Sản xuất và kinh doanh hàng giả - Ngày càng tinh vi, phức tạp

Tội phạm về hàng giả chiếm 75% - 85%
Sản xuất và kinh doanh hàng giả - Ngày càng tinh vi, phức tạp

Hàng giả đã và đang xuất hiện trên diện rộng, từ những sản phẩm có giá trị thấp đến những mặt hàng có giá trị cao. Tính chất các vụ việc ngày càng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội nghị 10 năm triển khai công tác chống hàng giả và gian lận thương mại do Ban Chỉ đạo 127/TW tổ chức hôm qua 10-9 tại TPHCM.

Micro giả do Đội Quản lý thị trường 4A phát hiện. Ảnh: C. THĂNG

Micro giả do Đội Quản lý thị trường 4A phát hiện. Ảnh: C. THĂNG

Tội phạm về hàng giả chiếm 75% - 85%

Theo nhận định của ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/1999 về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản cả trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả đã và đang hoành hành ngày càng nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bản quyền thế giới, tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT), đánh cắp bản quyền, sáng chế ở nước ta đã đến mức báo động. Tội phạm về hàng giả chiếm tỷ lệ từ 75% - 85%. Trong đó, nổi cộm nhất là các nhóm hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng vật nuôi…

Bên cạnh đó, hàng giả cũng được phát hiện trên diện rộng như xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, rượu bia nước giải khát, hàng thực phẩm, sách và băng đĩa, đặc biệt là tiền giả, hóa đơn chứng từ, tem hàng hóa giả, bao bì hàng hóa giả... Hàng giả bị phát hiện thu giữ gồm cả hàng sản xuất trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài được đưa vào nước ta tiêu thụ.

Hình thức làm giả cũng rất đa dạng, giả về chất lượng, công dụng, giả hoặc nhái nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp của những thương hiệu nổi tiếng hoặc đang được bảo hộ sở hữu công nghiệp, giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đạt mục đích của mình như: móc nối với các DN nhà nước ký kết hợp đồng, trao đổi, mua bán, mượn danh Nhà nước để tiêu thụ, đánh lừa người tiêu dùng, lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc thời điểm sốt giá, sốt hàng để sản xuất, tiêu thụ hàng giả, thông đồng, móc ngoặc với cán bộ kỹ thuật hoặc nhân viên để tuồn ra ngoài công nghệ, bí mật pha chế, nhãn mác, mẫu mã hàng hóa.

Theo nhận định của các ngành chức năng, hầu hết hàng giả, hàng nhái đều không đảm bảo chất lượng, an toàn khi sử dụng, thậm chí gây tác hại cho người sử dụng hoặc môi sinh, môi trường.

Cần có nghị định riêng về hàng giả

Trong 10 năm qua, lực lượng QLTT trong cả nước đã xử lý hơn 102.000 vụ làm hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng.

Báo cáo tại hội nghị, hầu hết đại biểu đều cho rằng, mặc dù công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả đã có sự vào cuộc của toàn xã hội, song kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn. Hàng hóa vi phạm bị phát hiện tịch thu còn ít, số vụ sản xuất buôn bán hàng giả bị phát hiện và xử lý thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Nguyên nhân chính là hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả của chúng ta chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể. Đó là chưa kể, một số văn bản pháp luật cũ chưa bị thay đổi, bổ sung mà vẫn được sử dụng để bù đắp những thiếu hụt của chính sách pháp luật trong giai đoạn mới. Các văn bản chế tài còn nương nhẹ, mức chế tài đối với tình tiết tăng nặng không đáng kể nên việc xử phạt chưa đảm bảo tính răn đe. Việc xử lý vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng có nhiều khó khăn cả ở khâu giám định và xử lý vi phạm. Yêu cầu giám định chất lượng đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý để yêu cầu giám định, số lượng và cách lấy mẫu lưu mẫu rất khó khăn.

Để công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả đạt hiệu quả, Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị cần rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như hàng giả, vi phạm SHTT, hàng kém chất lượng để tránh chồng chéo trong quá trình xử phạt. Đồng thời, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó, cần tập trung làm rõ khái niệm hàng giả; nghiên cứu đề xuất bổ sung những quy định về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT... Đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần, có biện pháp xử lý cứng rắn, với mức phạt thật nặng đủ sức răn đe.

Củng cố và hoàn thiện các lực lượng chức năng đấu tranh chống hàng giả ở Trung ương và ở địa phương, thành lập các đội chuyên trách về chống hàng giả, thiết lập đường dây nóng tại các cấp, các ngành về chống hàng giả… là những việc cần được làm sớm. Công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp, vụ việc sản xuất và buôn bán hàng giả điển hình liên quan tới sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, an ninh kinh tế để mọi người biết và tẩy chay.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục