Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM lần thứ 1

Tôn vinh, khuyến khích giá trị văn hóa

Giải thưởng xứng tầm TP
Tôn vinh, khuyến khích giá trị văn hóa

Sáng nay 20-12, tại Nhà hát Thành phố diễn ra lễ trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần đầu tiên. Kể từ nay, đây sẽ là giải thưởng lớn nhất của TPHCM trong lĩnh vực VHNT. Thông qua giải thưởng, các tác phẩm xuất sắc sẽ có cơ hội đến được với công chúng.

Nhân dân TPHCM đến dự lễ tại Đền tưởng niệm các vua Hùng (quận 9, TPHCM)-công trình kiến trúc đoạt giải đặc biệt.

Nhân dân TPHCM đến dự lễ tại Đền tưởng niệm các vua Hùng (quận 9, TPHCM)-công trình kiến trúc đoạt giải đặc biệt.

Giải thưởng xứng tầm TP

Những ngày đầu tháng 12-2012, khi tìm kiếm trên mạng thông tin Google về cuốn tiểu thuyết Đất thở của nhà văn Thạch Cương (giải khuyến khích), thật bất ngờ khi hầu như không có bất kỳ thông tin gì về cuốn sách này. Chỉ có vỏn vẹn một thông tin rất nhỏ cho biết tác phẩm có tham gia vào Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM lần thứ 1. Trong khi đó, tiểu thuyết Đất thở được đánh giá cao về mặt văn học, nhà phê bình Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đã cho rằng đây là một tiểu thuyết hay trong việc miêu tả đời sống, phân tích tâm lý, lấy đối thoại khắc họa tính cách nhân vật với nhịp văn chậm, kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

Văn học được xem là loại hình nghệ thuật tương đối dễ phổ biến đến bạn đọc nhưng còn để lọt tác phẩm hay như vậy thì những loại hình nghệ thuật khác đòi hỏi chi phí thực hiện lớn như sân khấu, kiến trúc, điện ảnh, mọi chuyện còn khó hơn. Xã hội hóa nghệ thuật tuy góp phần không nhỏ vào việc phổ biến tác phẩm nhưng do ảnh hưởng của yếu tố kinh tế thị trường nên thực tế giá trị đóng góp về mặt nghệ thuật không cao. Thậm chí, còn dẫn đến tình trạng nhập nhèm giữa tác phẩm ăn khách nhờ quảng bá, chiêu trò giật gân và những tác phẩm hay, có giá trị lớn.

Nhu cầu có một giải thưởng có tầm vóc lớn, một mặt là để đánh giá, tôn vinh những tác phẩm thật sự xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, mặt khác còn là sự khích lệ lớn lao đối với lao động của văn nghệ sĩ TP trong việc sáng tạo những giá trị tinh thần, đáp ứng nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu thưởng thức cái đẹp của nhân dân.

Chính trong bối cảnh đó, Giải thưởng VHNT TPHCM ra đời. Ban đầu giải dự tính tổ chức 2 năm một lần, tuy nhiên do nhiều tác phẩm cần thời gian sáng tác dài (như kiến trúc, điện ảnh, hội họa…), mặt khác cũng cần có độ lùi để đánh giá đúng giá trị tác phẩm nên giải chính thức được tổ chức 5 năm một lần. Giải đầu tiên sẽ trao cho các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn 2006-2011.

Đưa tác phẩm đến bạn đọc

GS-NS Ca Lê Thuần, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng xét giải, cho biết: “Ngoài yếu tố khích lệ người sáng tác, điều quan trọng nhất của giải thưởng này là góp phần đưa các tác phẩm VHNT có giá trị nghệ thuật cao đến với quảng đại quần chúng”.

TPHCM được xem là một trong các trung tâm văn hóa kinh tế của cả nước. Với mục tiêu nâng cao mặt bằng hưởng thụ văn hóa, lãnh đạo TP đã hết sức quan tâm đến việc đầu tư cho VHNT bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, khi có sự đầu tư của nhà nước, lại nảy sinh câu hỏi: đầu tư cho cái gì?

Trước nay, việc lựa chọn tác phẩm để đầu tư dễ tạo dư luận do quan điểm khác nhau trong đánh giá. Thậm chí, không ít lần có những tác phẩm được tài trợ nhận “tiếng ong, tiếng ve” rằng được tài trợ do quen biết, do nổi tiếng… Với Giải thưởng VHNT TPHCM, việc đầu tư để phổ biến các tác phẩm đã có một lựa chọn rõ ràng. Các tác phẩm đoạt giải đã được lựa chọn khắt khe, từ các hội chuyên ngành, tác phẩm được chuyển lên ban chung khảo với sự tham dự từ lãnh đạo TP đến các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực VHNT, đảm bảo sự đánh giá khách quan về tác phẩm.

Và trong suốt 5 năm kể từ ngày được trao giải, các tác phẩm sẽ được TP tập trung đầu tư để xuất bản, tổ chức biểu diễn, triển lãm, trình chiếu… với quy mô rộng nhằm đưa đến người dân TP những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thực sự, góp phần nâng cao thị hiếu cảm thụ VHNT của nhân dân TPHCM.

Danh sách các tác phẩm đoạt giải thưởng
Văn học nghệ thuật TPHCM lần thứ 1

  • 1 giải đặc biệt:

Công trình kiến trúc Đền tưởng niệm các Vua Hùng, tác giả Nguyễn Trường Lưu.

  • 7 giải nhất:

- Tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, tác giả Văn Lê

- Nhạc kịch Người giữ cồn, tác giả âm nhạc Ca Lê Thuần, kịch bản NSND Vũ Việt Cường.

- Cải lương Chiếc áo thiên nga, tác giả Lê Duy Hạnh, tổng đạo diễn Hoa Hạ.

- Kịch múa Chuyện tình non sông, tác giả âm nhạc Võ Đăng Tín - Trần Vương Thạch, biên đạo Nghệ sĩ nhân dân Vũ Việt Cường, Nghệ sĩ nhân dân Trần Kim Quy.

- Phim truyện Long thành cầm giả ca, tác giả biên đạo Nghệ sĩ nhân dân Đào Bá Sơn.

- Tranh Thảm kịch da cam, tác giả Nguyễn Bôm.

- Ảnh bộ Chiếc áo mới cho những dòng kênh đen thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Đinh Ngọc Trung.

  • 8 giải nhì:

- Tiểu thuyết Thế giới xô lệnh, tác giả Bích Ngân.

- Ca khúc Tổ quốc gọi tên mình, tác giả Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai.

- Kịch nói Nỏ thần, tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Đức Thịnh.

- Thơ múa Ô cửa sổ, tác giả âm nhạc La Y San - Hồ Trọng Tấn, biên đạo Nghệ sĩ nhân dân Hà Thế Dũng.

- Quy hoạch và kiến trúc công trình Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng - huyện Hóc Môn tác giả Khương Văn Mười.

- Phim tài liệu Bác Hồ trong trái tim miền Nam, tác giả đạo diễn Dương Cẩm Thúy.

- Tranh gò kim loại Ký ức về nguồn, tác giả Phan Văn Thăng.

- Ảnh đơn Vươn tầm cao mới, tác giả Ngô Thị Thu Ba.

  • 14 giải ba:

- Tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ, tác giả Trầm Hương.

- Độc tấu sáo và dàn nhạc Miền đất thiêng, tác giả Nguyễn Văn Nam.

- Ca khúc Mùa xuân DK, tác giả Thập Nhất.

- Kịch nói Điều ước thiêng liêng, tác giả Nguyên An, đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực.

- Kịch nói Người thi hành án tử, tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Trần Khánh Hoàng.

- Tổ khúc múa Tuổi trẻ thành phố mang tên Bác, tác giả âm nhạc Nguyễn Đức, biên đạo Nguyễn Xuân Hùng.

- Tổ khúc múa Mặt trời trong tim, tác giả âm nhạc Võ Đăng Tín - Trần Vương Thạch, biên đạo Nghệ sĩ nhân dân Vũ Việt Cường, Nghệ sĩ nhân dân Trần Kim Quy, nghệ sĩ Tấn Lộc.

- Quy hoạch công trình Quy hoạch mở rộng Khu Di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc tác giả Khương Văn Mười.

- Phim truyện truyền hình Ngã rẽ, tác giả đạo diễn Nguyễn Tường Phương.

- Phim tài liệu Cuộc đổi mới sinh tử, tác giả đạo diễn Văn Lê.

- Tranh khắc gỗ Xuân vùng cao, tác giả Nguyễn Thị Tố Uyên.

- Tranh sơn dầu Kênh Nhiêu Lộc, một ngày mới, tác giả Phạm Đỗ Đồng.

- Ảnh đơn Vượt lên số phận, tác giả Hà Văn Đông.

- Ảnh bộ Đêm thành phố, tác giả Võ Quốc Thanh.

  • 14 giải khuyến khích:

- Tiểu thuyết Xuân Lộc, tác giả Hoàng Đình Quang.

- Tiểu thuyết Đất thở, tác giả Thạch Cương.

- Ca khúc Gọi mùa, tác giả Võ Đăng Tín.

- Ca khúc Cảm xúc trên Bến Nhà Rồng, tác giả Tôn Thất Lập.

- Ca khúc Người soi thấy bóng mình, tác giả Trần Long Ẩn.

- Tuồng cổ Đài thiêng, tác giả Hùng Tấn, chuyển thể và đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Hữu Danh.

- Cải lương Cổ tích thời hiện đại, tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu.

- Hài kịch Người nhà quê, tác giả Lam Tuyền, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu.

- Tổ khúc múa Màu xanh bất diệt tác giả âm nhạc La Y San, biên đạo Nghệ sĩ nhân dân Hà Thế Dũng.

- Thơ múa Những mảnh ghép của giấc mơ, tác giả âm nhạc Vũ Việt Anh - Nguyễn Mạnh Duy Linh, biên đạo Nguyễn Phúc Hùng - Nguyễn Phúc Hải.

- Thơ múa Nước, tác giả âm nhạc Vũ Việt Anh - Nguyễn Mạnh Duy Linh, biên đạo Nguyễn Phúc Hải.

- Ngoại thất kiến trúc Ngoại thất kiến trúc tượng đài Thích Quảng Đức tại thành phố tác giả Nguyễn Trường Lưu.

- Phim tài liệu Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển, nhóm tác giả Ban Chuyên đề Đài Truyền hình thành phố.

- Phim tài liệu Thời trẻ trung sôi nổi, tác giả đạo diễn Đỗ Đại Tín.

- Tranh sơn dầu Sài Gòn - thợ đường dây, tác giả Ngô Đồng.

- Tượng Composit Tiếng vọng Mê Linh, tác giả Nguyễn Văn Mau.

- Ảnh đơn Lấp lánh trên sông, tác giả Nguyễn Văn Khánh.

- Ảnh đơn Tín hiệu giao thông, tác giả Lê Hữu Dũng.

- Ảnh đơn Xuân của mẹ, tác giả Kim Chi.

  • 2 giải đặc cách:

- Phim hoạt hình Thỏ và Rùa, tác giả đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn.

- Tượng Thích Quảng Đức, tác giả Nhà điêu khắc Võ Công Thắng - Võ Công Chiến.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục