Xung quanh việc 2 di tích quốc gia ở Lâm Đồng xin "khai tử"

Sau 2 thác Liên Khương, Gougah sẽ đến...

Trong khi nhiều nơi cố gắng xây dựng hồ sơ xin được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia cho địa phương mình... thì Sở VH-TT tỉnh Lâm Đồng lại vừa có văn bản tham mưu UBND tỉnh xin Bộ VHTT-DL rút 2 danh thắng ra khỏi danh sách đã được xếp hạng di tích quốc gia. Tại sao? 

  • Thác nước mà không có nước!

 Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Văn Thể, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Lâm Đồng khẳng định việc sở gửi văn đề nghị UBND tỉnh cho phép tham mưu đề nghị Bộ VHTT-DL quyết định thu hồi giấy phép xếp hạng là có thật. Ông Thể cho biết, 2 thác Liên Khương và Gougah được Bộä VH-TT nay là Bộ VHTT-DL quyết định công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia, nhưng đến nay giá trị lịch sử, văn hóa của thác không còn nữa. Cụ thể, thác Liên Khương thuộc huyện Đức Trọng đã cạn nước, cảnh quan bị phá hủy, cộng thêm việc mở rộng quốc lộ 20 và vòng xoay đường cao tốc nên đã đóng cửa khai thác, không tổ chức phục vụ khách tham quan. Còn thác Gougah thì ngược lại, do mực nước hồ Đại Ninh trong quá trình tích nước đã dâng cao, làm mất thác.
 
Vừa qua, thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ các di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo cụ thể về tình trạng của các di tích. Theo đó, ngoài 2 thác trên, hiện thác Prenn và thác Cam Ly (trong khu vực thác Cam Ly có lăng Nguyễn Hữu Hào), do Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt quản lý khai thác cũng đang trong tình trạng xuống cấp do không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên. Công tác bảo vệ ở đây không nghiêm dẫn đến tình trạng dân lấn chiếm đất đai, tùy tiện chặt phá cây thông. Nhiều kiến trúc độc đáo của lăng Nguyễn Hữu Hào bị đập phá, cảnh quan bị phá hoại.
 
Nghiêm trọng hơn, thác Voi ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, là một thác nước rất đẹp cũng được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia, cảnh quan cũng đang bị phá hủy. Mặc dù dự án tôn tạo thác Voi được phê duyệt từ năm 2002 nhưng do chủ quản lý không đủ năng lực đầu tư cố tình kéo dài để chờ sang nhượng kiếm lời khiến các hạng mục tại đây bị xuống cấp. Mặc dù Sở VH-TT Lâm Đồng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng tình hình vẫn không biến chuyển, thậm chí lại bị phá hủy nghiêm trọng hơn. 

  • Cục Di sản cũng  "quá bất ngờ!" 

"Quá bất ngờ"- TS. Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTT-DL đã thốt lên. Nếu hiện tượng này xảy ra ở một địa phương xa xôi, hẻo lánh, nơi tình trạng dân trí thấp, thông tin ít được cập nhật thì có thể hiểu được. Song, với Đà Lạt, một thành phố du lịch nổi tiếng dựa vào những thế mạnh là khí hậu và cảnh quan thiên nhiên thì thật không thể hiểu được. Ông Đặng Văn Bài cho biết, đến ngày 28-2 Cục Di sản vẫn chưa nhận được bất cứ một báo cáo nào từ Sở VH-TT Lâm Đồng về hiện trạng của 2 di tích trên.

 Theo Cục trưởng Đặng Văn Bài, nếu di tích quốc gia bị phá hủy bởi những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, địch họa thì không kể đến. Nhưng nếu đó là do con người tác động vào trong quá trình quản lý, khai thác thì cơ quan nào quản lý trực tiếp theo phân cấp phải kiểm điểm trách nhiệm sau đó bộ mới ra các quyết định tiếp theo. Do đó, Cục Di sản sẽ cử cán bộ đi kiểm tra thực tế. Nếu có khả năng "cứu" được thì sẽ cố gắng hết sức vì di tích không chỉ là tài sản riêng của địa phương mà là niềm tự hào chung của người dân cả nước  

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục