Trước thực trạng “chảy máu chất xám” cán bộ công chức: Giải pháp nào để hạn chế?

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ từng phát biểu với Đoàn khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội rằng với mức lương hiện nay, TPHCM không những không thu hút được nhân tài, mà còn khó giữ cán bộ công chức (CBCC) lành nghề, có năng lực. Thực trạng CBCC bỏ việc ở TPHCM ngoài vấn đề lương bổng, liệu còn nguyên nhân nào khác? Giải pháp nào để hạn chế thực trạng này?
Trước thực trạng “chảy máu chất xám” cán bộ công chức: Giải pháp nào để hạn chế?

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ từng phát biểu với Đoàn khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội rằng với mức lương hiện nay, TPHCM không những không thu hút được nhân tài, mà còn khó giữ cán bộ công chức (CBCC) lành nghề, có năng lực. Thực trạng CBCC bỏ việc ở TPHCM ngoài vấn đề lương bổng, liệu còn nguyên nhân nào khác? Giải pháp nào để hạn chế thực trạng này?

Áp lực công việc

Trước thực trạng “chảy máu chất xám” cán bộ công chức: Giải pháp nào để hạn chế? ảnh 1

Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân khiến không ít cán bộ, công chức xin chuyển công tác, nghỉ việc. Ảnh: N.L.

Nguyên nhân CBCC xin nghỉ việc vì lương thấp, theo một Phó phòng đang công tác tại Sở LĐTB-XH TPHCM, không còn là nguyên nhân quyết định nữa. Bởi chế độ lương, phụ cấp hiện còn bất cập, nhưng không đến nỗi là yếu tố quyết định sự “ra đi” khỏi biên chế nhà nước của những CBCC có năng lực.

Áp lực lớn nhất hiện nay buộc nhiều người phải chuyển ngành chính là công việc. Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ lý giải thêm, CBCC công tác bất cứ đâu trong tình hình hiện nay đều phải đối mặt một khối lượng công việc rất nặng nề, các văn bản pháp luật luôn chồng chéo, bất cập, chỉnh sửa thường xuyên. Nếu hoàn thành tốt công việc, CBCC phải mất rất nhiều thời gian, xử lý rất khó khăn, nhất là cán bộ công tác trong các ngành liên quan đến nhà đất, xây dựng… Áp lực công việc có thể tháo gỡ dần, nhưng sức ép từ phía người dân thì thật sự rất căng thẳng.

Từ cuối năm 2006 đến nay, TPHCM đã có rất nhiều người xin nghỉ việc, thậm chí có một số cơ quan có trên 20 người “ra đi”. Dù có rất nhiều thông tin liên quan đến sự kiện một phó giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM xin nghỉ việc, ngay cả bản thân ông khẳng định nghỉ việc là việc bình thường, không vì áp lực gì, nhưng với nhiều người đang công tác ở lĩnh vực nhân sự đều khẳng định lý do quyết định để ông này rời khỏi chiếc ghế phó giám đốc sở chính là áp lực từ công việc mình phụ trách.

Cơ hội thăng tiến bị hạn chế

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh “lôi kéo” thành công nhiều CBCC nhà nước, Trưởng phòng Công chức viên chức và đào tạo Sở Nội vụ TPHCM Lê Văn Làm cho rằng, ngoài chế độ đãi ngộ, thu nhập cao hơn thì việc tạo rất nhiều cơ hội cho nhân viên thăng tiến nghề nghiệp của chủ DN đã góp phần cho nhiều CBCC “thay đổi” nơi làm việc.

“Bến đỗ” thu hút nhiều nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN có thương hiệu hàng đầu trong và ngoài nước. Bởi ở đó, ngoài những mức lương được trả theo giá trị năng lực bản thân, thì với môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhiều cơ hội tiếp xúc các vấn đề mới, được thử sức mình, được giao những vị trí quan trọng…, không có lý do gì để CCBC, nhất là nhân tài trẻ “ở lại” nơi mà công việc nhàm chán, sự thăng tiến không chỉ dựa vào yếu tố nỗ lực cá nhân mà có.

Theo quyền Trưởng Thi hành án (THA) dân sự TPHCM Nguyễn Văn Lực, trong khi nhân sự cho ngành THA TP còn thiếu trên 50 người, thì trong năm 2007 đã có 19 trường hợp xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc. Trong đó có 2 Trưởng THA và nhiều chấp hành viên xin thôi làm nhiệm vụ THA, hàng chục người có trình độ cử nhân luật xin chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, những người mới tuyển chỉ muốn làm hợp đồng có thời hạn, chờ cơ hội “chuyển công tác” chứ không chịu gắn bó lâu dài tại cơ quan THA. Bình quân mỗi chấp hành viên phải thụ lý hơn 600 việc/năm thì rất khó có thời gian để bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ.

Giải pháp nào để hạn chế CBCC “ra đi”?

Loại bỏ các nguyên nhân khác, ông Châu Minh Tỷ cho rằng, vấn đề quyết định vẫn là chính sách lương bổng. Vấn nạn “chảy máu chất xám” tại TPHCM, nhất là hai lĩnh vực y tế, giáo dục, khi mà thực tế không tuyển đủ giáo viên cho năm học 2007 - 2008, cũng như sự “dứt áo ra đi” của nhiều bác sĩ, chuyên gia từ bệnh viện công sang bệnh viện tư… phần lớn cũng vì mức lương còn thấp.

Riêng CBCC hành chính cấp quận huyện, phường xã nên duy trì tốt hơn các chính sách đãi ngộ như: cho hưởng chính sách phụ cấp lương, chế độ trợ cấp khuyến khích người có trình độ đại học trở lên, đảm bảo được hưởng các chế độ bảo hiểm, kinh phí bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo cơ hội thăng tiến cho những cán bộ trẻ có năng lực.

Trong xu hướng phát triển, thực trạng di động xã hội thường xuyên diễn ra, một trong số đó là di động theo hướng từ nơi có thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao. Điều đó khẳng định xu hướng “chảy máu chất xám” sẽ vẫn tiếp diễn, bất kể nguyên nhân nào. Tuy nhiên, chính sách nhân sự không hẳn chỉ yếu tố lương bổng mới có thể quyết định hiệu quả.

Chuyện một Trưởng THA tại TPHCM xin nghỉ việc, nhưng sau những lần đối thoại, nắm rõ tâm tư nguyện vọng cá nhân, đồng thời cấp trên đã có những giải pháp thuyết phục đã đồng ý quay lại làm việc cho thấy được thực chất vấn đề sử dụng CBCC. Ngay cả chính sách tuyển dụng công khai các chức danh lãnh đạo chủ chốt phường - xã đã thí điểm ở một số quận – huyện trên địa bàn TP đã đem lại cho các cơ quan công quyền một nguồn CBCC trẻ, có năng lực và tâm huyết.

Đây là lực lượng bổ sung cán bộ chủ chốt TP sau này, nếu như có cơ chế chính sách bồi dưỡng hiệu quả. Chính sách tuyển dụng, đào tạo CBCC ngoài những giải pháp chính trị, vấn đề kinh tế, công bằng trong đãi ngộ cũng cần thực hiện hiệu quả. Không thể trả lương theo kiểu “cào bằng” mà cần xây dựng một cơ chế lương bổng theo năng lực, đóng góp của mỗi CBCC.

Theo Sở Nội vụ, TPHCM hiện có khoảng 99.700 CBCC và trên 32.330 công nhân viên chức được chuyển xếp lương mới theo quy định của Chính phủ. Toàn TP hiện còn 1.374 CBCC phường xã, thị trấn không được đóng bảo hiểm xã hội (do các chức danh này không trùng với chức danh Chính phủ quy định).

NGỌC LỮ

Tin cùng chuyên mục