Nguyễn Huy Tưởng

Nhà văn của Hà Nội, của tuổi thơ

Nhà văn của Hà Nội, của tuổi thơ
Nhà văn của Hà Nội, của tuổi thơ ảnh 1

Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là nhà văn chuyên viết về Hà Nội. Từ “Vũ Như Tô” (kịch)… đến “Sống mãi với thủ đô” “Lũy hoa”… Nguyễn Huy Tưởng còn dành tâm huyết của mình với bạn đọc trẻ. Bộ sách “Nguyễn Huy Tưởng – Nhật ký” gồm 3 cuốn, hơn 1.700 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào tháng 9 năm 2006, cho người đọc nhiều phát hiện về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Cá nhân tôi, kính yêu, tưởng nhớ một nhà văn lớn đồng thời là thủ trưởng cơ quan “Kim Đồng”, nơi tôi công tác ngay từ hồi mới thành lập (ngày 17 tháng 6 năm 1957), tôi đọc bộ sách đồ sộ với mong muốn thiết tha được hiểu thêm nữa, nhiều nữa về ông.

Nếu cuốn sách không in ra, làm sao, có cách nào mà được đọc những trang tâm tình sâu kín ấy. Do vậy, trước khi đọc, tôi biết ơn vợ nhà văn – bà Trịnh Thị Uyên đã dày công lưu giữ 40 quyển ghi chép, mà theo lời anh Nguyễn Huy Thắng – con trai duy nhất của ông bà Nguyễn Huy Tưởng, người biên soạn bộ sách – thì cuốn nhỏ nhất bằng bàn tay đóng bằng giấy bản; cuốn dày nhất là cuốn sổ công tác bìa cứng được nhà thơ Chế Lan Viên gửi tặng từ Trung Quốc; một số cuốn đã không còn nguyên vẹn, một số trang bị rách nát, mờ nhòe… Từ tác giả đến người lưu giữ, rồi người nghiên cứu, biên soạn, chỉ thế thôi đã khiến người đọc trân trọng như thế nào để được lần giở từng trang in với bao nỗi xúc động hiếm gặp so với các tác phẩm ấn loát khác.

Nhà nghiên cứu văn học Phong Lê đã có “lời bạt” thật đầy đủ, rõ ràng in ở phần cuối bộ sách này, giúp người đọc hiểu rộng hơn về thân thế và sự nghiệp của từng chặng thời gian, địa điểm mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã sống và làm việc. Dù sao, cảm nhận của mỗi cá nhân người đọc lại diễn tiến theo trình độ, tình cảm và sự hiểu biết riêng nên từng sự tiếp thu có thể mỗi người mỗi khía cạnh.

Những phần đầu của nhật ký cho thấy một thanh niên đầy ý chí tự lập, luôn luôn soi kỹ mình về mọi hành vi, mọi suy nghĩ, và đã xác định được con đường sự nghiệp sẽ đeo đuổi. Người thanh niên ấy đã biết chọn bạn để giúp nhau cùng đi, cùng làm, rất phục những người bạn kiên cường, thẳng thắn. Thương mẹ suốt đời tần tảo nuôi con cái, tất bật lo cho đứa con xa quê hương ăn học nên người mà mãi không giúp nổi mẹ món tiền nhỏ nào.

Và, ngay những ngày rời trường học để vào công sở làm việc, người thanh niên ấy đã miệt mài tập viết, gắng thực hiện từng bước ý định viết văn và không bao giờ vừa ý.

Một con người chí khí, yêu thiết tha đất nước, yêu sự nghiệp văn chương, đã hứa với ai để làm một nhiệm vụ chính đáng nào, là làm bằng được, cực đoan đến độ chấp nhận thiệt thòi, nhất là sau này khi ông đã lập gia đình và đảm trách nhiều công việc của đoàn thể, đều thấy ông có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió nhất.

Cuộc sống gia đình của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng trải qua bao gian nan vất vả, rất hiếm có khoảng thời gian nào hai ông bà sống chung với nhau được nhiều tháng, càng đằêng đẵng cách xa trong những năm kháng chiến chống Pháp. Nhà văn ở thời điểm khó khăn nhất vẫn ghi những dòng nhật ký đầy nghị lực: “- Tập trung tư tưởng vào một vài tác phẩm. Bỏ những cái lặt vặt đi. Một vài vở kịch nữa, và cuốn tiểu thuyết đồ sộ của ta. Thế mà thôi. Giữ vững cho sự làm việc được liên tiếp. Sự phân phối thì giờ trong một ngày, một tháng v.v… là đảm bảo của thành công”. (trang 167, tập 2).

Những ai có sáng tác cho thiếu nhi, nhân đọc “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” đều mong muốn được biết ông có ý định viết cho các em nhỏ từ bao giờ và cuốn đầu tiên cùng những cuốn sau này mang những tiêu đề gì?

Ở trang 463 của cuốn 1, ngày 7 tháng 11 năm 1940, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi: “Mấy hôm nay, chép lại truyện Hoài Văn Hầu mà mình mới làm xong. Có lúc lại hoài nghi, không biết những truyện này có còn hợp thời nữa không? Dẫu sao, mình cũng làm xong một truyện rồi. Lấy làm thích cuốn truyện nhỏ này…”.

Nhưng ở trang 466 (cuốn 1), ông ghi ngày 18-11-1940 thì tập truyện “Cô bé gan dạ” mà ông Ngô Bích San (sau này là Phó Giám đốc NXB Kim Đồng những năm 1960, 1970…) lúc đó ở ban lãnh đạo sách Hoa Xuân của Hướng Đạo thẳng tiến sẽ in vào số 28, đã xuất bản. Ông Nguyễn Huy Tưởng nhận mười quyển bản quyền, “lòng vui không độ”, ông ghi nhật ký “…Sung sướng vì công ta không đến nỗi uổng”.

Sau đó, Nguyễn Huy Tưởng hoạt động nhiều thời gian cho lớp hướng đạo sinh nhỏ, gọi tên là “Bầy sói”. Bấy giờ ông có làm thơ. Đây là một bài ông viết cho các “sói con” ở bầy Bạch Đằng, một bài thơ rất hiếm thấy trong danh mục tác phẩm sáng tác của ông cho trẻ nhỏ (và cả cho người lớn):

…Ôi non sông tre xanh, Lới mây mù không thấy nhà, Ôi Văn Lang xa xăm, Chí ta bền với sơn hà…(trang 494, 495 – Tập 1)

Tác giả gọi là “bài ca chính thức dự định làm (cho bầy) hôm 21, kể cũng thú vị.

Sát Tết Nguyên đán năm 1960, cuốn “Kể chuyện Quang Trung” phát hành. Mùng 3 Tết, ông bà đi chúc Tết, vào một hiệu sách mua cuốn này, sách đã bán hết. Ông ghi nhật ký… “Vợ vui sướng, nhìn thấy cuốn sách ấy không bày trên tủ hàng…”. Rồi ông tập trung cho chương trình sáng tác năm 1960, thấy ghi: “Trong thời gian này: viết cho xong tập Trần Quốc Toản”. (Trang 478 – Cuốn 3).

Hai trang sau, ông ghi “Kể chuyện Quang Trung được hoan nghênh trong giới nhà giáo và các em…”.

Ngày 11 tháng 3 năm 1960, ở nhật ký thấy vỏn vẹn một dòng “Viết xong: Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.

Một dòng ngắn gọn, nhưng đối với các bạn đọc sách thiếu nhi thì đó lại là một việc làm rất có ý nghĩa lớn lao của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dành cho các cháu nhỏ: đó là cuốn sách cuối cùng ông viết cho các cháu.

Tôi xin phép đóng bài viết nhỏ của tôi về pho sách đồ sộ, quý giá của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bằng sáu dòng in nghiêng ở cuối tập 3, những dòng đẫm nhớ thương, cảm phục:

“Đến đây khép lại trang nhật ký cuối cùng và cũng là những dòng chữ cuối cùng trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Tưởng. Chỉ sau đó ít ngày ông lên bàn mổ để rồi sẽ ra đi mãi mãi, ngày 25-7-1960, sau gần hai tháng trời chống chọi với căn bệnh ung thư”.

THY NGỌC

Tin cùng chuyên mục