Tăng cơ hội sống cho người bị đột quỵ

Đột quỵ hiện ở mức báo động, đang tấn công vào người trẻ, là loại bệnh gây tàn tật, chết người đứng thứ 3 sau ung thư và bệnh tim mạch. 

Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cứu sống khoảng 20%. Nguyên nhân, đột quỵ chỉ xử lý hiệu quả trong “thời gian vàng” 6 giờ sau khi xảy ra, nhưng đa phần người dân không nhận diện được nên khi đưa đến bệnh viện đã trễ “giờ vàng”.

Tuy nhiên, hiện nay công nghệ Rapid (phần mềm trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ), lần đầu tiên được Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM và Bệnh viện Gia An 115 áp dụng tại Việt Nam, cho phép kéo giãn “thời gian vàng” từ 6 giờ lên 24 giờ…

Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, đột quỵ rất dễ nhận biết, đó là khi người bệnh đột ngột yếu tay chân một bên, méo miệng, nói ngọng, nói khó. Khi xuất hiện những triệu chứng đó, xác suất người bệnh bị đột quỵ lên đến 90%. Tuy có những triệu chứng rõ ràng, nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng giữa đột quỵ và các bệnh lý khác, đặc biệt là “trúng gió”.

Do đó, nhiều trường hợp đã bị xử lý sai cách, dẫn đến bỏ qua “thời gian vàng” trong 6 giờ đầu. Trong các trường hợp bị đột quỵ hầu hết là do cục huyết khối gây thuyên tắc động mạch não. Hiện, mục tiêu chính trong điều trị đột quỵ là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương bằng các liệu pháp thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, thời gian chính là nhược điểm của các phương pháp này. Nếu người bệnh đến sớm mới có cơ hội được điều trị.

Hiện Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM và Bệnh viện Gia An 115 đã nhận chuyển giao phần mềm Rapid từ Đại học Stanford - Hoa Kỳ. Phần mềm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đột quỵ bằng cách cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ thay vì 6 giờ “vàng” như với trước đây.

Nghĩa là, bệnh nhân sẽ có thêm 18 giờ để chữa trị đột quỵ. Thông qua phần mềm, các bác sĩ sẽ nhận thấy được vùng tranh tối và sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo. Từ đó, sẽ xác định được vùng não sẽ bị hoại tử trong thời gian tới và quyết định có tiếp tục lấy huyết khối tái tưới máu não hay không.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân 115, nhận định: “Với phần mềm Rapid cho kết quả trong vòng 30-60 giây, chậm nhất là 2 phút. Nhờ đó, cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ tăng lên đáng kể. Trong 100 ca áp dụng phần mềm Rapid thì 49 ca điều trị thành công. Nếu không có phần mềm, chỉ có 19 ca được điều trị thành công”.

Sau khi áp dụng phần mềm Rapid thì Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia áp dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị đột quỵ. Được biết, hiện phần mềm này đã được 1.200 bệnh viện lắp đặt tại 40 quốc gia, mang lại hiệu quả cho 250.000 bệnh nhân đột quỵ.

Tin cùng chuyên mục