Nơi bắt đầu con đường lịch sử

Nơi bắt đầu con đường lịch sử
Nơi bắt đầu con đường lịch sử ảnh 1

Đoạn đường này nằm trên đỉnh Trường Sơn (đoạn cao 1.100m so với mặt biển) do Trung đoàn 98 công binh - đơn vị anh hùng - mở...

Con đường lịch sử ấy - “Đường mòn Hồ Chí Minh”, nay đã thành đại lộ Hồ Chí Minh. Đã có biết bao nhiêu sách báo nói đến con đường lịch sử này rồi nhưng với mỗi thời gian khác nhau, với cách tìm hiểu và lấy tài liệu khác nhau, người ta lại hình dung con đường lịch sử ấy một cách khác nhau.

Những người khai sinh “Đoàn 559” tròn 50 năm trước, đứng đầu là tướng Võ Bẩm, trong tâm tưởng hẳn là luôn nghĩ về “con đường mòn” theo đúng nghĩa đen của từ này - một lối đi nhỏ len lỏi giữa lau lách và rừng rậm Trường Sơn mà miền Bắc dùng để chi viện cho cuộc chiến đấu ở miền Nam, với cột số “0” ở Bến Tắt, thượng nguồn sông Hiền Lương.

Những ai là lính của Binh đoàn 559 về sau, hoặc từng đi qua Trường Sơn trong chống Mỹ thì lại nghĩ đó là cả một hệ thống đường chiến lược ngang dọc trên dãy Trường Sơn, một mạng lưới đường mỗi ngày một phát triển và biến hóa, với cột Km số “0” ở Tân Kỳ, Nghệ An…

Nơi bắt đầu con đường lịch sử ảnh 2

Từng đoàn xe vượt ngầm trên đường Trường Sơn vào tiền tuyến.

Với riêng tôi, đã nhiều năm cứ thầm nghĩ là mình có may mắn được ở nơi bắt đầu con đường lịch sử ấy. Đó là đoạn đường qua Ca Tang, Khe Ve lên đèo Mụ Dạ. Năm 1953, trong kháng chiến chống Pháp, đây là con đường quân ta tiến lên mở mặt trận Trung Lào phối hợp với chiến dịch Điện Biên.

Trong những năm tháng bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, hầu như ngày nào không lực Mỹ cũng ném bom vào đoạn đầu mối “đường mòn Hồ Chí Minh” này.

Ngày ấy, những tuyến đường ngang vượt Trường Sơn như đường 20 bên phà Xuân Sơn (còn gọi là đường “Quyết Thắng”), đường 10 bên phà Long Đại, đường 16 qua Dốc Khỉ mới chỉ có dấu chân của những người khảo sát, còn những đoàn xe, pháo vượt Trường Sơn tiến vào mặt trận chỉ bằng một con đường duy nhất: đường 12A qua đèo Mụ Dạ. Vì thế, đoạn đường hiểm yếu ấy cũng là nơi hội tụ các anh hùng: Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Kim Huế, Tiểu đoàn 2 công binh, Đại đội TNXP 759…

Những năm sau này, có dịp đi trên đoạn đường mới rải nhựa rộng thênh thang dọc theo triền phía Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, nhìn hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu nổi bật trên vách đá nâu đầu cầu Đak-rông: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, lòng tôi náo nức nghĩ đến ngày đại lộ Hồ Chí Minh lớn thêm trên triền phía Tây Tổ quốc và thông suốt từ Bắc chí Nam...

Đến hôm nay thì dự án nối dài đường Hồ Chí Minh lên tận Cao Bằng đang được triển khai và một ngày không xa nữa, cột Km số “0” - nơi bắt đầu con đường lịch sử - hẳn sẽ được đặt trước cửa hang Pắc-bó, địa chỉ đỏ ghi những bước chân đầu tiên của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào đêm trước Mùa Thu Cách mạng…

Đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: THÀNH TÂM

Đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: THÀNH TÂM

 

Thực ra, cuộc “tranh cãi” về nơi bắt đầu, nơi khởi phát “Đường Hồ Chí Minh” trên mặt đất không quan trọng, vì mỗi nơi đều có giá trị lịch sử của nó. Điều có ý nghĩa hơn là tìm về cội nguồn sức mạnh tinh thần - nơi bắt đầu thực sự của những con đường đã làm nên kỳ tích trong lịch sử dân tộc ta.

Nơi bắt đầu ấy chính là tinh thần yêu nước, là ý chí quật cường, “quyết không chịu làm nô lệ cho người mãi thế”, như lời Nguyễn Ái Quốc đã viết trong “Thư gửi đồng bào” năm 1941 tại Pắc-bó, sau Hội nghị Trung ương 8 quyết định đường lối giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh.

50 năm, 90 năm, 220 năm… và xa hơn nữa, trong trường tồn lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân Việt đã xây đắp nên CON ĐƯỜNG VIỆT NAM không hề khuất phục trước cường quyền sẽ mãi được xưng tụng. Hôm qua đã như thế, hôm nay và ngày mai, cho dù “toàn cầu hóa” và thế giới đảo lộn, những con dân nước Việt vẫn nhất quyết đi trọn con đường mà tiền nhân đã đặt những bước khởi đầu vẻ vang.

Nguyễn Khắc Phê

Sau chiến tranh, đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được lãnh đạo đất nước quyết định đầu tư nâng cấp thành tuyến giao thông huyết mạch quốc gia thứ 2 (sau Quốc lộ 1A) kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau với tổng chiều dài 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km).

Con đường mòn nay trở thành đại lộ mang tên Hồ Chí Minh này chạy dài qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trong cả nước và được phân ra thành nhiều đoạn để thi công. Giai đoạn 1, hơn 2000km từ Hòa Lạc (Hà Tây – Hà Nội) đến Bình Phước ở miền Đông Nam bộ đã hoàn thành và thông xe vào giữa năm 2008. Giai đoạn 2 của dự án, đoạn từ Hòa Lạc đến Pác Bó (Cao Bằng) và từ Bình Phước đến Đất Mũi (Cà Mau), hiện đang được thực hiện.

H.T.

Tin cùng chuyên mục