Showbiz… và tiền

Vụ lùm xùm liên quan đến chuyện tiền bạc giữa ca sĩ Đan Trường và cô gái được cho vừa là người hâm mộ vừa là người yêu cũ gần như chiếm lĩnh diễn đàn dư luận lẫn truyền thông trên lĩnh vực giải trí tuần qua.

Bỏ qua những tranh cãi đúng sai (vốn dĩ rất khó phân định trong những chuyện gần như chỉ người trong cuộc mới rõ thực hư), rõ ràng có thể thấy, nếu câu chuyện trên gắn vào một cái tên nghệ sĩ khác có thể đã không ồn ào đến thế.

Dư luận quan tâm có phần hơi đặc biệt cho sự kiện trên, bởi lẽ Đan Trường từ khi bước vào thị trường giải trí đến nay vẫn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. Tạo dựng hình ảnh đã khó, giữ hình ảnh còn khó hơn gấp bội. Nếu hành xử sơ sót, cũng đủ đưa danh tiếng một đời gây dựng đổ sông đổ bể. Trong trường hợp này, đa phần không trách Đan Trường mà là tiếc cho anh. Bởi giữa một rừng hỗn loạn của thị trường giải trí, một nghệ sĩ luôn ý thức xây dựng hình ảnh, tránh xa những chiêu trò rẻ tiền thực sự là điều đáng quý. Đan Trường không phải là nghệ sĩ có tố chất bẩm sinh để trở thành ngôi sao nhưng cái cách anh chinh phục khán giả của mình, ngoài yếu tố may mắn, bằng nỗ lực lao động miệt mài thì không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Chắc chắn sự cố trên đã làm hoen ố ít nhiều hình ảnh của Đan Trường mà không dễ gì tẩy xóa.

Một vụ việc cũng liên quan đến tiền bạc, hay chính xác hơn có vẻ bắt nguồn từ tiền bạc là vụ thành viên Tronie của nhóm nhạc 365 do công ty của diễn viên Ngô Thanh Vân đầu tư gầy dựng tuyên bố tách nhóm. Những lùm xùm về mối quan hệ giữa Ngô Thanh Vân và Tronie bắt đầu khi Tronie đăng tải trên trang cá nhân về những bất mãn khi đầu quân cho công ty của diễn viên Ngô Thanh Vân và tiết lộ bản hợp đồng với mức lương 2 - 3 triệu đồng/tháng khiến sau đó phía Ngô Thanh Vân phải tổ chức họp báo. Bỏ qua những yếu tố cá nhân, vụ lùm xùm này thể hiện căn bệnh trầm kha của showbiz Việt: Sự thiếu chuyên nghiệp. Những tranh chấp như thế này không nên giải quyết bằng những dòng status trên trang mạng cá nhân hay những giọt nước mắt trong cuộc họp báo mà nên giải quyết, thương thảo trên cơ sở luật pháp, nếu vẫn không tìm được tiếng nói chung thì đưa nhau ra tòa, chỉ vậy thôi. Họp báo, nếu có, cũng chỉ nên diễn ra sau khi đã có những kết quả giải quyết/thỏa thuận cụ thể giữa hai bên. Sự thiếu chuyên nghiệp, hành xử mang tính tình cảm và cả cảm tính ngay từ ban đầu khiến những sự vụ như thế này dù xảy ra không ít lần nhưng xem ra showbiz Việt học hoài vẫn chưa thuộc. Một hợp đồng không rõ ràng về ngày ký, lương thực tế không như thỏa thuận trong hợp đồng, những chi phí đầu tư không thể hiện đầy đủ…, tất cả cho thấy một sự cảm tính và thiếu chuyên nghiệp. Và đó cũng là lý do mà bao năm qua thị trường nhạc Việt mãi chẳng có nhóm nhạc nào khả dĩ làm nên chuyện, cứ tách nhập tách nhập và mọi nguyên nhân suy cho cùng cũng xoay quanh một chữ tiền.

Cũng liên quan đến tiền bạc là việc ca sĩ Lê Kiều Như kiện Tập đoàn Apple (Mỹ) vì đã vi phạm tác quyền Sợi xích của cô khi bày bán bất hợp pháp trên kho ứng dụng trực tuyến của iTunes dành cho iPhone, iPod touch, Ipad... Lê Kiều Như đã ủy quyền cho luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) đại diện và gửi đơn đến đại diện Tập đoàn Apple. Chưa biết kết cục của việc này thế nào nhưng đây có thể xem là điểm sáng tích cực đáng ghi nhận trong những sự vụ lùm xùm liên quan đến chuyện tiền bạc của nghệ sĩ thời gian gần đây. Hành xử dựa trên cơ sở luật pháp nên và cần được xem là cách giải quyết thường xuyên trong thực tế đời sống giải trí nước ta. Đừng vin vào “nghệ sĩ tính” để biện hộ cho cách hành xử thiếu chuyên nghiệp!

SĨ NHƠN

Tin cùng chuyên mục