PGS-TS Nishimura Masanari - Một người Nhật yêu “trang sử đất” Việt Nam

“Trước khi Nishimura Masanari mất hai tuần, tôi đã xem bộ phim dài chừng hơn một tiếng về anh. Trong phim, Nishimura nói rằng trong đầu anh ấy toàn Việt Nam, Việt Nam và Việt Nam. Phim kết thúc, anh ấy cũng nói yêu Việt Nam nhiều lắm, yêu lịch sử, yêu món ăn, tiếng nói, yêu cả con gái Việt Nam…”, PGS-TS Phạm Đức Mạnh, trưởng bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM vẫn nhớ như in bộ phim cuối cùng về PGS-TS khảo cổ người Nhật Nishimura Masanari cũng như sự đóng góp lớn lao của ông cho nền khảo cổ Việt Nam.
PGS-TS Nishimura Masanari - Một người Nhật yêu “trang sử đất” Việt Nam

“Trước khi Nishimura Masanari mất hai tuần, tôi đã xem bộ phim dài chừng hơn một tiếng về anh. Trong phim, Nishimura nói rằng trong đầu anh ấy toàn Việt Nam, Việt Nam và Việt Nam. Phim kết thúc, anh ấy cũng nói yêu Việt Nam nhiều lắm, yêu lịch sử, yêu món ăn, tiếng nói, yêu cả con gái Việt Nam…”, PGS-TS Phạm Đức Mạnh, trưởng bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM vẫn nhớ như in bộ phim cuối cùng về PGS-TS khảo cổ người Nhật Nishimura Masanari cũng như sự đóng góp lớn lao của ông cho nền khảo cổ Việt Nam.

Hơn 20 năm qua, có lẽ không người nước ngoài nào đam mê và chung thủy với “trang sử đất” của nước Việt đến tận cùng như TS Nishimura.

PGS-TS Nishimura Masanari (phải) tại Hội nghị toàn quốc về khảo cổ học cuối cùng của ông.

PGS-TS Nishimura Masanari (phải) tại Hội nghị toàn quốc về khảo cổ học cuối cùng của ông.

Yêu Việt Nam là duyên nợ

Gặp TS Phạm Đức Mạnh trong một buổi chiều khi ông tan ca dạy, dù vội vàng nhưng khi nói về TS Nishimura, giọng ông có vẻ chùng xuống. Sự hối hả không còn nữa mà nhường chỗ cho những cảm nghĩ, câu chuyện về người bạn lớn của Việt Nam.

Trước khi trở thành trưởng bộ môn Khảo cổ học Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, TS Mạnh từng là Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học của Viện Khoa học Xã hội TPHCM. Năm 1993, ông tiếp nhận TS Nishimura Masanari và TS Mariko Yamagata về làm việc tại trung tâm. Ông đã đưa họ đi nghiên cứu, khai quật các điểm phía Nam như Đồng Nai, mộ Cự Thạch Hàng Gò, Bình Đa và các tỉnh miền Tây. TS Nishimura nghiên cứu rất kỹ, tập trung vào lịch sử nguyên thủy Việt Nam và nghiên cứu sang giai đoạn của phong kiến độc lập của kỷ nguyên văn hóa Thăng Long Đại Việt thế kỷ X - XV. Còn TS Mariko lại tập trung vào miền Trung, trở thành một chuyên gia rất uy tín của Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. “Họ yêu Việt Nam lắm. Cả hai người cùng học khoa Khảo cổ học của Đại học Tokyo rồi đều trở thành giảng viên dạy về lịch sử văn hóa và khảo cổ học Việt ở Nhật. Đó là hai nhà khảo cổ học gắn bó với nước ta có lẽ là lâu nhất và hàng đầu của Nhật Bản”, TS Mạnh nhận xét.

Theo lời TS Mạnh, Nishimura lúc sinh thời từng tâm sự rằng qua tài liệu đọc - học ở Tokyo đã bắt đầu mê khảo cổ học Việt Nam và tự học tiếng Việt từ bên đó. Cho nên khi tiếp xúc với khảo cổ học Việt Nam gần như chỉ biết bập bẹ tiếng Việt. “Nhưng giờ thì anh ấy đã thành như người Việt rồi. Giỏi lắm, rất giỏi vì hầu như chỗ nào anh ấy cũng lăn lộn, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ đất liền đến hải đảo, anh đi tuốt”, TS Mạnh đánh giá cao về nỗ lực làm việc của Nishimura.

Nishimura có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ, nhiều người dân vẫn gọi là “ông Ajinomoto” hay “ông người Nhật”. Nishimura sinh năm 1965 tại vùng biển Simonoseki (tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản). Năm 1990, ông sang Việt Nam trong khuôn khổ dự án giữa Đại học Tokyo và Viện Khảo cổ học Việt Nam để nghiên cứu khảo sát một số ngôi mộ cổ ở làng Vạc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Sau khi hoàn thành công tác, trở về Nhật tham gia công tác giảng dạy, tình yêu với Việt Nam ngày càng mãnh liệt khiến ông luôn tự tìm kiếm cho mình những cơ hội, những đề tài nghiên cứu để có thể sang Việt Nam. Ông nhận ra đây là nơi sẽ tìm được nhiều điều mới lạ, nơi có thể gửi gắm những giấc mơ từ lòng đất. Vì thế, như một duyên nợ, ông từng nói: “Việt Nam còn khó khăn, nhưng trong khó khăn lại có cái hay. Tôi thích khó khăn và ngay từ đầu đến Việt Nam, tôi cảm thấy có cái gì đó thân thuộc gần gũi với người Việt”.

Trong 49 năm của cuộc đời, Nishimura đã có 23 năm gắn bó với Việt Nam. Dấu chân ông đã in hằn khắp nẻo, bất cứ nơi nào có chút manh mối khảo cổ là ông ở đó. Với Nishimura, Việt Nam là quê hương thứ hai, ông đã là người Việt từ trong máu thịt và giọng nói.

Người đọc trang sử đất cho thế hệ trẻ Việt

“Với anh ấy, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm, mỗi lần đi đào các di chỉ khảo cổ, mỗi lần xây dựng hồ sơ di sản... Anh ấy có quá nhiều công lao với ngành khảo cổ Việt Nam”, TS Mạnh nói.

Hơn 20 năm gắn bó với khảo cổ Việt, Nishimura có nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ và khai quật có giá trị. Ông đã tìm được 2 báu vật mang tính chất lịch sử và có ý nghĩa lớn: mảnh khuôn đúc trống đồng (báu vật văn hóa Việt Nam phía Bắc), đàn đá (báu vật văn hóa Nam bộ).

Ông là người đầu tiên và duy nhất tìm thấy mảnh đúc khuôn trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng thế kỷ I - III sau Công nguyên vào tháng 11-1998. Các loại trống này không có cái nào giống cái nào bởi vì được đúc bằng khuôn đất, nhiều nhà Việt Nam học cho rằng trống được làm bằng sáp chịu lửa, đúc xong đập khuôn và lấy trống ra. Theo các nhà khảo cổ học cùng đào, chính bằng kỹ thuật tìm tòi tiên tiến và cẩn thận của người Nhật ông ấy đã tìm thấy mảnh khuôn đúc trống đồng. Tìm được khuôn được coi là sáng tạo bản địa, chỉ có người Việt cổ có thể làm nên sản phẩm kỳ diệu đó. Cũng chính ông đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu, cho thấy chúng có niên đại thời kỳ An Dương Vương và được sản xuất tại chỗ.

Ông đóng góp rất lớn trong việc khai quật và tìm được di chỉ khảo cổ đàn đá Bình Đa. Đàn đá là nhạc cụ cổ, nói theo các nhà nghiên cứu người Pháp, người Nga đây là những báu vật nhạc cụ cổ truyền của Thế giới thời cổ. Trước kia, ông G.Condominas (người Pháp) tìm thấy đàn đá, khai quật và mang sang bảo tàng Con người ở Paris, trở thành báu vật. Lần đầu tiên tìm thấy ở Bình Đa, TS Nishimura đã mang sang Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức, với phương pháp định niên đại bằng các-bon phóng xạ C14 đã có thể xác định được tuổi: cách đây 3.180 + 50 năm. Lần đầu tiên đàn đá được định tuổi xưa như thế. Và lần thứ 2 đào ở Bình Đa (năm 1992), đi điền dã ở vùng Đức Hòa, Đức Huệ thì chính Nishimura là người nhặt được mảnh đàn đá và dành 2 đêm để vẽ mẫu.

Ngoài ra, anh đã góp nhiều công vào việc khai quật Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, và dấu tích người nguyên thủy ở Tràng An để làm hồ sơ xếp hạng thế giới. Nishimura đã tham gia hàng chục cuộc khai quật lớn nhỏ, tham dự rất nhiều hội thảo khoa học quốc tế về Việt Nam. Ông cũng là người sáng lập Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á.

Đặc biệt, ông là người đưa ra quan niệm rất mới tại Việt Nam “Khảo cổ học cộng đồng” (Community Archaeology). Theo TS Mạnh, Nishimura nói rất hay “Phải cho người dân làm chủ di sản của chính người ta, tổ tiên người ta và họ phải hưởng lợi từ chính những di sản đó, không thể để họ thế kỷ XXI rồi mà cứ phải sinh hoạt giống như thế kỷ XV - XVI. Để cho người dân tự bảo vệ di sản vì không ai có thể bảo vệ di sản tốt như người dân cả”. Năm 2012, bảo tàng gốm sứ Kim Lan được khánh thành và giao lại cho người dân nơi này quản lý. Tất cả nhờ sự vận động kinh phí của Nishimura tới những người trong Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á, bạn bè ở Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ xây dựng. Đến thời điểm này, Kim Lan là làng nghề đầu tiên ở Việt Nam có bảo tàng gốm sứ.

Nói về đóng góp của Nishimura đối với ngành đào tạo khảo cổ Việt Nam, TS Mạnh cho rằng: “Rất có trách nhiệm, và trách nhiệm lớn nhất của anh ấy là truyền đạt toàn bộ các kỹ nghệ tiên tiến của Nhật Bản về khảo cổ học, cách khai thác và đọc các trang sử đất cho thế hệ trẻ Việt Nam. Không ít lứa sinh viên, nhà khảo cổ trẻ tuổi nước ta được Nishimura chỉ dạy nhiều thứ: xác định vệ tinh, đo vẽ bằng máy trắc địa, chụp ảnh, vẽ trên vi tính… cực kỳ kỹ và chuẩn xác. Bản thân anh cũng là nhà giáo nên có điều kiện giúp đỡ các bạn trẻ. Đó là điều rất quý ở anh”.

Đại diện Báo Thể thao - Văn hóa trao tặng gia đình PGS-TS Nishimura Masanari giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Đại diện Báo Thể thao - Văn hóa trao tặng gia đình PGS-TS Nishimura Masanari giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Tri ân Nishimura

Ngày 9-6-2013 định mệnh, TS Nishimura đã đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông trên tuyến đường 1B khi ông đi công tác khảo cổ ở Chùa Dạm (Bắc Ninh) và chùa Cao (Bắc Giang)… “Sự ra đi đột ngột của ông là một tổn thất lớn cho gia đình, bạn bè và cả một nền khảo cổ Việt. Anh ấy là người bạn chung thủy lâu năm quan tâm đến lịch sử - văn hóa Việt Nam”, TS Mạnh chia sẻ niềm tiếc thương.

Lễ tang được tổ chức rất trọng thể ở Hà Nội. Thoạt đầu, theo yêu cầu của Thạc sĩ Noriko - vợ TS Nishimura, sẽ hỏa thiêu ở nhà hỏa táng Hoàn Vũ rồi tro cốt mang về Nhật. Nhưng, tấm lòng của Nishimura đối với Việt Nam quá lớn nên bố mẹ ông khi sang dự đám tang đã quyết định con trai họ sẽ ở lại mãi với Việt Nam. Đó là một đám tang rất xúc động. Trong diễn văn không hề nhắc đến tai nạn mà chỉ nói đến tình cảm của TS Nishimura.

Cũng trong đám tang, GS Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học Xã hội Nhân văn Việt Nam cho Nishimura. Trong một cuộc trò chuyện với TS Mạnh gần đây, PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng chia sẻ đang cố gắng đề nghị Chính phủ tặng Huân chương Hữu nghị, xứng đáng đối với nhà khoa học trọn đời hy sinh trên con đường công tác vì sự nghiệp văn hóa - lịch sử Việt Nam này.

Nishimura đã chọn Việt Nam để sống và cống hiến, khi ông ra đi cũng đã ở lại mãi giữa đất Kim Lan. Bỏ dở các kế hoạch, chương trình hợp tác chỉnh lý di vật khảo cổ học di tích chùa Dạm (Bắc Ninh), Gò Tháp (Đồng Tháp), Con Moong, hang Mang Chiêng (Thanh Hóa)… Nishimura đi xa ở tuổi 49 đầy tiếc nuối. Sẽ không còn dấu chân Nishimura trên các di chỉ khảo cổ nữa nhưng hình ảnh về ông và những cống hiến một đời cho khảo cổ học Việt Nam sẽ luôn được ghi nhớ và tri ân.

GV Nguyễn Hùng Vĩ (Khoa Văn học - Trường ĐHKHXH-NV TPHCM) đã viết một bài thơ tưởng nhớ TS Nishimura, trong đó có những câu rất xúc động:

Và anh đến nâng hai tay trìu trĩu
Dấu vết Lạc Hồng hun hút thời gian
Mắt ươn ướt trong nắng trưa nhiệt đới
Hồn xưa về thơm hương khói chứa chan…

VÕ THẮM - THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục