Các hãng phim nhà nước trước nguy cơ phá sản

Các hãng phim nhà nước trước nguy cơ phá sản

Là hãng phim nhưng nguồn thu lại không phải từ phim, điều tưởng chừng phi lý ấy đang xảy ra trong các hãng phim nhà nước.

Thậm chí, phim sản xuất ra không có chỗ chiếu, phải cất vào kho, tiền chi trả lương cho nghệ sĩ phải lấy từ chính kinh phí tài trợ sản xuất phim của nhà nước và tất cả các nguồn thu phụ khác. Tình trạng “ăn lậm vào vốn” đã khiến cho các hãng phim nhà nước rơi vào cuộc khủng hoảng và đứng trước nguy cơ phá sản…

1. “Chợ chiều” ở Hãng phim Giải Phóng

Không đến mức như Hãng Phim truyện Việt Nam, nhưng việc chi trả lương cho khoảng 180 nghệ sĩ ở Hãng Giải Phóng cũng đang đặt hãng này vào tình trạng báo động. Thu nhập của nghệ sĩ bị giảm xuống mức tối thiểu, chỉ còn lương cơ bản.

Toàn bộ kinh phí của những bộ phim chưa triển khai và cả những phim do nhà nước tài trợ đều được dùng để chi trả lương. Điều này khiến cho 1 số bộ phim rơi vào tình trạng không thể sản xuất vì không có kinh phí. Đơn cử như bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Vinh Sơn (kế hoạch sản xuất từ năm 2003).

Trong biên bản báo cáo tài chính của tài vụ hãng thì năm 2004 hãng nợ 4 tỷ đồng; 2005 nợ 5 tỷ đồng.

Các hãng phim nhà nước trước nguy cơ phá sản ảnh 1

“Chuyện của Pao” (Hãng phim truyện 1) được Cục Điện ảnh gửi đi dự giải Oscar.

Ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng lý giải về khoản nợ này: Hãng phim không nợ ngân hàng, đây là số tiền hãng nợ nhà nước vì phải khấu hao tài sản. Toàn bộ số tiền đó đã được sử dụng để trả lương cho anh em.

“Hiện nay, để có tiền chi trả lương chúng tôi chỉ biết trông chờ vào các chi phí cho thuê trang thiết bị máy móc, rạp, làm dịch vụ in tráng…, trích từ kinh phí làm phim cho “Điện ảnh chiều thứ bảy”, bán phim cho các đài truyền hình, cho Cục Điện ảnh, cho Fafilm... Sắp tới áp dụng giá lương mới chúng tôi chưa biết sẽ xoay sở ra sao. Chắc sẽ không trả được.

Chỉ hy vọng bộ phim “Chuông reo là bắn” sẽ có lời... Chúng tôi cần cố gắng vượt qua trong 9 đến 12 tháng nữa, mong tình hình sẽ sáng sủa hơn…”.

“Chúng tôi không hề được biết những khoản thu chi của hãng trong suốt 2 năm qua. Vì sao hãng lại nợ nhiều vậy trong khi những năm trước hãng có trong tay những khoản tiền lớn như: 1,2 tỷ đồng/năm (được nhà nước bù giá. Năm 2002 là 1,2 tỷ đồng và giảm dần trong năm 2003, 2004. Bù giá chấm dứt vào năm 2005).

Đặc biệt năm 2003 hãng lãi ròng hơn 4 tỷ đồng từ bộ phim “Gái nhảy”, 2004 cũng lãi ròng hơn 1,5 tỷ đồng từ “Lọ lem hè phố”. “Những khoản tiền này đã chi vào việc gì không ai được biết trong khi đời sống của nghệ sĩ ngày càng đi xuống, lương có nguy cơ sẽ cắt giảm” – một nghệ sĩ bức xúc nói. Việc phân công việc làm phim cũng thể hiện nhiều bất hợp lý.

Trong một cuộc họp ở hãng, một số nghệ sĩ đã đứng lên chất vấn ban giám đốc: Tại sao nghệ sĩ ở hãng thì không có việc làm, trong khi những bộ phim của hãng lại đi thuê người ngoài thực hiện? Nếu không cần đến nghệ sĩ thì có lẽ cũng nên đóng cửa Hãng phim Giải Phóng.

2. Hãng Phim truyện 1 đã có lời tạ tội với anh chị em...

Giám đốc Hãng Phim truyện 1 Đặng Tất Bình tâm sự: “Chúng tôi khuyến khích các nghệ sĩ tìm việc làm thêm ở mọi nơi, mọi lúc. Thôi thì tiếp thị quảng cáo, làm phim ngắn, phim dài, phim tài liệu, phim truyền hình... miễn có việc để có thu nhập mà sống bằng nghề. Bởi vì, trông mong vào nhà nước giao cho một phim/năm thì lấy đâu ra khấu hao mà trả lương cho nhau. Ai tìm được phim, được quảng cáo mang về hãng là chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ để cùng làm, cùng giải quyết khó khăn”.

Ông Tất Bình cũng cho biết, mặc dù đã rất cố gắng nhưng đời sống của nghệ sĩ ở hãng vẫn rất khó khăn. “Đến thời điểm này, chúng tôi chỉ có thể trả lương theo mức cũ mà thôi. Ban lãnh đạo Hãng phim I đã có lời tạ tội với anh chị em vì chỉ có thể nâng mức cơ bản đến 350.000 đồng và trả bảo hiểm cho cán bộ, CNV trong hãng chứ không lên nổi 450.000đ…”.

“Kinh phí mà nhà nước dành tài trợ còn điện ảnh quá hạn hẹp, điều này dẫn đến những khó khăn vô cùng to lớn cho các hãng phim nhà nước. Giá như số tiền đó có nhiều hơn, lộ trình tiếp cận, làm quen và dấn thân vào thị trường điện ảnh giải trí kéo dài hơn thì chắc chắn ba hãng phim nhà nước sẽ đỡ vất vả hơn”.

3. Hãng Phim truyện Việt Nam: đã cố gắng tột bậc để đủ tiền trả lương

Việc mang phim vào Nam để bán của Hãng Phim truyện Việt Nam vừa qua với 2 bộ phim “Hàng xóm” và “9X” là những nỗ lực cuối cùng để tìm một lối ra. Bắt đầu từ tháng 9, gần 200 cán bộ, công nhân viên Hãng Phim truyện Việt Nam đã chỉ còn nhận được 70% lương.

Đạo diễn Thanh Vân cho biết, anh em nghệ sĩ của hãng đi làm phim truyền hình, làm quảng cáo... để ổn định cuộc sống. Thực ra, hãng chưa tận dụng được tối đa cái mình đang có: một đội ngũ làm nghề tốt, trang bị phương tiện kỹ thuật tốt, được đầu tư tiền làm phim... Hãng tư nhân cũng bắt đầu từ máy móc, nhân lực, nhưng họ phải mua sắm, còn hãng nhà nước có sẵn phương tiện, nhân lực.

Mặt khác, nhà nước đặt điện ảnh trong mục đích kinh doanh và mục tiêu phục vụ chính trị rất mâu thuẫn nhau. Tiền tài trợ làm phim chỉ đáp ứng 2 tháng lương, còn lại 10 tháng trong năm sống bằng gì?

Sau bài báo này, chúng tôi sẽ đăng tiếp ý kiến của những người trong cuộc. 

THỦY VÂN – HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục