Mỹ: Nhà Trắng lại “gặp khó” với thỏa thuận ngân sách

Hãng AP đưa tin, các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã nhóm họp tại Nhà Trắng để thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến thỏa thuận ngân sách Mỹ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng và đảng Cộng hòa bất đồng trong thỏa thuận ngân sách khiến nước Mỹ đứng trước nguy cơ sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn khi ngân sách tự động bị cắt giảm 85 tỷ USD vào ngày 1-3 (giờ địa phương).
Mỹ: Nhà Trắng lại “gặp khó” với thỏa thuận ngân sách

Hãng AP đưa tin, các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã nhóm họp tại Nhà Trắng để thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến thỏa thuận ngân sách Mỹ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng và đảng Cộng hòa bất đồng trong thỏa thuận ngân sách khiến nước Mỹ đứng trước nguy cơ sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn khi ngân sách tự động bị cắt giảm 85 tỷ USD vào ngày 1-3 (giờ địa phương).

  • Chưa vì mục tiêu chung

Cuộc thảo luận là một trong những nỗ lực tiếp theo của Tổng thống Barack Obama sau khi ông đạt thành công về việc ngăn chặn cái gọi là “vách đá tài chính” xảy ra hồi tháng 1-2013. Tổng thống Obama tỏ dấu hiệu sẽ đồng ý với một thỏa thuận bao gồm tăng thuế ở một số lĩnh vực và cắt giảm chi tiêu nhỏ so với những đối tượng nằm trong danh sách cắt giảm nhiều. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi đảng Cộng hòa chấp nhận kế hoạch tăng nguồn thu ngân sách do đảng Dân chủ đưa ra bằng cách chấm dứt nhiều ưu đãi thuế cho các công ty và những người giàu.

Nếu thực hiện được kế hoạch này, Mỹ hoàn toàn có thể hoãn việc cắt giảm ngân sách. Để lôi kéo thêm dư luận ủng hộ, ngày 26-2, chính phủ Mỹ đã công bố 52 trang đánh giá về những tác động cụ thể đến từng bang trong 7 tháng tới nếu lịch trình cắt giảm ngân sách được thực hiện.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Hạ viện John Boehner tiếp tục bất đồng về ngân sách Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Hạ viện John Boehner tiếp tục bất đồng về ngân sách Mỹ.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn muốn thực hiện các biện pháp mạnh để cắt giảm ngân sách. Các đại diện của đảng Cộng hòa khẳng định, họ sẽ không cho phép tăng thuế hơn nữa đối với giới nhà giàu, đồng thời cho rằng cắt giảm chi tiêu của chính phủ và cắt bỏ một số chương trình phúc lợi mới là giải pháp lâu dài. Họ cáo buộc đảng Dân chủ tiến hành “chiến dịch thổi phồng nguy cơ để làm người dân Mỹ hoảng sợ”.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định, nếu Nhà Trắng không thay đổi thì sẽ không có bất kỳ sự khai thông nào cho tình trạng bế tắc hiện nay. Tổng thống Barack Obama lên tiếng chỉ trích: “Phe Cộng hòa đã đe dọa nền kinh tế bằng hàng loạt đề xuất cắt giảm ngân sách ngặt nghèo. Chúng sẽ chỉ làm chậm tốc độ phục hồi nền kinh tế và giết chết công ăn việc làm”.

  • Những hậu quả

Hãng AP nhận định, trong cuộc xung đột giữa 2 thế lực chủ chốt giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa, đông đảo cử tri Mỹ là những người bị thiệt thòi và phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất. Dự kiến, việc cắt giảm chi tiêu tự động sẽ khiến 10.000 giáo viên mất việc làm, lộ trình kiểm định thực phẩm sẽ bị dừng lại, 373.000 bệnh nhân tâm thần sẽ không được điều trị, trong lúc nhiều công tố viên sẽ phải nghỉ phép.

Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng sẽ phải giảm 1.000 nhân viên, các khoản tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ bị cắt 540 triệu USD, khoảng 600.000 phụ nữ và trẻ em có thể không nhận được viện trợ lương thực khẩn cấp từ chính phủ… Đối với Bộ Quốc phòng, khoảng 800.000 nhân viên dân sự sẽ buộc phải nghỉ không lương.

Các tổ chức thương mại Mỹ đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt thịt gia súc, gia cầm và trứng trên khắp nước Mỹ khi ngành công nghiệp thịt nước này hứng chịu khoản cắt giảm chi tiêu tự động, ước tính khoảng 10 tỷ USD đối với sản xuất và 400 triệu USD dành để trả lương. Người đứng đầu Cơ quan ngân sách Quốc hội Mỹ, ông Douglas Elmendorf, cảnh báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm khoảng 1,5% trong năm nay và thị trường lao động sẽ mất khoảng 750.000 việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục