Lịch sử chiến khu Đ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ

Nằm án ngữ trên hành lang cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, nối thông lên vùng rừng núi cao nguyên Trung bộ, Chiến khu Đ giữ một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của tỉnh Biên Hòa, tỉnh Thủ Dầu Một, của Quân khu 7 và toàn Nam bộ.

Ai đã từng ở miền Đông Nam bộ thời kháng Pháp, hẳn không thể không lưu giữ một kỷ niệm nào đó về Chiến khu Đ. Và nói đến Chiến khu Đ, hẳn không ai có thể quên một cái tên: Huỳnh Văn Nghệ. Tên tuổi của ông đi vào tâm thức mọi người như một cán bộ quân sự tài năng, một ngọn cờ của các đơn vị vũ trang nhỏ lẻ thời đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, người gắn bó ruột rà với quá trình gầy dựng và phát triển Chiến khu Đ; và cả điều này nữa, một nhà thơ - nhà thơ chiến sĩ...

Huỳnh Văn Nghệ đánh giặc bằng cả gươm và bút. Đó là trường hợp không nhiều ở một cán bộ quân sự, một vị Tư lệnh Quân khu. Hãy nghe ông tuyên ngôn: ông làm thơ cốt để phục vụ cho việc đánh giặc, ngợi ca, cổ súy những người ra trận. Nội dung các bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ vì thế ngổn ngang hiện thực cuộc chiến đấu sôi bỏng ở chiến khu. Một chiều tiêu thổ, một trận công đồn, một trận bão lụt, một chiến sĩ hy sinh... tất cả ùa vào thơ ông, mang nguyên những bụi bặm chiến trường, nhiều khi như một phóng sự, ghi chép sự kiện.

Công tác nghiên cứu lịch sử kháng chiến ở Nam bộ lâu nay vẫn gặp một khó khăn lớn về nguồn tư liệu thành văn. Đa số các tài liệu văn bản gốc hoặc không có, hoặc có mà bị thất thoát vì chiến tranh bom đạn, vì sự mai một của thời gian. Nguồn sử liệu dựa một phần chủ yếu vào trí nhớ của người trong cuộc.

Trong khi đi sưu tầm tư liệu cho việc nghiên cứu biên soạn cuốn “Lịch sử Chiến khu Đ”, chúng tôi gặp một điều lý thú: tất cả những người được hỏi ý kiến đều kể về Huỳnh Văn Nghệ và thơ của ông. Nhớ về một sự kiện lịch sử nào đó, người ta đọc thơ ông ra để minh chứng, để cam kết sự có thực của nó. Và chúng tôi còn nhận ra một điều này nữa: thơ Huỳnh Văn Nghệ dường như chỉ nói về Chiến khu Đ. Nếu đem sắp các bài sưu tầm được theo trật tự biên niên, ta sẽ có gần đủ một cuốn lịch sử Chiến khu Đ bằng... thơ.

Về sự ra đời của Chiến khu Đ, nhiều ý kiến không thống nhất nhau về mốc thời gian, chung quy có hai loại: trước hoặc sau ngày Nam bộ kháng chiến. Thì đây, thơ Huỳnh Văn Nghệ:

Chiến khu Đ có từ thủa ấy

Có một anh đồng chí 

Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm bốn mươi

Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai

Lập chiến khu nuôi chí lớn

                         (Du kích Đồng Nai).

Bài thơ Huỳnh Văn Nghệ nói về sự kiện người đảng viên Trần Văn Quì sau biến cố ngày 23-11-1940 đã chỉ huy một đơn vị vũ trang về Tân Uyên bảo tồn lực lượng, xây dựng căn cứ, nuôi kế đánh giặc lâu dài. Vậy là nơi đây đã là căn cứ địa cách mạng từ nhiều năm trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Trong trí nhớ của Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Nghệ còn có một bài thơ khác (không thấy được sưu đăng trong cuốn “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ”, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1998, cả cuốn “Bên bờ sông xanh”, Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé 1988), có đoạn:

Sau Nam Kỳ khởi nghĩa

Trước cách mạng mùa thu 

Có một nhóm đồng chí

Ra thành lập chiến khu

Ngồi quanh một ấm chè 

Thảo luận suốt trưa hè 

Tên chiến khu bất khuất

Đồng Nai hay Đất Cuốc

Rốt cuộc Chiến khu Đ

Đã bao mùa lá vàng rơi từ ấy 

Chiến khu Đ vẫn đỏ máu quân thù.

Đoạn thơ trên thêm một lần nữa khẳng định thời điểm ra đời của Chiến khu Đ; đồng thời cắt nghĩa xuất xứ tên gọi “Đ” của chiến khu, điều mà cho đến nay những người làm sử còn lúng túng trước nhiều giả thiết: “Đ” là chữ cái đầu biểu thị tính chất của căn cứ địa (Đỏ), chỉ vùng, địa phương (Đất Cuốc, Đồng Nai, miền Đông...); hay đánh dấu thứ tự các căn cứ tại vùng rừng núi Bắc Biên Hòa, Thủ Dầu Một (A, B, C, Đ,...).

Như thế, trên nền móng một chiến khu được xây dựng từ trước, phái viên quân sự Nguyễn Bình (sau đó là Tư lệnh Khu 7, Tư lệnh Nam bộ, được phong quân hàm Trung tướng tháng 1 năm 1948) đã chọn nơi đây làm căn cứ địa của Khu 7 và toàn Nam bộ.

Vào hạ tuần tháng 10-1945, sau một tháng gây hấn và chờ viện binh ở Sài Gòn, thực dân Pháp bắt đầu phá vòng vây, đánh nống ra các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trước sức tấn công ồ ạt của địch, trong điều kiện tương quan lực lượng quá chênh lệch, các lực lượng kháng chiến để lại một bộ phận nhỏ hoạt động ở vùng ngoại ô, còn lại rút ra vùng ngoài củng cố xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Hàng ngàn công nhân, trí thức, học sinh rời thành đi kháng chiến. Chiến khu Đ trở thành nơi tập hợp lực lượng trong vùng.

Sự kiện lịch sử này được khẳng định trong bài thơ “Ngày hội” của Huỳnh Văn Nghệ:

Biên Hòa đã mất

Chiến khu Đ cờ vẫn đỏ ngọn cao

Du kích Tân Uyên ngày đào đắp chiến hào

Đêm tập một hai vang trường Đất Cuốc...

Anh Nguyễn Bình cũng đã về đây

Xem địa thế sông dài rừng thẳm 

Tình quân dân đầm ấm

Anh xuống ngựa buộc cương...

Lạc An bỗng tưng bừng ngày hội

Kéo về đây đến bốn, năm chi đội 

Kim Trương, Tô Ký , Vũ Đức , Tấn Chùa 

Chiến khu Đ của tiểu đội ngày xưa

Bỗng lớn lên như Phù Đổng.

Với ưu thế về binh hỏa lực, thực dân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân với quy mô lớn nhằm triệt hạ bằng được căn cứ đầu não kháng chiến. Tân Uyên và nhiều vùng lân cận rơi vào tay địch:

Rồi từ đó Tân Uyên thành chiến địa

Máu quân thù tiếp tục chảy không thôi

Dòng sông xanh đã nhuộm màu máu tía 

Thuyền bến xưa phiêu bạt bốn phương trời

(bài Mất Tân Uyên).

Để bảo đảm chỉ đạo cuộc kháng chiến, Bộ Tư lệnh Khu 7 rút về Quân khu Đông Thành. Huỳnh Văn Nghệ dẫn chứng cuộc “Tây chinh” này bằng bài thơ “Rừng nhớ người đi” tiễn Khu bộ trưởng Nguyễn Bình và những chiến sĩ Lạc An rời Chiến khu Đ về Đồng Tháp năm 1946:

Từ độ chàng đi vung kiếm thép

Mịt mù khói lửa khuất binh nhung

Rừng xanh thương nhớ như chinh phụ

Hồi hộp nghe từng tin chiến công...

Ngày đi có bướm chim đưa tiễn

Cành xanh bận rộn vuốt yên cương 

Từ biệt Lạc An về Đồng Tháp 

Đâu biết rừng xanh cũng đoạn trường.

Thơ Huỳnh Văn Nghệ nói nhiều đến tình cảm giữa chiến khu với đồng bào nơi bị chiếm; đến các trận đánh Trảng Bom, Bưng Còng, Bảo Chánh, La Ngà; đến tinh thần chiến đấu hy sinh của bộ đội, dân quân du kích, của em bé liên lạc xóm Cây Dâu, đến cái chết của đại biểu Quốc hội khóa I Nguyễn Văn Xiểng... Nhưng có lẽ các nhân chứng lịch sử nhớ nhiều nhất bài thơ của ông nói về trận bão lụt lịch sử năm Nhâm Thìn 1952 và trận thắng lớn của Tiểu đoàn 303 Thủ Biên ngay trong những ngày “Trút cả hũ không còn đầy nắm muối”.

Chính Thượng tướng Trần Văn Trà, vị Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đã nhớ, chép lại và cho công bố bài thơ “Chiến khu Đ chống bão” trước cả khi Ty Văn hóa Thông tin Sông Bé ấn hành tập “Bên dòng sông xanh” năm 1982:

Những nóc nhà trôi

Những thân cây đổ

Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển 

Mênh mông sóng vỗ chân trời 

Thôi hết rồi hết lúa hết khoai 

Chiến khu Đồng Nai lại đói 

Con ngậm củ mài cha nhơi củ chuối 

Ướt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai

Đứt ruột mẹ tiếng con thơ đòi bú 

Voi cũng trôi tận Cù Lao Phố

Mấy con trâu vướng trụ cầu Gành...

Cả chiến khu đêm nay không ngủ 

Tụ năm tụ ba 

Bàn tán về Tiểu đoàn ba trăm lẻ ba...

Bỗng được tin loa 

Ta tiêu diệt hoàn toàn đồn Bến Sắn.

Sau Hiệp định Genève, Huỳnh Văn Nghệ tập kết ra Bắc. Cả khi ở Hà Nội và sau này, lúc đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Huỳnh Văn Nghệ ít làm thơ; và thơ ông nếu có lại chỉ quay về... Chiến khu Đ. Đó là những vần thơ da diết nhớ một thời kháng chiến bất khuất, hoặc xót xa với cảnh rừng bị địch tàn phá đến hoang trụi.

Đất rừng còn nhức nhối 

Hố bom khoét thân mình

Cây dầu còn rỉ máu

Vết đạn vẫn chưa lành...

Dân mình còn gian khổ

Hòa bình chưa ăn mừng

Lo thiếu gạo thiếu gỗ

Nhưng phải bảo vệ rừng

Ngày mai rừng tươi lại

Cho người đỡ nắng mưa

Thêm lúa thơm gỗ quý 

Suối trong veo bốn mùa

(Cây thông già và anh thợ rừng). 

Những câu trích ở trên chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều bài thơ được lưu giữ trong ký ức của các nhân chứng lịch sử thời kháng chiến ở miền Đông Nam bộ, những bài thơ mà tôi tin rằng tập “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ” do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1998 chưa sưu tập đầy đủ.

Tôi không dám nói đến cái hay, cái chưa hay của thơ ông – với tôi đó là chốn thâm nghiêm. Công việc ấy rồi đây, nhất định phải nằm trong danh mục kế hoạch nghiên cứu của các nhà phê bình lý luận thơ nhằm dựng định lại một vườn thơ kháng chiến ở Nam bộ mà chắc chắn thơ Huỳnh Văn Nghệ là một đóng góp. Và trong cuốn “Lịch sử Chiến khu Đ” do tôi làm chủ biên (được xuất bản và tái bản từ nhiều năm trước), có một nguồn sử liệu từ thơ của ông - chiến sĩ nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ.

HỒ SƠN ĐÀI

Tin cùng chuyên mục