Thách thức nhân lực an toàn thông tin

Theo Bộ TT-TT, nhiệm vụ đào tạo nhân lực ATTT đến năm 2020 được đánh giá khả thi về mặt số lượng. Tuy vậy, chất lượng đầu ra là vấn đề quan trọng cần lưu ý.

Theo báo cáo của Cục An toàn thông tin  (ATTT) thuộc Bộ TT-TT, sau 4 năm triển khai Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (đề án 99), cả nước có 8 cơ sở đào tạo trọng điểm đã tuyển sinh đào tạo hệ chính quy thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân về ATTT theo đề án 99.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT cho biết, qua 4 năm triển khai Đề án 99, cả nước đã có hơn 4.800 học viên được đào tạo về an toàn, an ninh thông tin, 80% số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường đã có việc làm. Các cơ sở đào tạo trọng điểm đã cử được 91 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn an ninh thông tin tại nước ngoài, trong đó có 63 tiến sĩ, 18 thạc sĩ.

Đến cuối năm 2017, cả nước đã có 953 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ về an toàn, an ninh thông tin tốt nghiệp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 có 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an ninh, an toàn thông tin và kết quả đào tạo sau 4 năm thực hiện đã đạt khoảng 47% mục tiêu đề ra.

Theo Bộ TT-TT, nhiệm vụ đào tạo nhân lực ATTT đến năm 2020 được đánh giá khả thi về mặt số lượng. Tuy vậy, chất lượng đầu ra là vấn đề quan trọng cần lưu ý. Trong quá trình triển khai thực tiễn, một số yếu tố như: kiến thức, chương trình cập nhật, tài liệu giảng dạy vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế. Đội ngũ giảng viên cũng như giáo trình và môi trường cho sinh viên thực hành vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ BKAV cho rằng, với công nghệ và internet phát triển, sinh viên có thể học công nghệ từ xa nhưng vẫn phải thực tế tham gia giải quyết công việc mới xác định được năng lực. Đánh giá của BKAV cũng như nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án 99 cho thấy, sinh viên ATTT Việt Nam khi tốt nghiệp nhìn chung vẫn còn thiếu các kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, giao tiếp, làm báo cáo, thuyết trình, phản biện…

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cũng yêu cầu các cơ quan liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn tính hiệu quả của Đề án 99, làm rõ sự mất cân đối giữa chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực phân bổ và nhu cầu xã hội. Sau 4 năm triển khai đề án, do bối cảnh thế giới có sự biến đổi, cần có những nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh lại đề án sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Đề án 99 đặt ra mục tiêu đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATTT ở nước ngoài. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017 mục tiêu này mới chỉ đạt khoảng 22%. Đề án cũng đưa ra chỉ tiêu đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về ATTT đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ATTT cho rằng, về lâu dài Việt Nam cần có thêm cơ sở đào tạo uy tín ở trong nước. Bởi, trong lĩnh vực ATTT, các chuyên gia nước ngoài sẽ không chia sẻ hết những kinh nghiệm phòng chống tấn công mạng do đây luôn là thông tin bí mật. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cũng là khó khăn cơ bản quyết định chất lượng và số lượng đội ngũ nhân lực ATTT. Trong giai đoạn 2014-2017, tổng kinh phí được cấp chỉ bằng 20%-25% tổng mức kinh phí dự kiến.

Ngành an toàn, an ninh thông tin mạng luôn đòi hỏi mỗi chuyên gia phải thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong phòng chống các cuộc tấn công mạng chứ không “ngồi chờ” sự cố xảy ra để khắc phục hậu quả. Để hội nhập với Cách mạng công nghiệp 4.0 trên lĩnh vực này, cần có sự đồng lòng, quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và từng sinh viên. Trong đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng đào tạo và sau đào tạo tiếp tục là vấn đề cần sự quan tâm đầu tư toàn diện.

Tin cùng chuyên mục