Cần minh bạch giá xăng dầu

Cần minh bạch giá xăng dầu

Giá xăng dầu có ảnh hưởng lớn đến đời sống của toàn xã hội vì nó là “yếu tố đầu vào” của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Biến động của giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết ngành nghề và hoạt động kinh tế có liên quan, dẫn đến sự điều chỉnh chi phí và các yếu tố cấu thành giá cả hàng hóa - dịch vụ. Giá xăng dầu tăng cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu lạm phát của nền kinh tế.

Giá xăng liên tục tăng, người tiêu dùng gặp khó. Ảnh: Cao Thăng

Giá xăng liên tục tăng, người tiêu dùng gặp khó. Ảnh: Cao Thăng

Để hạn chế tác động tiêu cực của biến động trên việc minh bạch giá xăng dầu là hết sức cần thiết. Việc minh bạch giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường với mục tiêu xóa bao cấp, khuyến khích cạnh tranh, đơn giản hóa quy trình quản lý… sẽ giúp thị trường xăng dầu phát triển một cách lành mạnh, góp phần hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế.

Công thức tính giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu hiện nay là một biểu thức có 9 số hạng, bắt đầu bằng giá nhập khẩu CIF, cộng với khoản: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế môi trường, quỹ bình ổn, tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức. Để minh bạch giá xăng dầu, các doanh nghiệp cần công khai 9 số hạng này để người dân được biết.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện quyền quyết định giá bán. Tuy nhiên việc tự quyết này phải nằm trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84/CP của Chính phủ và trước khi điều chỉnh giá phải báo cáo lên Liên bộ Tài chính - Công thương. Trong trường hợp giá cơ sở có biến động tạo chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành cần phải xem xét điều chỉnh giá, thì trước khi điều chỉnh, giá các doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký giá với Liên bộ Tài chính - Công thương.

Theo các chuyên gia, để minh bạch giá xăng dầu, nhà nước cần xây dựng khung giá chuẩn cho mặt hàng này. Khung giá này sẽ gồm giá sàn và giá trần. Giá sàn chuẩn sẽ là mức giá bán tối thiểu để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể bị lỗ khi bán xăng dầu khiến ngân sách nhà nước phải bù như bấy lâu nay. Khi đó giá sàn sẽ chỉ gồm các chi phí sản xuất, chi phí mua nhập, lưu thông và hao hụt định mức kỹ thuật tối thiểu để có được một đơn vị xăng dầu tới tay người tiêu dùng.

Hiện nay, cách tính giá bán lẻ xăng dầu trong nước dựa trên cơ sở giá bình quân dự trữ, lưu thông 30 ngày của mặt hàng này từ khi nhập về. Cách tính này là đúng theo quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ, nhưng theo các chuyên gia, nếu cứ sau 30 ngày mới tính lại giá cả là chưa hợp lý. Nếu trong vòng 2, 3 ngày, giá thế giới tăng, giảm đáng kể thì nên tính toán lại ngay và lấy mốc ngày hôm đó để tính lùi về 30 ngày trước đó...

Để khắc phục những bất cập nêu trên của Nghị định 84, Bộ Tài chính đang xúc tiến sửa đổi nghị định này sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, nghị định sửa đổi sẽ đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở. Lý do là trong công thức tính giá cơ sở hiện nay đã bao gồm 300 đồng lợi nhuận định mức kinh doanh cho mỗi lít (kg) xăng dầu. Quy định này rất khó phân biệt lỗ/lãi của doanh nghiệp như thời gian qua, gây bức xúc dư luận. Bộ Tài chính cũng dự kiến quy định đối với thù lao hoa hồng cho đại lý, doanh nghiệp không được trích quá 50% mức chi phí kinh doanh nói trên. Một điều chỉnh khác cũng rất được quan tâm là giá cơ sở sẽ được tính theo chu kỳ 10 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay để phù hợp với tần suất điều chỉnh giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cái lợi của cơ chế tăng giá xăng dầu 10 ngày là giá được điều chỉnh theo sát với giá thị trường, buộc phải có tăng và có giảm. Nhưng đối với Việt Nam, cơ chế này chưa thực sự phù hợp. Nếu trong vài ngày tới mà xăng dầu tăng giá thêm nữa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống xã hội. Cho nên, nhà nước khi cần thiết vẫn phải sử dụng các công cụ điều tiết để ổn định giá xăng dầu.

Minh bạch giá xăng dầu là đòi hỏi tất yếu của xã hội, của người tiêu dùng. Nhà nước phải buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công khai hóa các chi phí để xã hội giám sát nhằm xóa sự độc quyền hoặc tù mù về giá xăng dầu như trước đây. Đó cũng là đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục