Nâng cấp du lịch làng cổ Đường Lâm

Hội thảo “Chung tay gìn giữ giá trị viên ngọc quý - Làng cổ Đường Lâm” do Liên hiệp khoa học Phát triển du lịch bền vững tổ chức ngày 8-6 đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học. Điều đáng mừng là các giải pháp đưa ra tại hội thảo đều quan tâm đến lợi ích của người dân làng cổ Đường Lâm.

Hội thảo “Chung tay gìn giữ giá trị viên ngọc quý - Làng cổ Đường Lâm” do Liên hiệp khoa học Phát triển du lịch bền vững tổ chức ngày 8-6 đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học. Điều đáng mừng là các giải pháp đưa ra tại hội thảo đều quan tâm đến lợi ích của người dân làng cổ Đường Lâm.

        “Dẫu khó đừng bỏ Đường Lâm”

Đó là những lời tâm huyết xuất phát từ sự lo ngại của tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, người đã dành rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu về làng cổ Đường Lâm. Bởi lẽ, đã có quá nhiều di sản bị biến dạng, thậm chí biến mất trong cơn lốc đô thị hóa. Thực tế, sau rất nhiều nỗ lực, nhiều hội thảo lớn nhỏ nhưng đến thời điểm này, cả chính quyền và các chuyên gia vẫn chưa tìm được giải pháp thực sự hữu hiệu để bảo tồn làng cổ Đường Lâm, một di sản vốn được coi đẹp nhất, đặc sắc nhất, điển hình nhất và cũng còn nguyên vẹn nhất của làng cổ Việt Nam.

Sau hàng loạt khó khăn trong công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm được đưa ra, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm, bảo tồn trước hết là vấn đề quản lý xã hội, có sự tham gia của cộng đồng và chương trình bảo tồn. Phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm phải đảm bảo mục tiêu duy trì, nâng cao đời sống cho cư dân địa phương.

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam: “Chúng ta đã tìm ra nhiều chính sách, cơ chế để quản lý di sản nhưng vẫn chưa tìm ra được cách gắn bó di sản với cộng đồng. Để di sản gắn bó với cộng đồng, nhất thiết phải làm cho di sản mang lại giá trị lợi ích thiết thực chứ không chỉ đơn thuần là giá trị tinh thần, dẫn đến di sản trở thành gánh nặng cho người dân. Phải công bố công khai các kế hoạch, chính sách thực hiện quy hoạch, xây dựng và người dân được biết các thông tin, được cùng tham gia thảo luận...”.

        Vừa bảo tồn, vừa khai thác di sản

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích Đường Lâm cho biết, việc bảo tồn, phát huy làng cổ Đường Lâm đang có những chuyển biến khá tích cực sau những ồn ào về việc người dân muốn trả lại danh hiệu di tích vừa qua. Cụ thể, chính quyền thị xã Sơn Tây đang quyết liệt chỉnh đốn BQL di tích, mời các đại diện dòng họ lớn, đại diện các thôn xóm tham gia vào việc quản lý di tích, nhằm tạo sự minh bạch cũng như phát huy vai trò của người dân với việc bảo tồn di sản. Đồng thời, công tác quy hoạch tổng thể di tích cũng đang được rốt ráo triển khai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý từ trung ương tới địa phương. Đặc biệt, khu giãn dân đã được các cấp chính quyền thỏa thuận xong, đây là vấn đề bức xúc nhất của người dân trong gần 10 năm qua.

“Chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ, dự kiến đầu năm 2014 sẽ có đất để thực hiện giãn dân”. Bên cạnh đó, để di sản mang lại lợi ích thiết thực, gắn liền với đời sống của người dân, chính quyền địa phương đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang du lịch. TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học Phát triển du lịch bền vững đã đưa ra nhiều hình thức du lịch khai thác thế mạnh thuần nông của làng cổ. Đó là chuỗi sản phẩm như tour du lịch “Mùa lúa chín”, tìm hiểu nông thôn, thưởng thức văn hóa ẩm thực từ các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, thăm làng cổ và di tích… Sắp tới, hội sẽ cùng BQL di tích Đường Lâm kết hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong nước để sớm khai thác các hình thức du lịch mới tại địa phương.

Điều băn khoăn còn lại là chính quyền địa phương sẽ thực hiện trách nhiệm của mình thế nào trong việc kiểm soát chặt chẽ các quy định quản lý về xây dựng để không phá vỡ kiến trúc, cảnh quan, hướng dẫn người dân ra sao để bảo đảm chất lượng cuộc sống trong khi chờ đợi kinh phí tôn tạo...

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục