Từ blog đến sách

Cuộc cách mạng trong sáng tác?

Cuộc cách mạng trong sáng tác?

Với ưu thế về tính đơn giản, khả năng phát tán, truyền bá cao nhất hiện nay, blog đang trở thành một hiện tượng ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội trong đó có cả văn học. Không còn thuần túy là một phương thức thể hiện trên thế giới ảo, nhiều tác phẩm văn học từ blog đã vươn ra thành các tác phẩm văn học chính thống.

  • Sức mạnh của sự nổi tiếng
Cuộc cách mạng trong sáng tác? ảnh 1

Ngày càng có nhiều sáng tác trên blog. Ảnh: T.V.

Vừa qua, thị trường sách trong nước xôn xao với sự xuất hiện của tác phẩm văn học võ hiệp kiểu mới Tru Tiên. Bỏ qua vấn đề về đề tài, nội dung, tác phẩm này là một điển hình của phong trào sáng tác từ mạng: blog chuyển thành sách.

Tác giả Tiêu Đỉnh là một người hâm mộ thể loại võ hiệp, sau một thời gian nhận thấy loại sách này thiếu những tác phẩm mới đã quyết định tự sáng tác một tác phẩm cho riêng mình. Sáng tác của anh ban đầu được đưa lên trang web, blog của riêng mình, cứ xong chương nào đưa lên chương đó. Dần dần sách trở nên nổi tiếng, trở thành một trong “tam đại kỳ thư Internet” của khu vực châu Á, được xuất bản chính thức ra thị trường sách, bán được hơn 2 triệu bản tại Trung Quốc.

Trên thế giới, hiện tượng xuất bản sáng tác văn học từ blog không còn là điều mới lạ. Thậm chí tại châu Âu, để xuất bản một tác phẩm từ blog, vấn đề chỉ còn là vài cái click chuột như với dự án xuất bản sách của NXB New Pamphleteer (Mỹ). Bất kỳ ai muốn tác phẩm trên blog của mình được in thành sách chỉ cần đăng ký trực tuyến, tác phẩm của họ sẽ được in thành những cuốn sách khổ 10x15, dày 40 - 80 trang với giá bán 4 USD. Nếu sách bán được, tác giả sẽ hưởng 30% lợi nhuận. Với sự phát triển mạnh mẽ của thể loại văn học từ blog này, người ta đã sáng lập hẳn một giải thưởng văn học dành riêng cho những sáng tác dạng này với tên gọi Lulu Blooker Prize (blooker ghép từ chữ book và chữ blog).

Tại Việt Nam, ước tính hiện blog đã tròm trèm gần con số triệu và trong đó không thiếu những blog của các nhà văn, từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Gần đây, việc tác phẩm Những đống lửa trên vịnh Tây Tử của nhà văn Trang Hạ từ blog bước ra thị trường sách đã đánh dấu sự xuất hiện của làn sóng sách từ blog trong nước. Sau khi đoạt giải khuyến khích cuộc thi Văn học tuổi 20 năm 1995, Trang Hạ đã chuyển sang sáng tác trên mạng với những truyện ngắn như Xa xứ, Chỗ ngồi vắng người… đăng trên trang web TTVNOL vào những năm 2003.

Trong cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên và báo Văn Nghệ tổ chức (2002 - 2003), chị tham dự và đoạt được giải thưởng tuy nhiên do truyện ngắn có liên quan đến người đồng tính nên tác phẩm đã gặp khó khăn trong việc xuất bản lúc đó. Đến giai đoạn bùng nổ blog, Trang Hạ đã nhanh chóng đưa các tác phẩm của mình lên Trangha’s blog và các tác phẩm của chị được giới blog đồn đại và lan rộng nhanh chóng. Với tiếng tăm đó, đến cuối tháng 1-2007, Trang Hạ đã nhận được 9 lời đề nghị xuất bản các tác phẩm mạng của chị đến từ các NXB, công ty truyền thông trên cả nước - Những đống lửa trên vịnh Tây Tử là một trong số đó.

  • Đơn giản nhưng không dễ dàng
Cuộc cách mạng trong sáng tác? ảnh 2

Từ blog, tác phẩm này đã được chuyển thành sách, báo hiệu một trào lưu sáng tác mới đầy hy vọng.

Chỉ cần tạo ấn tượng, gây tiếng vang là đã đạt 2/3 con đường đưa tác phẩm của mình từ ảo thành đời thật, đó là tâm lý chung của nhiều tác giả sáng tác trên blog. Quả thật, với ưu thế phổ biến nhanh chưa từng có của blog, các tác phẩm rất dễ được nhiều người biết tới đồng nghĩa với việc được bảo đảm về mặt độc giả cũng như doanh thu nếu xuất bản theo con đường chính thức, đây cũng là một nhân tố giúp các tác giả nhận được sự quan tâm của các NXB, điều mà bình thường vốn dĩ rất khó khăn.

Tạo được tiếng vang, gây nổi tiếng là bước quan trọng để tác phẩm thoát ra khỏi thế giới ảo. Tuy nhiên, để tác phẩm thực sự sống được trong lòng độc giả lại là một chuyện hoàn toàn khác. Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của nhà văn Trung Quốc Bảo Thê là một trường hợp điển hình. Từ nổi tiếng trên mạng, tác phẩm nhanh chóng được in thành sách nhưng lại không đạt được thành công như mong muốn. Đây cũng chính là vấn đề mà nhiều tác phẩm từ blog khác gặp phải khi chuyển từ ảo sang thật. Tác phẩm trên blog vốn dĩ thường khá đơn giản, tập trung vào việc gây ấn tượng ban đầu thông qua tựa, các diễn biến mạnh mẽ, bất ngờ, thậm chí gây sốc cho người đọc.

Tuy nhiên, khi chuyển thành một cuốn sách mọi chuyện phải thay đổi, với Bảo Thê, cái tựa đầy ấn tượng trên mạng chuyển thành Em nấu tình yêu thành món canh một cái tựa nhẹ nhàng hơn hẳn. Truyện gốc có diễn biến dồn dập, gói gọn trong 14 chương giúp độc giả mạng nhanh chóng cảm nhận ý tưởng của tác giả đã bị kéo dài ra thành 23 chương và cuối cùng là thành 38 chương cho “đầy đặn” khiến độc giả hâm mộ không còn nhận ra được nguyên tác mà họ ưa thích trên mạng. Kết quả là tác phẩm mạng vẫn nổi tiếng còn tác phẩm sách lại chìm dần.

Cuộc cách mạng trong sáng tác? ảnh 3

Nhiều sáng tác trên blog đã được in thành sách. Ảnh: M.T.

Đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng nổi tiếng là những ưu thế cho những người sáng tác văn học trên mạng nói chung và blog nói riêng. Thế nhưng, cũng chính từ cái lợi đó đã dẫn đến việc các tác phẩm trên mạng thường chạy theo thị hiếu của bạn đọc hơn là xây dựng một tác phẩm văn học thật sự hoàn chỉnh.

 Nhiều tác phẩm vốn dĩ có ý tưởng hay, thể hiện đầy chất văn học nhưng trước những ý kiến, góp ý của nhiều độc giả khác nhau đã dần biến thành một thứ “lẩu thập cẩm” chứa đựng rất nhiều ý tưởng của rất nhiều người mà mất đi phong cách riêng của mình nên dù rất thành công trên mạng lại không thành công khi chuyển thành sách.

Tuy đến nay, ngoại trừ một vài tác phẩm đặc biệt thì phần lớn các sáng tác văn học từ blog ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn chưa đạt được thành công khi chuyển thành sách như mong muốn. Nhưng một điều không thể phủ nhận là với số lượng người sáng tác đông đảo, đa dạng, số lượng độc giả gần như vô tận, thế giới văn học mạng đang và sẽ trở thành một xu thế sáng tác văn học có tầm ảnh hưởng lớn đến đà phát triển văn học. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng sáng tác trên mạng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong phương thức sáng tác văn học vốn bất biến từ xưa nay.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục