Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh

Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh

(12G).- Sáng nay, 10-11, ca sĩ Phạm Quỳnh Anh (Bỉ) đã về đến TPHCM trên chuyến bay VN532 của Vietnam Airlines. Quỳnh Anh (ảnh) khá lạ so với hình ảnh được lên mạng Internet. Quỳnh Anh sẽ lưu lại TPHCM trong 5 ngày, thăm TPHCM và vùng phụ cận.

Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh ảnh 1

Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh tươi cười khi vừa về quê nhà (ảnh chụp lúc 6 giờ sáng nay , 10-11 tại sân bay Tân Sơn Nhất). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Phạm Quỳnh Anh sinh năm 1987 tại Bỉ, bắt đầu con đường ca hát từ năm 13 tuổi. Năm 2002, Quỳnh Anh ký hợp đồng ghi âm với Rapas Centre, chi nhánh của hãng Universal đặt tại Pháp, khi Quỳnh Anh cùng Marc Lavoine ghi âm bài hát J’espère (Tôi hy vọng). Sau đó, cô lưu diễn cùng ông khắp nơi tại Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ... và nhanh chóng được khán giả trong khối cộng đồng Pháp ngữ biết đến.

Với bài hát Bonjour Vietnam do nhạc sĩ Marc Lavoine sáng tác, được Guy Balbert dịch sang tiếng Anh với tên Hello Vietnam, tên tuổi Quỳnh Anh ngày càng được nhiều khán giả biết đến, nhất là người Việt trẻ trong nước và nhiều thế hệ người Việt ở ngoài nước.

Được biết, trong Gala Dinner tối 14-11 tại khách sạn Sofitel Plaza, nhân kỷ niệm 10 năm EuroCham, Phạm Quỳnh Anh sẽ hát ca khúc Bonjour Vietnam nguyên bản tiếng Pháp cùng một số ca khúc khác. Đến ngày 15-11, cô sẽ thăm Hà Nội và sẽ rời Việt Nam vào ngày 18-11.

Tùng Khanh

   Bonjour Vietnam! - Bài hát thổn thức lòng người xa xứ

Hơn hai năm trước, lần đầu tiên Phạm Quỳnh Anh, lúc ấy 18 tuổi, cất lên tiếng hát “Bonjour Vietnam” (Xin chào Việt Nam - nghệ sĩ Pháp Marc Lavoine sáng tác nhạc, cùng Yvan Coriat viết lời), bài hát ngay lập tức lan khắp cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, làm thổn thức lòng người xa xứ, lay động tình cảm của tất cả những ai có mối dây ràng buộc với Việt Nam, dù gần hay xa.

Trên một diễn đàn thuộc Tổ chức các trường đại học nói tiếng Pháp (AUF) có thể đọc thấy rất nhiều dòng chia sẻ.

“Một năm trước, vợ chồng tôi có nhận một bé gái Việt Nam 4 tháng tuổi làm con nuôi. Thật cảm
 động khi nhìn thấy hình ảnh (clip) và nghe bài hát “Bonjour Vietnam” này. Đấy là nơi chôn nhau cắt rốn của con chúng tôi, chúng tôi sẽ trở lại nơi ấy vì nỗi nhớ khó mà lấp đầy. Chúng tôi đã mở lòng mình với miền đất này, nhất là với những người dân nơi đây. Chúng tôi không chỉ có được một đứa con mà còn có thêm một quê hương xứ sở như là điều tự nhiên phải thế. Tôi cũng vậy, tôi sẽ trở lại Việt Nam với vợ và con tôi. Việt Nam đã ở trong trái tim của chúng tôi rồi”… (Pascal).

Xúc động nhất có lẽ là khi đọc những lời tâm tình của các bạn trẻ sinh ra (hay sống từ nhỏ), lớn lên ở nước ngoài giống như Quỳnh Anh, nhiều người không nói được tiếng Việt, thưởng thức bài hát bằng chính thứ tiếng “mẹ đẻ” thứ hai của mình.

Đoạn văn dưới đây của Tu Uyen Evelyne là một trong những lời tự sự tiêu biểu:

 “Bài hát Bonjour Vietnam thật tuyệt vời, hơn nữa nó lại được sáng tác bởi một người không có quan hệ gì với đất nước cội nguồn của tôi (tôi sinh ra ở Việt nam và rời xa quê hương năm 9 tuổi). Với ca từ giản dị, bài hát dễ dàng đến được với cả những bạn trẻ tuổi nhất. Tôi được biết bài hát một cách tình cờ và và tôi sẽ cho em trai (13 tuổi), em gái tôi (8 tuổi, cũng tên là Quỳnh Anh), đều sinh ra tại Pháp, cùng nghe. Tôi chưa từng là người hâm mộ của Marc Lavoine nhưng giờ đây tôi đã hiểu vì sao ông lại là một nghệ sĩ lớn. Đó phải là một con người có tâm hồn hết sức nhạy cảm…

Một bạn trẻ khác viết:

Tôi rời khỏi Việt Nam một cách vô tình, cho tới năm 12 tuổi thì tôi bắt đầu cảm thấy nhớ quê nhà. Hàng ngàn câu hỏi nung nấu đầu óc tôi (ví dụ, vì sao tôi lại ở đây (Pháp)?...). Có một sự thật là lớn lên giữa hai nền văn hóa là một điều rất khó khăn (một được học ở trường, một mà cha mẹ cố gắng dưỡng dạy ở nhà).

Sở hữu hai nền văn hóa là một lợi thế không thể chối cãi khi phải đối diện với những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, nhưng đôi lúc cũng là điều làm ta rất khó xử, không biết “nghiêng” về bên nào. Tôi đã được đọc những lời tâm sự của các bạn trẻ, chúng khiến tôi rất cảm động. Tôi nghĩ rằng người ta sẽ không thể sống bình yên nếu không biết rõ cội nguồn của mình. Tôi đã gặp những người từ chối nguồn gốc của mình, và tự hỏi làm sao lại có thể như thế.

Nền văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, đất nước Việt… biết bao giàu có, mà người ta phải lấy làm tự hào và cố gắng “sở hữu” càng nhiều càng tốt… Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để sau này con của tôi (tôi chưa có con) được tắm mình trong ngôn ngữ và trong nền văn hóa Việt Nam, dù cha của chúng có thuộc dân tộc nào đi nữa.

Một bạn khác, không ký tên, viết:

“Tôi cũng là một cô gái Pháp gốc Việt. Hiện tôi đang theo học ở Đức và chính những người bạn Việt Nam ở đây đã cho tôi biết bài hát tuyệt vời này, cũng là bài hát kể lại chính cuộc đời tôi. Bài hát làm tôi rất xúc động, vì cho đến nay không có nhiều những ca khúc như vậy để giúp chúng tôi nói lên tâm tình của mình.

***

Cám ơn nghệ sĩ Marc Lavoine, như Tu Uyen Evelyne viết, ông hẳn phải là người tinh tế và mẫn cảm biết mấy mới có thể dùng âm nhạc giúp Quỳnh Anh nói lên nỗi niềm của lòng mình một cách chân thành như thế! Bài hát sau đó được dịch sang tiếng Anh.

Và giờ đây, bao người gốc Việt ở khắp nơi đang cùng ngân nga với Quỳnh Anh “Bonjour Vietnam!” - “Hello Vietnam!”.

NINH HÀ - NGUYỄN QUỐC (tổng hợp)

 Xin chào Việt Nam

Hãy kể cho tôi nghe về cái tên lạ lẫm và khó gọi
Mà tôi đã mang từ thuở lọt lòng.
Hãy kể cho tôi nghe về vương triều cũ và về đôi mắt nhỏ của tôi,
Những điều nói với tôi nhiều hơn những gì người có thể nói.
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh chiến tranh,
Một bộ phim của Coppola, và những chiếc trực thăng cuồng nộ…
Một ngày kia tôi sẽ đi về nơi ấy, một ngày để nói lời chào tâm hồn tôi. 
Một ngày kia tôi sẽ đi về nơi ấy, để nói lời chào Việt Nam.
Hãy kể cho tôi về màu da tôi, về mái tóc tôi và đôi bàn chân tôi nhỏ nhắn,
Mà tôi đã mang từ thuở lọt lòng.
Hãy kể cho tôi về những nóc nhà, những góc phố
về ai đó xa lạ không quen biết ấy,
Về ngôi chợ nổi trên sông và những chiếc thuyền tam bản.
Về  đất nước của  mình tôi chỉ biết  những hình ảnh chiến tranh
Một bộ phim của Coppola, và những chiếc trực thăng cuồng nộ…
Một ngày kia tôi sẽ đi về nơi ấy, một ngày để nói lời chào tâm hồn tôi. 
Một ngày kia tôi sẽ đi về nơi ấy, để nói lời chào Việt Nam.
Những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá của cha
Những dáng lưng cong trên cánh đồng của mẹ
Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, gặp lại anh em,
Để được chạm vào hồn tôi, gốc rễ tôi, miền đất của tôi…
Một ngày kia tôi sẽ đi về nơi ấy, để nói lời chào tâm hồn tôi. 
Một ngày kia tôi sẽ đi về nơi ấy, để nói lời chào Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục