Giáo sư Trần Văn Giàu và các thế hệ học trò

Năm 1995, lãnh đạo TPHCM cùng đông đảo cán bộ cách mạng và các nhà trí thức tổ chức lễ mừng thọ GS Trần Văn Giàu. Tôi từ Hà Nội vào, mang hoa đến chúc mừng anh chị. Tôi thấy gia đình anh chị đầy hoa và sách. Có lẽ chỉ có hoa và sách. Người ta thường đồn rằng anh là người giàu có nhất. Nhưng có lẽ anh chỉ giàu có ở những thứ khác chứ không phải ở tiền của. Anh giàu ở khối óc vô cùng sáng suốt, ở trái tim vô cùng nồng nhiệt đối với Tổ quốc và nhân loại, đối với cách mạng, ở trăm ngàn bè bạn của anh, đồng chí của anh và học trò của anh. Tôi tặng anh hai câu đối: “Riêng tư chỉ có hoa và sách; Bè bạn ai không nghĩa với tình”.
Giáo sư Trần Văn Giàu và các thế hệ học trò

Năm 1995, lãnh đạo TPHCM cùng đông đảo cán bộ cách mạng và các nhà trí thức tổ chức lễ mừng thọ GS Trần Văn Giàu. Tôi từ Hà Nội vào, mang hoa đến chúc mừng anh chị. Tôi thấy gia đình anh chị đầy hoa và sách. Có lẽ chỉ có hoa và sách. Người ta thường đồn rằng anh là người giàu có nhất. Nhưng có lẽ anh chỉ giàu có ở những thứ khác chứ không phải ở tiền của. Anh giàu ở khối óc vô cùng sáng suốt, ở trái tim vô cùng nồng nhiệt đối với Tổ quốc và nhân loại, đối với cách mạng, ở trăm ngàn bè bạn của anh, đồng chí của anh và học trò của anh. Tôi tặng anh hai câu đối: “Riêng tư chỉ có hoa và sách; Bè bạn ai không nghĩa với tình”.

Năm 1991, anh tròn 80 tuổi, tôi có viết tặng anh một đôi câu đối, ý nói anh có 3.000 tử đệ đã theo anh trên con đường anh đi. Mỗi lần nhớ tới anh, tôi luôn luôn nghĩ tới con số 3.000. Thời xưa Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân trong nhà luôn luôn có 3.000 thực khách. Anh không phải là Mạnh Thường Quân hay Tín Lăng Quân nhưng anh cũng luôn luôn có 3.000 “thực khách”. Họ không ăn gạo thịt của anh nhưng lại sống và trưởng thành từ những món ăn quý hiếm hơn nhiều. Đấy là chất xám mà anh rút ra từ trong đầu mình để nuôi dưỡng họ và dẫn dắt họ trên con đường quang vinh của cách mạng và khoa học.

Các thế hệ học trò của GS Trần Văn Giàu thăm, tặng hoa Giáo sư nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2004. Ảnh: M. HẢI

Các thế hệ học trò của GS Trần Văn Giàu thăm, tặng hoa Giáo sư nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2004. Ảnh: M. HẢI

Tôi nghĩ tới câu thơ của Nguyễn Văn Thành: “3.000 con em đất Bái, cùng tên ngang dọc chí nam nhi”. Tôi nghĩ đến những ngày còn trẻ và rất trẻ, anh cũng từng dọc ngang trên con đường cứu nước, cứu dân. Tôi nghĩ tới ngày Cách mạng Tháng Tám, dưới lá cờ đỏ sao vàng không chỉ có 3.000 đàn em cùng anh dọc ngang chiến đấu.

Tôi lại nghĩ đến 3.000 học trò của Khổng Tử. Trên con đường văn chương và khoa học, anh cũng có không dưới 3.000 người học trò, hiện trải ra khắp nước. Trong đó không chỉ có Thất thập nhị hiền, mà trên con số 72 người đang giữ những trọng trách khoa học tại các trường Đại học và các Viện nghiên cứu.

Chính vì lẽ trên mà tôi viết trong câu đối tặng anh “Tử đệ ba ngàn, cửa tướng tưng bừng Kiếm Bút”. Trong ngày mừng thọ anh, tôi quả đã thấy chung quanh anh nhộn nhịp những người vốn đã cầm bút hoặc mang gươm, những bè bạn và học trò yêu quý của anh.

Trong bài viết về anh trên báo Xưa và Nay, tôi có nêu lên những nét riêng của anh trên con đường cách mạng và khoa học.

Là một nhà Cách mạng lão thành, anh đã suốt đời chiến đấu không mệt mỏi và trước mọi gian nguy, thử thách vẫn sáng ngời niềm tin và khí phách.

Là một nhà khoa học lỗi lạc, anh đã viết hàng vạn trang giấy nhưng không hề lặp lại mình hay lặp lại người khác. Từng trang, từng trang vẫn sáng long lanh những phát hiện mới, những nhận định mới.

Xin cho phép tôi được nói một chút về quan hệ riêng tư với anh cách đây vừa nửa thế kỷ. Ngày ấy, anh từ mặt trận Biển Hồ KPC ra miền Bắc. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, anh đã chiếm lĩnh tôi cả về tình cảm và niềm tin. Lúc đó, tôi làm Giám đốc Thông tin tuyên truyền Liên khu 10 - Việt Bắc kiêm phụ trách Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác của liên khu.

Tôi phải chủ trì những buổi thảo luận học thuật trước đông đảo trí thức lớn thuộc các ngành giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật. Có anh ở bên cạnh, tôi càng vững tâm trong việc điều hành hội thảo. Trong buổi hội thảo, nhiều lúc rất sôi động, anh đã hùng biện trả lời mọi câu hỏi và đã chinh phục được tất cả mọi người.

Người ta thường nói vui rằng cách đây 2.000 năm, đã diễn ra cuộc thiệt chiến quần nho. Nhà chính trị thiên tài kiêm nhà trí thức lỗi lạc thời ấy là Khổng Minh đã luận chiến hùng hồn và đánh bại các nhà trí thức Giang Đông. Nay lại đến lượt nhà trí thức cách mạng Trần Văn Giàu luận chiến hùng hồn với đông đảo nhà trí thức ở Việt Bắc. Nhưng khác với Khổng Minh, Trần Văn Giàu đã thu phục được lòng người và củng cố cho họ thêm niềm tin đối với kháng chiến, đối với Đảng và Bác Hồ, đối với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Năm 1950, anh Giàu được Đảng và Nhà nước giao trọng trách làm Tổng Giám đốc Thông tin tuyên truyền toàn quốc. Từ đó, anh trở thành thủ trưởng trực tiếp của tôi. Anh ở trên trung ương và tôi ở dưới liên khu, chúng tôi lại cộng tác chặt chẽ với nhau. Ở đây lại có con số 3.000 nữa. Suốt mấy năm trời dưới sự chỉ đạo của anh, chúng tôi liên tục mở lớp để đào tạo và bồi dưỡng cho trên 3.000 cán bộ thông tin của trung ương, của khu, của các tỉnh, huyện, nhất là ở Việt Bắc.

Vào khoảng năm 1960, anh và tôi lại cùng về công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước. Từ đó, tôi lại được cộng tác chặt chẽ với anh, được học hỏi thêm và gắn bó với anh cho tới hôm nay.

Ngày mừng thọ anh lần ấy, anh đã 85 tuổi và tôi cũng đã 80, anh vẫn còn dồi dào sức sáng tạo, vẫn những canh khuya tiếp tục ngồi nghiên cứu. Lúc đó, tôi nghĩ trên bầu trời có hai ngôi sao tỏa sáng xuống căn nhà, nơi anh làm việc. Đó là ngôi sao Khuê của Nguyễn Trãi và ngôi sao Ngưu của Phạm Ngũ Lão.

Tới đây, tôi xin đọc nốt đôi câu đối tôi tặng anh trước đó 5 năm:

Tử đệ ba ngàn, cửa tướng tưng bừng Kiếm Bút
Xuân thu tám chục, vườn đào rạng rỡ Khuê Ngưu

Mười lăm năm đã qua, từ tuổi 85 ngày ấy, anh đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về những công trình sử học của anh. Năm 2002, Đảng và Nhà nước phong tặng anh danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới là đã đánh giá một cách chính xác sự đóng góp to lớn của anh về khoa học mới chỉ trong 10 năm đổi mới chứ chưa phải là toàn bộ đóng góp của anh. 

GS VŨ KHIÊU

Thông tin liên quan

- Nhà cách mạng lão thành, Giáo sư Trần Văn Giàu đã ra đi 

Tin cùng chuyên mục