Khủng hoảng tại Syria - Vẫn chưa tìm ra giải pháp

Kết thúc phiên họp Hội đồng Nga - Pháp về hợp tác an ninh giữa các ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại thủ đô Paris, Pháp, hai bên chưa thể thu hẹp bất đồng trong cách thức tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria. Đến nay, xung đột tại Syria vẫn chưa có lối thoát.
Khủng hoảng tại Syria - Vẫn chưa tìm ra giải pháp

Kết thúc phiên họp Hội đồng Nga - Pháp về hợp tác an ninh giữa các ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại thủ đô Paris, Pháp, hai bên chưa thể thu hẹp bất đồng trong cách thức tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria. Đến nay, xung đột tại Syria vẫn chưa có lối thoát.

  • Bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria

Kết thúc phiên họp ngày 31-10, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khẳng định: “Chúng tôi có sự đánh giá khác nhau về sự hiện diện của Tổng thống al-Assad trong một chính phủ chuyển tiếp”. Ông Fabius cho rằng, sẽ không thể tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn nắm quyền, cần phải có sự thay đổi tại Syria.

Trong chuyến thăm Croatia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 1-11 kêu gọi cải tổ ban lãnh đạo phe đối lập tại Syria, cho rằng đã đến lúc bỏ lại Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập và đưa vào ban lãnh đạo đối lập những người “đang chiến đấu và hy sinh trên chiến trường”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, việc ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad không quan trọng bằng việc ưu tiên chấm dứt bạo lực tại Syria. Không thể sử dụng quân sự để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu kéo dài suốt gần 1 năm qua và đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người tại Syria.

Theo Ngoại trưởng Nga, nếu lật đổ một nhà lãnh đạo mà phương Tây không muốn thì khi đó xung đột đẫm máu vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Do vậy, số phận của Tổng thống Assad phải do người dân Syria định đoạt và điều này đã được Hội đồng Bảo an LHQ tán thành, đồng thời cũng là một phần trong thỏa thuận Geneve về Syria đạt được hồi tháng 6 vừa qua.

Mặc dù Nga và Pháp chưa thu hẹp được bất đồng về vai trò của Tổng thống Assad, nhưng cả hai cường quốc này đều không ủng hộ giải pháp quân sự đối với Syria. Pháp khẳng định sẽ không ủng hộ quân sự trực tiếp cho bất cứ phe phái nào tham gia vào cuộc xung đột tại Syria.

Máu không ngừng đổ ở Syria.

Máu không ngừng đổ ở Syria.

  • 4 giải pháp chính trị

Trong khi các giải pháp cho Syria dường như rơi vào bế tắc, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất một giải pháp chính trị gồm 4 điểm cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.

Đề xuất được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa ra trong cuộc gặp đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, đang ở thăm Bắc Kinh, theo đó thứ nhất, các bên liên quan ở Syria phải thực hiện mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến tranh và bạo lực. Các bên cần thực hiện các bước hiệu quả nhằm hướng đến thỏa thuận ngừng bắn. Ví dụ, từng khu vực một và từng giai đoạn một, mở rộng các khu vực ngừng bắn. Cuối cùng là chấm dứt xung đột và bạo lực.

 Thứ hai, các bên liên quan ở Syria nên chỉ định những người đối thoại càng sớm càng tốt, nhằm hỗ trợ ông Brahimi và cộng đồng quốc tế, có thể xây dựng thông qua tham vấn một lộ trình chuyển đổi chính trị, thiết lập cơ quan quản lý chuyển tiếp, thực hiện chuyển đổi chính trị để kết thúc cuộc khủng hoảng Syria sớm nhất.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế cần làm việc cấp bách hơn, có trách nhiệm hơn, hợp tác đầy đủ và hỗ trợ các nỗ lực hòa giải của ông Brahimi, thực hiện thông cáo trong các cuộc họp Nhóm Hành động vì Syria của các bộ trưởng ngoại giao ở Geneva, kế hoạch 6 điểm của ông Kofi Annan và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Thứ tư, các bên liên quan nên có những bước cụ thể nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria.

Trung Quốc cho rằng tình hình tại Syria đang ở giai đoạn có tính quyết định và điều quan trọng là cần tìm một giải pháp phù hợp với lợi ích của người dân Syria cũng như hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông.

Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh giải pháp chính trị là lựa chọn thực tế duy nhất ở Syria. tương lai của Syria phải được định đoạt bởi chính người dân Syria và tất cả các bên cần phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự độc lập và đoàn kết của Syria. 

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục