Đưa văn hóa đọc về nông thôn

Sau một thời gian miệt mài với chương trình “Tủ sách dòng họ” và đã đạt được thành tích đáng kể là nhân rộng được ra 24 tỉnh thành, giờ đây, Nguyễn Quang Thạch, người được bạn bè yêu mến đặt cho cái biệt danh “Thạch khùng” lại bắt tay vào chương trình “Sách hóa nông thôn”, thực hiện giấc mơ đưa văn hóa đọc về với nông thôn.
Đưa văn hóa đọc về nông thôn

Sau một thời gian miệt mài với chương trình “Tủ sách dòng họ” và đã đạt được thành tích đáng kể là nhân rộng được ra 24 tỉnh thành, giờ đây, Nguyễn Quang Thạch, người được bạn bè yêu mến đặt cho cái biệt danh “Thạch khùng” lại bắt tay vào chương trình “Sách hóa nông thôn”, thực hiện giấc mơ đưa văn hóa đọc về với nông thôn.

Nguyễn Quang Thạch soạn sách tại phòng trọ.

Nguyễn Quang Thạch soạn sách tại phòng trọ.

Mưa dầm thấm lâu

Là một người sinh trưởng ở nông thôn, đã từng lăn lộn nhiều năm ở các vùng quê để xây dựng thư viện của các dòng họ, một trong những điều khiến anh Thạch trăn trở phải chăng chính việc không được tiếp cận với những kiến thức từ sách, báo đã khiến nhiều người ở nông thôn trở nên lạc hậu trong cuộc sống, nghèo nàn trong suy nghĩ. Vì thế, sau khi hoàn thành kế hoạch xây dựng tủ sách dòng họ Thạch và những người bạn cùng chí hướng đã tiếp tục triển khai nhiều mô hình thư viện nhằm cải thiện tình trạng thiếu sách ở nông thôn. Anh Thạch tâm sự: Số liệu mới được ngành thư viện công bố, tỷ lệ đọc sách ở Việt Nam đang sụt giảm, trung bình mỗi năm người Việt đọc 0,8 cuốn, còn tỷ lệ sách trong thư viện là 0,38 cuốn/người dân. Song với người dân ở nông thôn thì tỷ lệ đọc sách tính trên đầu người còn thấp hơn nhiều, bởi đơn giản là họ không được tiếp cận với sách thì làm sao có thói quen đọc sách hay nuôi dưỡng tình yêu với sách.

Theo anh Thạch, muốn xóa dần bức thành trì ít đọc sách ở nông thôn không có cách gì hợp lý hơn là dựa vào những đứa trẻ. Ban đầu là hướng cho trẻ em quan tâm tới sách, khơi dậy niềm ham thích đọc sách trong chúng. Bọn trẻ đọc sách rồi về hỏi bố mẹ, thầy cô, rồi khi đó người lớn không biết thì buộc phải đến trường mượn sách về đọc để giải thích cho trẻ. Cách tạo hiệu ứng ngược là dùng trẻ em để khơi dậy khát vọng đọc sách ở cha mẹ, thầy cô, những người lớn xung quanh chúng, xem chừng sẽ đưa lại nhiều tín hiệu tích cực. Theo suy tính của Thạch, nếu trong một ngôi trường ở nông thôn có 1.000 đầu sách, trong khoảng thời gian từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi em sẽ đọc được khoảng 1.000 cuốn sách, đẳng cấp tinh thần sẽ khác. Đọc nhiều sách sẽ hình thành giá trị tinh thần, mỗi cá nhân càng đọc nhiều sách, giá trị tinh thần càng cao hơn.

Sẻ chia trách nhiệm với xã hội

Anh Thạch tâm sự, khi bắt tay vào thực hiện dự án sách mới, biết là sẽ tiếp tục đương đầu với muôn vàn khó khăn mới cả trong cuộc sống cũng như công việc song với anh, đó không chỉ là sự chia sẻ trách nhiệm với xã hội mà còn là bổn phận của mỗi phận mỗi chúng ta phải làm điều này. “Cũng giống như bố tôi trước đây, một nhà giáo nghèo ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã dạy toán gần 20 năm miễn phí. Khi đó, tôi gọi điện về hỏi bố coi việc dạy học của mình là làm từ thiện hay là gì, bố tôi trả lời đây là bổn phận và trách nhiệm của ông với đất nước. Chính suy nghĩ và tâm nguyện đó của bố đã ảnh hưởng sâu sắc tới quyết định cống hiến của tôi” - anh Thạch kể. Hơn 1 năm qua, Thạch đã dừng mọi công việc với mức thu nhập nhiều triệu đồng để rồi chuyên tâm vào chương trình “Sách hóa nông thôn”.

Tâm huyết là vậy song không phải mọi việc với Thạch lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều người thấy sự hăng say của anh không khỏi nghi ngờ liệu có khuất tất gì trong việc quyên góp tiền để dựng tủ sách, liệu anh Thạch có hưởng hoa hồng từ hàng ngàn cuốn sách anh mua về nông thôn? Thậm chí, gia đình nhỏ của anh cũng chao đảo bởi quyết định dành toàn tâm, toàn lực nhằm bù đắp những thiếu hụt của những người dân nông thôn ít có cơ hội tiếp xúc với sách. Song có lẽ nhiều người nói đúng, nếu không thật sự tận tâm, không có chút “gàn gỡ, khùng khùng” thì liệu có được hơn 1.000 tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh… được lập ra ở Quỳnh Phụ (Thái Bình)?

Anh Thạch đã không đơn độc trong hành trình đưa sách về với nông thôn bởi lẽ, ngay sau khi chương trình đưa sách về nông thôn được khởi động, đã có rất nhiều cá nhân và đơn vị đã kết nối. Như anh Nguyễn Danh Huế ở xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương, Thái Bình về khởi động 10 tủ sách trong lớp học, sau đó 1 tuần thì bạn của anh là Bùi Thế Dũng ở xã Vũ Trung bên cạnh về làm 22 tủ sách

Trong ngày hội sách tổ chức vào 20-4 tại Văn Miếu, anh Thạch cùng các cộng sự đẩy mạnh chiến dịch quyên góp sách cho nông thôn. “Trong chương trình này, Công ty Sách điện tử Alezaa sẽ phối hợp với một số nhà xuất bản, công ty sách để cho tôi mang thùng đựng sách đến, nếu mỗi người tặng một cuốn sách cũ thì sẽ nhận được một cái thẻ để đổi lấy một cuốn sách điện tử. Chương trình hy vọng sẽ nhận được 50.000 cuốn, sách văn học, khoa học, y học thường thức, vì người nông dân đang rất cần những kiến thức như vậy”, anh Thạch cho biết.

Mai An

Tin cùng chuyên mục