Phòng chống tấn công, xâm hại trên mạng Internet: Cần cả tầm nhìn lẫn kiến thức pháp luật

Môi trường Internet đang bị tấn công hay xâm hại bởi những nội dung phá hoại, độc hại ngày càng nhiều… nên buổi giao lưu trực tuyến: “Thế giới ảo, nguy hiểm thật” do Báo SGGP tổ chức vào sáng 17-12 đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gởi đến. Qua đây, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM và ông Trần Anh Minh, Tổng Thư ký Chi hội An toàn thông tin phía Nam đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về an toàn mạng, cũng như kiến thức pháp luật trong lĩnh vực khá mới và nhạy cảm này.
Phòng chống tấn công, xâm hại trên mạng Internet: Cần cả tầm nhìn lẫn kiến thức pháp luật

Môi trường Internet đang bị tấn công hay xâm hại bởi những nội dung phá hoại, độc hại ngày càng nhiều… nên buổi giao lưu trực tuyến: “Thế giới ảo, nguy hiểm thật” do Báo SGGP tổ chức vào sáng 17-12 đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gởi đến. Qua đây, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM và ông Trần Anh Minh, Tổng Thư ký Chi hội An toàn thông tin phía Nam đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về an toàn mạng, cũng như kiến thức pháp luật trong lĩnh vực khá mới và nhạy cảm này.

  • Vấn đề không của riêng ai

Vừa bắt đầu giao lưu trực tuyến, bạn đọc Nguyễn Minh Châu (Bình Chánh, TPHCM) đã có câu hỏi khá bao quát: Rất nhiều vụ tấn công vào các website đã xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua, trong đó có cả các tờ báo điện tử lớn, theo ông nguyên nhân xuất phát từ đâu? Ông Trần Anh Minh, Tổng Thư ký Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA) trả lời ngay: Theo VNISA, những cuộc tấn công này đã được dự báo từ trước. Nguyên nhân do các website của Việt Nam chứa quá nhiều lỗ hổng chưa được vá. Thêm vào đó, con người và kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể hơn, bạn đọc Lê Minh Long (quận 3, TPHCM) nêu: Chỉ hơn 1 tháng mà báo điện tử VietNamNet bị hacker ngang nhiên tấn công… đến 3 lần. Xin hỏi hiệp hội có khuyến cáo gì? Với câu hỏi này, ông Minh cho rằng sự kiện báo điện tử VietNamNet bị tấn công vừa qua có thể nói là một sự kiện nổi bật về an toàn thông tin có liên quan tới nhiều yếu tố, vấn đề như con người, tổ chức, công nghệ… Qua vụ này, một lần nữa cho ta thấy yếu tố con người, tổ chức có tính chất quyết định trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho một hệ thống.

Bảo mật mạng là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm ngày càng nhiều. Bạn đọc Nguyễn Hùng (quận 12, TPHCM) cho rằng: Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp các giải pháp về bảo mật. Xin các ông cho một lời khuyên. Ông Minh đã trả lời khá gợi mở: Khi lựa chọn một sản phẩm bảo mật, tiêu chí đầu tiên cần xác định là nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. Cụ thể sản phẩm này phải chống lại được những nguy cơ nào đối với an ninh hệ thống của doanh nghiệp, mức độ quan trọng của tài nguyên thông tin mà sản phẩm này bảo vệ.

Bạn đọc Đăng Khoa (Bình Dương) hỏi cụ thể hơn: Khi triển khai hệ thống mạng trong doanh nghiệp, doanh nghiệp có cần phải thực hiện theo các chuẩn ISO về bảo mật ngay từ đầu hay không? Ông Minh khẳng định: Đây là việc rất nên làm. Khi thực hiện được việc này, doanh nghiệp đã có thể yên tâm về hệ thống của mình về mặt an toàn thông tin, dù chưa có những đầu tư nhiều hơn các sản phẩm an toàn thông tin…

  • Cần nắm vững kiến thức pháp luật

Với những câu hỏi liên quan đến pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM đã cung cấp thêm cho bạn đọc nhiều thông tin cần thiết.

Bạn đọc Thanh Minh (minh…@yahoo.com) đặt vấn đề: Theo TAND quận Tân Bình, nguyên đơn ca sĩ Phương Thanh không đủ pháp lý để cáo buộc chủ blog “Cô gái Đồ Long” đã nhục mạ cô khi viết bài bôi nhọ trên blog, trong khi đó công an tạm giam chủ blog “Cô gái Đồ Long” 4 tháng để phục vụ điều tra về vụ bôi nhọ người khác cũng trên blog này. Vậy khác nhau ở điểm nào?

Luật sư Hậu trả lời rất thẳng thắn: Vụ án của ca sĩ Phương Thanh đến nay đã khép lại qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Do có sai sót về mặt thủ tục tố tụng, Tòa án sơ thẩm đã xét xử lại vụ này, chủ blog “Cô gái Đồ Long” tại Tòa sơ thẩm đã rút kinh nghiệm và nhận thiếu sót. Theo tôi, việc cơ quan cảnh sát tạm giam chủ blog “Cô gái Đồ Long” 4 tháng để phục vụ điều tra cho những hành vi trái pháp luật là đúng với quy định của pháp luật và sẽ xử lý theo đúng các quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đối với một số tội phạm tương ứng với những hành vi trái pháp luật.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến “Thế giới ảo, nguy hiểm thật”. Ảnh: CAO THĂNG

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến “Thế giới ảo, nguy hiểm thật”. Ảnh: CAO THĂNG

Không chỉ vậy, những câu mang tính chất riêng tư cũng đã được gởi đến. Bạn đọc Chiều Tím (chieu…@ gmail.com) kể: Tôi là một du học sinh, tôi có ghi lại cảnh tôi quan hệ với bạn gái. Sau đó, cô ấy chép đoạn clip lên mạng xã hội. Ba má của cô ấy phát hiện rồi đâm đơn kiện tôi. Vậy liệu tôi có phạm luật? Mạng xã hội sẽ liên đới chịu trách nhiệm? Luật sư Hậu trả lời khá cụ thể: Theo quy định của pháp luật, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, tàng trữ nhằm phổ biến những hình ảnh có tính chất đồi trụy cũng như có hành vi khác tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy sẽ bị phạt, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ bị truy cứu về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy… Nếu bạn bị tố giác có hành vi sao chép, người tố giác phải có chứng cứ chứng minh, người tố giác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tố giác của mình, mạng xã hội đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới và người tàng trữ phổ biến những hình ảnh đồi trụy này cũng bị xử lý.

Chưa hết, bạn đọc Hưng (hung…@yahoh.com.vn) hỏi: Tôi đi đường và bị giật mất chiếc laptop có nhiều nội dung “nhạy cảm”. Nếu sau này những thông tin “nhạy cảm” bị đưa lên mạng liệu tôi có phải chịu trách nhiệm hay không? Luật sư Hậu đã đưa ra lời khuyên: Theo tôi, bạn cần báo ngay cho cơ quan công an nơi bạn bị mất chiếc laptop này, trong bản tường trình này, cần nêu rõ bạn đã mất những gì, đặc biệt những gì “nhạy cảm” trong laptop. Vì sau này nếu người sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán… những hình ảnh nhạy cảm mà bạn nói có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 253 của Bộ luật Hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

BÁ TÂN

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM: Hiện tượng hacker tấn công vào hệ thống mạng thông tin, các cơ sở dữ liệu, cơ quan, tổ chức, ngân hàng, hạ tầng thông tin… gây thiệt hại, phức tạp về tình hình an ninh trật tự, nhất là các tội phạm ở nước ngoài.

Theo tôi, để phòng chống hữu hiệu với loại tội phạm này đang có xu hướng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin cần phải có những biện pháp hữu hiệu, mạnh mẽ hơn, đặc biệt là việc hoàn thiện khung pháp lý trong việc điều tra, xử lý triệt để các hành vi nói trên.

>> Giao lưu trực tuyến: “Thế giới ảo, nguy hiểm thật”

Tin cùng chuyên mục