Kiểm kê di sản ca trù: Nỗi lo mai một

Nguy cơ tổn thất
Kiểm kê di sản ca trù: Nỗi lo mai một

Hội nghị kiểm kê di sản văn hóa ca trù do Viện Âm nhạc tổ chức ngày 4-6 tiếp tục xới lên những yêu cầu đòi hỏi giải quyết “ngay và nhanh” như lâu nay giới khoa học, báo chí, dư luận vẫn kiến nghị, cảnh báo.

Nguy cơ tổn thất

NSƯT Phó Thị Kim Đức dạy học trò múa Bài bông.

NSƯT Phó Thị Kim Đức dạy học trò múa Bài bông.

Kết quả kiểm kê di sản văn hóa ca trù của Viện Âm nhạc năm 2008 cho thấy, ca trù từng tồn tại ở 14 tỉnh thành từ Bắc vào Nam, tổng số người biết đàn, hát, múa là 769 người. Tuy nhiên số người có thể hát 10 làn điệu trở lên không nhiều, mà hầu hết chỉ từ 1 đến 5 làn điệu.

Cả nước có 63 CLB ca trù hoạt động thường xuyên, nhưng số nghệ nhân có thể trình diễn thành thục các kỹ thuật của ca trù chỉ còn 12 cụ.

Song hầu hết các cụ đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức yếu, trí nhớ cũng suy giảm nhiều trong khi thế hệ kế tiếp vẫn chưa có điều kiện để được tiếp thu, truyền dạy vốn liếng ca trù. Về  vấn đề nghệ thuật, còn nan giải hơn khi tới tận thời điểm này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ các làn điệu múa dùng trong ca trù.

Được biết, Viện Âm nhạc cũng từng phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức hội thảo múa trong ca trù nhưng vẫn chưa có được hiệu quả. Hiện tại, chỉ  có Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có kê khai về múa trong ca trù. Và cho tới thời điểm này, mới chỉ có duy nhất điệu múa Bài bông được NSƯT Phó Thị Kim Đức và nhóm ca trù Tràng An phục dựng theo phương pháp truyền nghề trực tiếp, là được dư luận ghi nhận.

Giải pháp tồn tại lâu dài

Được coi là một trong những mảnh đất thuận lợi để nghệ thuật bắt rễ và phát triển, Hà Nội sau khi nhập thêm Hà Tây, trở thành địa phương có số lượng người biết đàn, hát ca trù và tổ chức sinh hoạt ca trù nhiều nhất, thường xuyên nhất.

Tổng số người biết đàn, hát, múa lên tới 188 người; có tới 13 CLB ca trù đang hoạt động, số lượng di tích liên quan tới ca trù là 49. Tuy nhiên, hoạt động của các CLB ca trù, một mô hình bảo tồn và truyền dạy ca trù được coi là có hiệu quả vẫn chỉ hoạt động cầm chừng. Một trong những nguyên nhân là việc đãi ngộ các nghệ nhân bằng vật chất, bằng danh hiệu chưa rõ ràng và cụ thể.

Chị Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn, xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội, cho biết: Việc học tập của CLB nhiều khó khăn vì các nghệ nhân tuổi cao sức yếu, nhiều học viên là xã viên và thợ mộc, làm lụng vất vả hoặc là học sinh, ngoài giờ học còn bận việc đồng áng, kinh phí CLB cũng hạn hẹp…

Theo phản ánh của Trung tâm Văn hóa TP Hải Phòng, trong quá trình kiểm kê, hầu như không có kinh phí cho cán bộ sưu tầm, thiết bị cũng không có nên không thực hiện được việc lưu giữ. Cùng băn khoăn này, bà Phan Thư Hiền, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh, kể: Đi điền dã, sưu tầm, ghi âm nghệ nhân cũng rất ái ngại, hàng xóm tưởng nghệ nhân được cả triệu đồng, hóa ra giở phong bì chỉ có 50.000 đồng. Bản thân chúng tôi cũng không có gì, nhiều khi tự lấy tiền của mình ra bồi dưỡng các cụ…

Bên cạnh đó, nguy cơ “tam sao thất bản” vốn cổ từ chính những CLB ca trù cũng đáng báo động. Có ý kiến đề xuất việc lập Hiệp hội ca trù với hội đồng nghệ thuật có trình độ thẩm định, đưa ra các chuẩn kiến thức, các tiêu chí để đào tạo ca nương, người đánh trống chầu… nhằm gìn giữ các làn điệu ca trù cổ…

Hồ sơ “Ca trù – di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, đã trình UNESCO và đang được thẩm định, chờ phán quyết vào cuối năm 2009.

Hy vọng rằng với điểm nhấn này việc bảo tồn và truyền dạy ca trù sẽ trở nên bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Song, việc cần ngay lúc này là đưa ra các chính sách hỗ trợ cho những người đang trực tiếp duy trì sự tồn tại của nghệ thuật dân tộc độc đáo này.

Mai An

Tin cùng chuyên mục