Đào tạo nghệ sĩ nghệ thuật hàn lâm - Nguy cơ hụt hẫng

Chất xám chảy đi
Đào tạo nghệ sĩ nghệ thuật hàn lâm - Nguy cơ hụt hẫng

Nỗi lo thiếu hụt đội ngũ kế thừa nghệ thuật dân tộc, hàn lâm đang đè nặng lên vai những người làm quản lý tại các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên ngành. Đây cũng là nỗi lo chung của những nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và đông đảo khán giả quan tâm đến sự phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Nhiều năm qua, nghệ thuật múa dân tộc - chưa tìm thêm được những tài năng trẻ nổi bật.

Nhiều năm qua, nghệ thuật múa dân tộc - chưa tìm thêm được những tài năng trẻ nổi bật.

Chất xám chảy đi

Trong những thập niên qua, nước ta có rất nhiều học sinh - sinh viên có năng khiếu, tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, đi du học nước ngoài, đã tốt nghiệp các trường, học viện âm nhạc danh tiếng, nhưng không trở về quê hương để cống hiến.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do việc sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở nước ta còn khập khiễng. Điều này đã đặt lên bàn nghị sự nhiều cuộc hội thảo quan trọng nhưng chưa được giải quyết. Vì thế, số lượng các nghệ sĩ trẻ tài năng lĩnh vực này định cư ở nước ngoài ngày càng nhiều thêm. Họ đã và đang sống và cống hiến chất xám, năng lực, tình yêu nghệ thuật cho những trường dạy âm nhạc và ở các dàn nhạc danh tiếng trên thế giới…

Hiện tượng “chảy máu chất xám” tồn tại đã lâu, có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư đào tạo và phát triển nghệ thuật đỉnh cao trong nước.

TPHCM hiện có một dàn nhạc giao hưởng duy nhất của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch. Dàn nhạc có 44 nghệ sĩ (trong khi đó nhu cầu để phát triển cần đến 79 người). Sự thiếu hụt đội ngũ làm nghề trẻ tuổi, tài năng, trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc cổ điển còn thấy ở con số khiêm tốn của lực lượng diễn viên, nghệ sĩ trong đoàn vũ kịch, đoàn nhạc kịch.

Trong khi đó, công tác đào tạo ở các trường nghệ thuật chính quy cũng gặp không ít trở ngại. Bạn trẻ ngày nay bày tỏ rất rõ suy nghĩ không thích theo đuổi ngành học nghệ thuật hàn lâm (học miệt mài mười mấy năm), để rồi sau đó cuộc sống bấp bênh, vất vả chạy show hàng đêm kiếm sống và giữ nghề.

Nguy cơ tình trạng hụt hẫng về đội ngũ kế thừa còn thấy trong lĩnh vực nghệ thuật dân tộc. Nhìn lại, đã lâu rồi sự nghiệp đào tạo tài năng trẻ đàn, múa dân tộc không thấy xuất hiện những mầm non nào nổi bật có thể phát huy thành quả nghệ thuật của thế hệ đi trước.

Sự ngắt quãng khá dài năm của những tên tuổi nghệ sĩ nổi bật của nghệ thuật đàn, múa hát dân gian, dân tộc đã và đang là nỗi lo lắng khôn nguôi của giới nghệ sĩ lão thành. Họ lo không có thế hệ trẻ kế thừa, nghệ thuật dân tộc sẽ dần bị mai một trước sự lấn át như vũ bão của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại du nhập từ nước ngoài vào, làm tan chảy một phần tinh hoa của văn hóa Việt.

Loay hoay đào tạo

Nhạc trưởng Lê Phi Phi từng cho rằng, chỉ chừng 10 đến 20 năm nữa, lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ kế thừa. Trong khi đó, lĩnh vực này là loại hình văn hóa nghệ thuật mang tính quốc tế, thể hiện bộ mặt của sự phát triển, hòa nhập và giao lưu biểu diễn cùng các quốc gia tiến bộ, hiện đại.

Nghệ thuật âm nhạc truyền thống, múa dân tộc cũng chưa được các cấp ngành văn hóa quan tâm đúng mức. Thực tế còn thiếu các chiến lược đầu tư phát triển lâu dài để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

NSƯT Đặng Hùng chia sẻ: “Công tác đào tạo chuyên ngành dân tộc còn phải làm rất nhiều việc. Riêng nhà hát Bông Sen hiện tại đang đầu tư 6 cháu học nhạc dân tộc - đây là một con số rất khiêm tốn, nhưng thật sự có ít còn hơn không. Nhóm múa trẻ cũng được 20 cháu. Nhà hát phải chủ trương kéo thêm quân là các em sinh viên còn đang học ở Nhạc viện TPHCM để bổ sung vào đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát”.

Việc tạm xoay xở ở Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen cũng chỉ là phương pháp tạm thời. Nếu tính đường phát triển lâu dài, từng ấy con người không thể gọi là đủ.

Từ nhiều năm qua, việc thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế thừa luôn là một vấn đề rất nóng. Chưa kể, sự lép vế trong hoạt động biểu diễn, tuyên truyền, quảng bá, hiệu ứng công chúng… của hai lĩnh vực nghệ thuật trên trong guồng máy hoạt động và phát triển văn hóa nghệ thuật cả nước là hiện trạng buồn, có từ lâu. Những khó khăn khách quan lẫn chủ quan đè nặng lên đôi vai người quản lý các đơn vị nghệ thuật là có thực, nhưng cũng chưa tìm được giải pháp khắc phục căn cơ.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư hợp lý có trọng tâm trọng điểm (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động biểu diễn, đào tạo tài năng trẻ), sự ưu đãi về chế độ đãi ngộ nhân tài... là điều kiện tiên quyết để giới trẻ hăng hái tìm đến với nghệ thuật đích thực, phát huy tài năng, chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị nghệ thuật chân chính, góp phần xua tan những bóng đen của loại sản phẩm văn hóa lai căng, không lành mạnh.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục