Nghị định về quản lý nghệ thuật biểu diễn: Chặt chẽ nhưng...

Ngày 27-11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ pháp chế, Bộ VH-TT-DL phối hợp tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 79/2012-NĐ/CP của Chính phủ và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định quy định về biểu diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Ngày 27-11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ pháp chế, Bộ VH-TT-DL phối hợp tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 79/2012-NĐ/CP của Chính phủ và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định quy định về biểu diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Bớt phiền hà...

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, đây là lần đầu tiên chúng ta có một nghị định tập trung tất cả các quy chế, thông tư về nhiều lĩnh vực. Thứ hai là giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà, thứ ba là quy định tổ chức chặt chẽ hơn, trước kia mỗi quy chế có những điều cấm riêng, giờ làm chung một quy định và áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực.

Một trong những điểm mới được đặc biệt quan tâm đó là đối tượng bị điều chỉnh bởi luật này đã được mở rộng. Từ trước đến nay, các đài phát thanh, truyền hình cho rằng họ chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí thì nay, nghị định đã xác định, các chương trình văn hóa nghệ thuật trên sóng vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 79.

Do đó, bên cạnh việc không còn lãnh địa riêng cho việc đàn nhép, hát nhép, các chương trình nghệ thuật, các cuộc thi người đẹp, người mẫu… do các đơn vị này tổ chức cũng đều phải xin cấp giấy phép. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và ngay cả trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức hoạt động này cũng lần đầu tiên được điều chỉnh trong nghị định. Theo đó, chủ địa điểm tổ chức bên cạnh việc đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo âm thanh, ánh sáng… còn phải tuân thủ việc không được bán vé quá số ghế hoặc quá sức chứa nơi tổ chức biểu diễn…

Đặc biệt, theo Nghị định 79/2012-NĐ/CP, giấy phép biểu diễn của các chương trình dù là sở VH-TT-DL hay cục NTBD cấp đều có giá trị trên toàn quốc. Vì thế, một khi chương trình đã có được giấy phép sẽ được quyền biểu diễn ở các tỉnh thành mà không cần phải xin giấy tiếp nhận biểu diễn như trước. Tuy nhiên, các chương trình đã được cấp phép buộc phải thông báo cho sở VH-TT-DL nơi chương trình sẽ tổ chức kèm theo giấy phép biểu diễn về nội dung, thời gian, địa điểm của chương trình 5 ngày trước buổi diễn.

Nhưng khó cho nhà quản lý?

Theo đại diện Sở VH-TT-DL Hà Nội, việc chỉ gửi thông báo thay vì xin giấy tiếp nhận biểu diễn của địa phương nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động văn hóa sẽ gây khó khăn nhà quản lý. Thông thường các chương trình phải xin giấy phép biểu diễn trước lúc biểu diễn cả tháng trước khi nhà tổ chức triển khai việc xin tài trợ, dàn dựng các tiết mục… Vì thế, việc yêu cầu phải biểu diễn để hội đồng duyệt trước khi cấp phép là bất khả thi. Tuy nhiên, nếu việc duyệt chương trình chỉ thực hiện trước đêm biểu diễn thì đơn vị nào đứng ra duyệt lại chưa rõ. Ông Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, cũng cho rằng ở một số địa phương, một phần không có cán bộ chuyên trách cấp phép NTBD, phần khác do đặc thù của cơ sở, nếu quy định 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ phải có quyết định trả lời thì không thể thực hiện.

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, ông Vương Duy Biên cũng nhấn mạnh, hiện việc góp ý thông tư hướng dẫn nghị định này vẫn được triển khai tích cực tới mỗi địa phương, song tinh thần chung vẫn rất quyết liệt trong công tác hậu kiểm và xử phạt. Tùy theo các vi phạm, sai phạm có thể có mức phạt tiền khác nhau, cùng với các hình thức xử lý khác. Ví dụ như cấm không cho người vi phạm xuất hiện trên sân khấu biểu diễn, không được phép đóng phim, đóng quảng cáo và tham gia các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa nước ngoài…

Tuy nhiên, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng việc răn đe, xử phạt những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của hoạt động biểu diễn nghệ thuật đến đâu cũng là không đủ nếu những đối tượng đó không có trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ. Mỗi khi sự cố xảy ra các nhà quản lý mới tiến hành xử phạt, trong khi hình ảnh xấu đó đã lan rộng tới hàng triệu người. Đây không đơn thuần là các sự cố trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bởi đó là văn hóa, tác hại của hành động văn hóa, thẩm mỹ văn hóa “xấu” gây hệ lụy lâu dài cho công chúng…

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục