Sự ra đời của bài hát “Giải phóng miền Nam”

Sự ra đời của bài hát “Giải phóng miền Nam”

Tháng 3 năm 1960, Nghị quyết 5 của Trung ương Đảng đề ra đường lối 2 chiến lược:

– Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

– Tập hợp toàn dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và huy động sự ủng hộ của thế giới.

Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch.

Sự ra đời của bài hát “Giải phóng miền Nam” ảnh 1

Nhóm Hoàng Mai Lưu (tức Huỳnh Minh Siêng). Từ trái sang: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ.

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nêu lên mục đích là động viên nhân dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam tiến tới xây dựng miền Nam một chế độ hòa bình trung lập và dân chủ, từng bước sau này thực hiện thống nhất đất nước.

Nhằm hoàn chỉnh sự ra đời của mặt trận, ba chúng tôi gồm Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước là 3 thành viên chủ chốt của nhóm Hoàng Mai Lưu được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN.

Được biết chủ trương đường lối của Đảng với cách mạng miền Nam đã đổi mới và quan trọng.

Trước đây ngụy quyền Sài Gòn thường lợi dụng mọi sơ hở của dân ta để lấy cớ tàn sát đồng bào nên Đảng chủ trương các cơ sở phải giấu kín vũ khí để bảo toàn lực lượng, để địch không mượn cớ khủng bố. Nay tình hình trong nước và thế giới đã thay đổi, Đảng chủ trương phải đấu tranh vũ trang, phản công lại, bảo vệ cơ sở của ta và trừng trị tiêu diệt địch.

Tôi có gần gũi đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, và biết được ý kiến là phải tuyệt đối giữ bí mật việc sáng tác này; về nội dung cần thể hiện những điểm sau:

– Bài hát có tính chất Quốc ca (sách lược) này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung bộ và Nam bộ.

– Kêu gọi nhân dân Nam Trung bộ và Nam bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ.

– Nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước Việt Nam.

– Tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Do các yêu cầu chặt chẽ trên về mặt chính trị nên 3 chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc cân nhắc rất kỹ từng lời, từng ý, để sáng tác bài hát này. Cụ thể, để thể hiện chủ trương mới quan trọng của Đảng và cách mạng lúc này là phải đấu tranh vũ trang, chúng tôi đã đưa câu kêu gọi nhân dân trực tiếp chiến đấu: “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”.

Muốn thực hiện được chiến lược này phải đoàn kết nhân dân Trung Nam Bắc lại để diệt đế quốc Mỹ, nhưng điểm mới trong chiến lược là tha cho ngụy quyền chứ không tiêu diệt, nên chúng tôi đã đưa vào bài hát câu:

“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước
Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”

Để minh họa cho đường lối đoàn kết dân tộc Nam Trung Bắc, chúng tôi đã nêu lên 2 địa danh tiêu biểu của hai miền là Cửu Long và Trường Sơn, vì thế trong bài có câu:

“Đây Cửu Long hùng tráng
Đây Trường Sơn vinh quang”

Để thể hiện ý chí thống nhất đất nước của toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong bài hát có câu:

“Vai sánh vai chung một bóng cờ”

Điệp khúc của bài hát là kết luận toàn bộ sách lược mới của Đảng và phản ánh sự tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng bằng câu:

“Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi
Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Cuối cùng, tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ba chúng tôi nhất trí không để Hoàng Mai Lưu mà lấy tránh ra là Huỳnh Minh Liêng, tức là 3 chữ đầu của họ 3 người: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước.

Nhưng vì chữ anh Phước viết chữ L hơi tháu nên khi người công nhân xếp chữ nhìn chữ L thành ra chữ S, do vậy tên tác giả từ Huỳnh Minh Liêng ra Huỳnh Minh Siêng. Sau khi phát hiện ra, có ý kiến nên sửa lại, nhưng anh Phước lại giải thích cứ để chữ Siêng cũng có ý nghĩa là siêng năng.

Sau khi sửa chữa 3 lần, bài hát đã được lãnh đạo thông qua và được phổ biến rộng rãi trong nước và thế giới, được dư luận nhiệt tình ca ngợi.

Tháng 12-2008 

HUỲNH VĂN TIỂNG kể
TỐ UYÊN
ghi

Tin cùng chuyên mục