NSND Phùng Há – ''Cây đại thụ'' của sân khấu cải lương đã ra đi

NSND Phùng Há – ''Cây đại thụ'' của sân khấu cải lương đã ra đi

Sau một tuần vào Bệnh Viện Nguyễn Trãi, TPHCM, để bác sĩ theo dõi, điều trị vì thiếu máu, nhưng do tuổi cao, sức yếu, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phùng Há - người chị cả, "cây đại thụ" của sân khấu cải lương - đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 0 giờ 30 ngày 5 – 7 – 2009, thọ 99 tuổi. 

NSND Phùng Há cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà trong ngày mừng thọ 99 tuổi (30-4-2009)

NSND Phùng Há cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà trong ngày mừng thọ 99 tuổi (30-4-2009)

Ông Nguyễn Thành Rum, GĐ Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết: Lễ tang NSND Phùng Há sẽ được UBND TPHCM, Sở VH-TT-DL, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức trang trọng.

14 giờ hôm nay, 5-7, lễ tẩn liệm NSND Phùng Há được tổ chức tại chùa Nghệ sĩ (Gò Vấp).

18 giờ cùng ngày sẽ được di quan đến nhà tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, Q3, TP.HCM).

Đến 10 giờ ngày 8-7 sẽ di quan về chùa Nghệ sĩ (Gò Vấp).

Lễ truy điệu sẽ diễn ra lúc 7 giờ ngày 10-7, sau đó thi hài được an táng tại nghĩa trang Nghệ sĩ (Gò Vấp).

Ban tổ chức lễ tang sẽ do đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng ban.

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

NSND Phùng Há có tuổi thơ khá cơ cực. Năm 12 tuổi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà phải vào lò gạch làm mướn. Nhưng nhờ có giọng ca hay, chất giọng tốt nên bà được nhiều người thương yêu, choàng gánh công việc. Dần dần giọng ca của bà được ông bầu của gánh Tái Đồng Ban phát hiện mời về “đầu quân”.

Vai diễn đầu tiên mà Nghệ sĩ Phùng Há thể hiện khi mới 13 tuổi qua vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ Qui Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh.

Đến năm 14 tuổi, NS Phùng Há bắt đầu hát vai chính với nhiều dạng vai khác nhau: từ bi đến hài và cả những vai kép võ.

Vai đào chính đầu tiên mà NS Phùng Há thể hiện là vai Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản.

Sau đó, NS Phùng Há lần lượt đóng vai chính qua nhiều vở tuồng: Tái Sanh Duyên, Mổ tim Tỷ Cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân,...

NSND Phùng Há vai An Lộc Sơn trong vở "Tình sử Dương Quý Phi"

NSND Phùng Há vai An Lộc Sơn trong vở "Tình sử Dương Quý Phi"

Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há từng chia sẻ: “Vai diễn nào tôi cũng thích dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ. Là diễn viên phải diễn tròn vai và hết khả năng, nhiệt tình để gởi đến khán giả”.

Những bạn diễn ăn ý với NSND Phùng Há lúc bấy giờ là: NSND Nguyễn Thành Châu, Tư Út, Tư Thạch, Từ Anh, Ba Du, Duy Lân, Năm Phỉ... 

NSND Phùng Há vai Lữ Bố trong vở "Phụng Nghi Đình"

NSND Phùng Há vai Lữ Bố trong vở "Phụng Nghi Đình"

Đến năm 18 tuổi, NS Phùng Há lập gánh Huỳnh Kỳ, nhưng không bao lâu rã gánh, NS Phùng Há tiếp tục đầu quân cho các gánh hát: Năm Tú, Trần Đắc, Phước Cương, Phi Phụng.

Sau đó, NS Phùng Há liên tục lập các gánh hát: Phụng Hảo (1946), Tam Phụng Hảo (1948), Việt kịch - Năm Châu (1949), Phụng Hảo 5 (1950)... lưu diễn khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, thậm chí còn sang Hồng Kông (Trung Quốc), Pháp biểu diễn.

Năm 1948 - 1949, NS Phùng Há cùng soạn giả Trần Hữu Trang, NSND Nguyễn Thành Châu lập Hội Ái hữu nghệ sĩ tương tế (nay là Ban Ái hữu nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TPHCM. Năm 1963, sau lần đi Pháp về, NS Phùng Há tham gia giảng dạy tại khoa diễn viên cải lương,  Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, góp phần đào tạo nên những nghệ sĩ tài danh: NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thanh Thanh Hoa, NSƯT Nam Hùng...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, NSND Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo nên các nghệ sĩ ưu tú: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao; nghệ sĩ Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng...

Ngoài những đóng góp nhiều vai diễn hay, đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ ca hay, diễn giỏi, NSND Phùng Há còn là người sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TPHCM, chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, không nơi nương tựa. Đồng thời, NSND Phùng Há còn đóng góp, sáng lập nên Chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ tại Gò Vấp, TPHCM.

Trong quá hình cống hiến cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam, NSND Phùng Há còn được nhiều bà con yêu thương, quý mến bởi tấm lòng “tương thân, tương ái”. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi khi Chùa Nghệ sĩ tổ chức các chuyến đi hoạt động từ thiện, tặng quà cho bà con nghèo, NSND Phùng Há luôn hồ hởi tham gia.

NSND Phùng Há từng tâm sự: “Ở các vùng quê, còn lắm bà con khó khăn, rất cần được chia sẽ, hỗ trợ. Tôi còn sống ngày nào, cố gắng đi làm từ thiện ngày đó”.

Trước hình ảnh của một “cây đại thụ” của cải lương Nam bộ, làm việc không biết mệt mỏi, “ông vua vọng cổ” NSƯT Viễn Châu đã tặng NSND Phùng Há những vần thơ:

Tuổi già lụm cụm thấy mà thương
Đâu quản gần xa mấy chặng đường
Quà tặng trao tay người khốn khổ
Đẹp đời nghệ sĩ, đẹp quê hương

Và quả tình như thế, tháng 4 – 2009 vừa qua, Chùa Nghệ sĩ tổ chức chuyến đi làm từ thiện thứ 21 ở Bù Đăng, Bình Phước, NSND Phùng Há đã thức dậy từ 5 giờ sáng để cùng các mạnh thường quân, nghệ sĩ mang những phần quà ý nghĩa đến trao tận tay bà con nghèo.

Những gì mà NSND Phùng Há đã cống hiến, đã làm sẽ là một tấm gương cao đẹp cho nhiều thế hệ trẻ, đặc biệt là giới nghệ sĩ học tập, noi theo.

Sự ra đi vĩnh viễn của nữ NSND Phùng Há tài hoa, giàu lòng nhân ái là một tổn thất lớn đối với sân khấu Việt Nam nói chung và cải lương Nam bộ nói riêng.

Nghệ sĩ nhân dân PHÙNG HÁ, tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911, quê quán làng Điều Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn học – nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam.
 
 Bà đã từ trần vào lúc 0 giờ 30 ngày 5-7-2009 (nhằm ngày 13-5 Kỷ Sửu), tại chùa Nhựt Quang (đường Thống Nhất, P11, quận Gò Vấp). Lễ tẩm liệm vào lúc 14 giờ ngày 5-7-2009. Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 6-7-2009 tại Nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, Q3; từ 14 giờ ngày 8-7-2009 tại chùa Nghệ sĩ, đường Thống Nhất, P11, quận Gò Vấp.

Lễ truy điệu và an táng vào lúc 7 giờ ngày 10-7-2009 tại Nghĩa trang Nghệ sĩ, đường Thống Nhất, P11, Q.Gò Vấp. Ban tổ chức lễ tang có chuẩn bị các vòng hoa luân lưu cho các đơn vị, cá nhân. Theo ý nguyện của NSND Phùng Há, kính đề nghị các đơn vị, cá nhân chuyển các tràng hoa phúng viếng thành tiền để gây quỹ từ thiện.
 
Theo ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, với những đóng góp của NSND Phùng Há cho nền nghệ thuật nước nhà, nhất là việc góp phần khai sáng, phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương suốt mấy mươi năm qua nên lễ tang của NSND Phùng Há được UBND TPHCM, Sở VH-TT-DL, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức trang trọng. 
 
Ban Tổ chức lễ tang của NSND Phùng Há do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân làm trưởng ban. 

Đỗ Hạnh



 Giữ Đạo làm nghề, làm người

Đôi ba lần gặp khán giả, bà con nói: “Thấy cô Bảy Phùng Há cứ lặn lội đi làm từ thiện, tụi tui lo cho sức khỏe của cô quá…”. Tôi thay má Bảy trả lời: “Nhưng không có má đi cùng thì người cho lẫn người nhận đều không vui”. Má bảo: “Mình đi chuyến này để có tiếp chuyến sau, giúp được bà con mình nhiêu má cũng vui hết trơn…”.

Tôi nhớ có chuyến về Hồng Ngự, Đồng Tháp giúp bà con nghèo mùa nước nổi. Má không bước xuống thuyền được, một vị tăng ni trẻ, tự nhận làm… cháu ngoại của má, bước tới ẵm bà, sải bước qua vũng nước. Má lúng túng, áy náy. Vị tăng ni trẻ cười, có sao đâu ngoại, ngoại khỏe cái thân thì mới toại ý làm việc thiện chứ…

Người nghệ sĩ trên đỉnh chót của vinh quang, ấy thế mà mọi lần xuất hiện trước công chúng, bao giờ bà cũng xin được chắp tay cám ơn những khán giả ân nhân. Tôi học ở bà nghĩa cử ấy, bởi sống trong đời, thành danh trong nghề, được công chúng yêu thương, quý trọng nếu không biết nói hai chữ cám ơn một cách chân thành thì sẽ vô tình làm những điều vô ơn ở đâu đó.

Nếu NSND Nguyễn Thành Châu đau đáu cả đời với khát vọng “Việt kịch” và ông đã hoàn tất nó một phần; thì NSND Phùng Há lại ý thức đến tột cùng một nghệ thuật biểu diễn với đặc thù “cải lương Việt Nam”. Ở tuổi 99, khi thị phạm cùng tôi vai kép Võ Đông Sơ, Lữ Bố, bà đều bảo: Trình thức (vũ đạo, điệu bộ - tác giả) của ta rất mở, rất thoáng.

Bà đầy “tâm trạng” khi xem một số diễn viên trẻ cứ ra vào sàn diễn bất kể không gian, tình huống, hoàn cảnh, địa vị hay nghe các bạn “nói nhiều hơn ca vì do không giữ được nhịp”. Tôi hoàn toàn đồng ý với bà, là nghệ sĩ ca kịch mà coi thường nhịp, ba lơn trình thức thì chẳng qua chỉ là một sự “gá danh” phù phiếm mà thôi!

Như một phẩm chất của loại hình nghệ thuật dân tộc, khi nào nước có biến, dân gặp khó, cải lương lại đồng hành. Những năm tháng trước 1975, vừa truyền nghề, bà vừa cùng các NSND Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang… không ít lần “xuống đường”, đòi quyền được đối xử công bằng cho giới nghệ sĩ. Thử hỏi, khi nước đang mất thì liệu còn có sự công bằng nào cho người dân lương thiện? Đến thời bình, một lần nữa, hễ dân nghèo bị nạn thiên tai, bà lại cùng anh em nghệ sĩ gom góp lời ca tiếng hát, quyên từng trăm ngàn, từng thùng dầu ăn, mì gói… trao tận tay bà con.

NSND Phùng Há – một hiện thân của nghệ sĩ cải lương, luôn quay quắt, sôi nổi trên hành trình yêu nước một cách tự nguyện và… tự phát.

Tôi được nghe kể, những ngày đầu sau giải phóng, khi định kiến giai cấp, xã hội còn ít nhiều nặng nề, giữa những cuộc họp chính thức lẫn… bán chính thức để phê bình, kiểm điểm một số nghệ sĩ “dao động lập trường”, bà – với cái phong thái điềm tĩnh, nhẹ nhàng - đã nói về những cái khó nhất định trong những hoàn cảnh làm nghề và tồn tại được với nghề vào những năm Sài Gòn loạn lạc. Lời lẽ chí tình ấy đã góp phần tạo nên những xử lý đầy nhân văn, mặc dù chính bà đã không ít lần bật khóc cùng những đồng nghiệp tri âm trước những bẽ bàng của thế sự.

Nhớ chuyện một số nghệ sĩ “lỡ” xuất hiện trong một số chương trình, băng đĩa “nhạy cảm”, bà chắc lưỡi qua điện thoại với tôi: “Sao tụi nhỏ dại quá chừng… Ham hát mà sẩy chân chứ nào có biết chính trị chính em gì đâu, con hả?”. Bởi cả đời ca hát của bà, duy nhất chỉ có một chính trị của lòng yêu nước, biết ơn dân: “Khán giả cho tui nhiều quá, hát hết cả đời này cũng không trả hết…”.

Khi đã thành danh, tôi mới được làm học trò của NSND Phùng Há. Và chính những bài học về làm nghề, làm người là những bài tập nhỏ trong bài học lớn mà bà đã truyền dạy cho tôi cũng như bao thế hệ nghệ sĩ cải lương: yêu nghề, yêu người chính là giữ Đạo làm nghề, làm người.

TS - NSƯT Bạch Tuyết 

Tin cùng chuyên mục