vụ điều tra này đều đi đến kết luận có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), một số mặt hàng xuất khẩu khác của ta cũng đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh như ván ép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vỏ xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU...

Điều đáng lo, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa nắm được đầy đủ các quy định về phòng vệ thương mại, chưa ứng phó kịp thời và hiệu quả trước các vụ điều tra. Do đó, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện, doanh nghiệp Việt cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, đồng thời tích cực cập nhật, trao đổi thông tin với các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt được thông tin cảnh báo sớm, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp.

Ở chiều ngược lại, thời gian qua Bộ Công thương đã tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với quy định của WTO và các cam kết quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, việc nỗ lực ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Từ 2016 đến nay, Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu. Nhờ đó, đã bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước, đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại càng quan trọng hơn, để ngăn chặn khả năng hàng hóa nước ngoài mượn đường Việt Nam gia công xuất khẩu. Hàng Việt sẽ bị “vạ lây” nếu kiểm soát không chặt và sẽ rất khó khăn nếu bị điều tra phòng vệ thương mại.

Tin cùng chuyên mục