Quảng bá du lịch qua điện ảnh - Hé lộ tiềm năng

“Thay da đổi thịt” nhờ lên phim
Quảng bá du lịch qua điện ảnh - Hé lộ tiềm năng

Sáng ngày 15-10, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, lần đầu tiên trong lịch sử ngành điện ảnh và du lịch, một hội thảo được tổ chức để tôn vinh mối quan hệ khăng khít giữa hai hoạt động này. Đó là hội thảo “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh”.

Cảnh trong phim Indochine (Đông Dương) quay tại vịnh Hạ Long đã thu hút biết bao du khách đến Quảng Ninh.

Cảnh trong phim Indochine (Đông Dương) quay tại vịnh Hạ Long đã thu hút biết bao du khách đến Quảng Ninh.

“Thay da đổi thịt” nhờ lên phim

Năm 2003, khi chọn bối cảnh cho phim Chuyện của Pao (kịch bản và đạo diễn Ngô Quang Hải), NSND - họa sĩ Phạm Quang Vĩnh và đoàn làm phim đã khảo sát ở rất nhiều nơi tại miền Bắc và cuối cùng chọn một thung lũng ở Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Anh kể: “Đó là một xã nghèo, nhiều thiếu thốn cản trở công việc nhưng chúng tôi choáng ngợp trước cảnh núi non hùng vĩ, những cánh đồng hoa cải vàng ruộm, bờ rào xếp bằng đá, ngôi nhà tường trình, lợp ngói âm dương thân thuộc và đồng bào người Mông chất phác, hồn nhiên. Một phần của những vẻ đẹp ấy được đưa vào phim. Xem xong buổi chiếu ra mắt ở TPHCM, đã có rất nhiều người đến hỏi tôi về bối cảnh của phim và háo hức muốn được đến ngay thực địa để chiêm ngưỡng. Năm 2010, tôi quay lại Sủng Là. Thật ngỡ ngàng, ngay đường rẽ vào bản đã được gắn biển “Bản du lịch văn hóa”, ngôi nhà mà chúng tôi lấy làm bối cảnh cũng được gắn biển ngôi nhà đã xuất hiện trong phim Chuyện của Pao”.

Xa hơn, năm 1991, khi bộ phim Indochine (Đông Dương) công chiếu ở Pháp, ngay lập tức, một làn sóng người Pháp ùn ùn kéo sang Quảng Ninh để chiêm ngưỡng vịnh Hạ Long vốn hút hồn họ qua những thước phim đẹp. Thậm chí, có người đến đặt đúng phòng khách sạn nơi diễn viên Catherine Deneuve, nhân vật nữ chính trong phim đã ở, để tăng phần lãng mạn cho kỳ nghỉ của mình.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ninh, hồ hởi: “Đến nay, bộ phim Đông Dương vẫn góp phần làm tăng cao lượng du khách Nhật Bản đến tham quan vịnh Hạ Long. Phim Mùa hè chiều thẳng đứng với nhiều trường đoạn đẹp quay ở vịnh Hạ Long cũng góp phần thu hút du khách đến tham quan vịnh”.

Manh mún, quẩn quanh

Tỉnh Quảng Ninh có 22 dân tộc sinh sống, hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa, có những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, núi Yên Tử, cảng Vân Đồn, đảo Cô Tô… là tiềm năng cho các nhà làm phim khai thác. TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, thống kê: “Tính đến nay đã có hơn 70 bộ phim truyện, tài liệu, phim truyền hình làm về Quảng Ninh hoặc lấy bối cảnh ở Quảng Ninh. Hiếm địa phương nào thu hút được sự quan tâm của những nhà sản xuất phim như vậy”.

Thế nhưng, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh về Quảng Ninh xuất hiện trong các bộ phim từ xưa đến nay quanh đi quẩn lại vẫn chủ yếu là cảnh đẹp của vịnh Hạ Long. Lối sống của người dân, phong tục tập quán tốt đẹp, văn hóa ẩm thực phong phú… vẫn chưa được các nhà sản xuất phim để tâm và đầu tư công sức để đưa vào phim. Nói đâu xa, ai đến Hạ Long cũng đều tìm ăn món chả mực và mua chả mực về làm quà cho người thân, bạn bè. Thế mà chưa ai nghĩ đến việc làm một bộ phim trong đó có nhân vật làm chả mực hay mở quán bán chả mực chẳng hạn. Bảo đảm sau khi xem phim, du khách ùn ùn đổ đến Hạ Long để thưởng thức món đặc sản này. Và tham quan làng nghề làm chả mực sẽ là một chuyến du lịch làng nghề, văn hóa, ẩm thực độc đáo. Rồi với nhiều bộ phim hay có quay cảnh đẹp về vịnh Hạ Long như vậy mà ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa biết mua bản quyền để in chúng bán cho du khách làm quà. Hay tại hơn 1.000 cơ sở lưu trú, hơn 500 tàu du lịch (trong đó có 180 tàu lưu trú ngủ đêm trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long), tại sao không trình chiếu những phim này?

Ông Fédéric Ferrer, nhà báo Pháp, nhận xét: “Tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung có tất cả các lợi thế để thu hút khách du lịch: nền văn hóa đa dạng, độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh, nền ẩm thực phong phú… Vấn đề là các nhà sản xuất phim phải chuyển tải được điều ấy vào những bộ phim hay để công chúng trên thế giới được xem, trầm trồ rồi háo hức đến khám phá”. Còn NSND - đạo diễn Lương Đức nhận định: “Phải có phim hay thì người ta mới xem rồi từ đó mới đến du lịch. Nhưng làm sao để có phim hay thì cũng chưa có lời giải. Nếu với số tiền nhà nước đầu tư như hiện nay thì chỉ làm được những bộ phim tuyên truyền”.

TS Ngô Phương Lan cũng nhìn nhận: “Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và điện ảnh chưa hợp tác; nhà nước và doanh nghiệp chưa hợp tác nên mới dẫn đến cảnh ăn may như hiện nay”. Điều đáng nói là một hội thảo quan trọng tìm giải pháp hợp tác giữa ngành điện ảnh và du lịch như vậy mà lại không có đại diện hãng lữ hành nào được mời tham dự. Thế nên ai cũng bảo nhau biết rằng hay đấy nhưng ai làm và làm thế nào?

Trên thế giới, phim trường Đại Lý ở tỉnh Côn Minh, Trung Quốc đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn chỉ bằng việc có phim trường của Thiên long bát bộ. Khu đền Ta Prohm - một phế tích kinh thành Khmer cổ ở tỉnh Siem Riep, Campuchia chỉ toàn những đại thụ với bộ rễ hình thù kỳ quái uốn lượn ôm lấy những tảng đá đổ nát, nằm khuất nẻo trong rừng già bỗng trở thành điểm hút chân du khách khi được Hollywood chọn làm phim trường bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ. Rõ ràng, những cảnh quay đẹp trong những bộ phim hay là một ma lực để hút khách du lịch đến với một vùng đất.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục