Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, tổng giám mục đầu tiên của Sài Gòn

Nhìn lại một vài hình ảnh về vị Tổng giám mục đầu tiên của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh nhân 100 năm ngày sinh của ngài (1-9-2010).

Một hình ảnh của thời xa xưa

Nhật báo Tin Sáng, phát hành tại thành phố Hồ Chí Minh, số đề ngày 18-9-1975, loan tin một phái đoàn linh mục tập kết gồm 4 linh mục Hồ Thành Biên, Nguyễn Hữu Lễ, Võ Thành Trinh, cả ba đều quê ở Long Xuyên, và linh mục Lương Minh Ký, quê ở Thủ Dầu Một, trong chuyến đi từ Hà Nội về thăm miền Nam Việt Nam, đã tới thăm Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, khi ấy phụ trách tổng giáo phận Sài Gòn.

Vẫn theo bản tin này, trong cuộc tiếp xúc đầu tiên ngay sau ngày đất nước được hòa bình và thống nhất này, Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã cùng với phái đoàn các linh mục tập kết “đề cập đến trách nhiệm và nghĩa vụ của người Công giáo Việt Nam đối với đạo Chúa Kitô và đối với dân tộc”.

Sự kiện này tình cờ khiến người ta nghĩ đến sự kiện khác diễn ra 38 năm trước đó, cũng tại Sài Gòn này và cũng liên quan đến 4 linh mục khi ấy bị xem là “có vấn đề” trong Giáo hội. Sự trở về với quá khứ này vô tình lại làm chúng ta hiểu rõ hơn chọn lựa của Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình trong việc dẫn dắt Giáo hội tại Sài Gòn vào thời kỳ sau năm 1975.

Sự kiện xảy ra vào đầu năm 1947, khi ấy, Đức Tổng giám mục còn là linh mục và là giáo sư Chủng viện. Bề trên của ngài là Đức cha Cassaigne, giám mục Sài Gòn. Vào thời kỳ này, Pháp đã khởi sự cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam. Lệnh kháng chiến cũng đã được ban hành. Có 4 linh mục ở Nam bộ là các cha Hiền, Kính, Luật và Sang đã đi chiến khu tham gia kháng chiến. Có dư luận cho rằng các linh mục này là những kẻ “lạc đàng”.

Một tờ truyền đơn được phổ biến phản bác luận điểm trên và cho rằng các linh mục này là những người yêu nước. Đức giám mục Cassaigne đã yêu cầu linh mục Nguyễn Văn Bình bày tỏ ý kiến của ngài về nội dung của tờ truyền đơn. Linh mục Bình đã trả lời và hậu quả là ngài đã được lệnh rời khỏi chủng viện để tới làm cha sở họ đạo Cầu Đất, một họ đạo heo hút trên vùng cao nguyên.

Khi bề trên ra lệnh, linh mục Nguyễn Văn Bình đã mau mắn vâng lời đi nhận nhiệm sở mới. Nhưng khi được bề trên hỏi ý kiến, linh mục Bình đã không ngần ngại bày tỏ ý kiến, dù biết rằng ý kiến của mình sẽ không làm vừa lòng vị giám mục đạo đức và thánh thiện nhưng có cái nhìn không phải của người Việt Nam gắn bó với vận mệnh của dân tộc mình. Trả lời câu hỏi “Các tác giả truyền đơn viết: 4 linh mục đi chiến khu là không nghịch đức tin linh mục...”, linh mục Bình trả lời: “Ý kiến của con: Con không thể không nhìn nhận là không nghịch”.

Linh mục Bình cũng nhân dịp này “thưa thêm” với bề trên điều có thể đã và sẽ là châm ngôn cho cách xử sự của một cha giáo Chủng viện và sau này là Giám mục rồi Tổng giám mục: “Xin Đức Cha cho phép con thưa thêm điều này: chúng ta nên tìm cách bào chữa cho việc làm của kẻ khác trước khi lên án họ”.

Cũng may là “vết đen” này trong lý lịch của linh mục Nguyễn Văn Bình đã không ngăn cản việc ngài được Tòa Thánh chọn lên chức Giám mục coi sóc Giáo phận Cần Thơ (cuối năm 1955), và kế đó, Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn (2-4-1961), chỉ mấy tháng sau khi Giáo hội Việt Nam bước sang giai đoạn trưởng thành với việc thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam (24-11-1960).

Một hình ảnh của hiện tại

Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình hẳn vui mừng khi được gặp 4 linh mục tập kết tới thăm tại tòa Tổng giám mục Sài Gòn vào những giờ phút đặc biệt của năm 1975 này. Và không một ai đã bị ngài buộc phải trả lời một bảng câu hỏi “thử thách”, thay vào đó, ngài đã cùng với phái đoàn 4 linh mục đã “đề cập đến trách nhiệm và nghĩa vụ của người Công giáo Việt Nam đối với đạo Chúa Kitô và đối với dân tộc”, một vấn đề mà chính ngài, trên cương vị người phụ trách Tổng giáo phận Sài Gòn, hẳn đã suy tư và đưa ra bàn hỏi với các cộng sự của ngài.

Đứng đầu một giáo phận, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, rồi tại ngay thủ đô của Cộng hòa miền Nam Việt Nam, từng chứng kiến những gì diễn ra trên sân khấu chính trường của thời kỳ chiến tranh lạnh và nóng, hẳn Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cũng hiểu được những thử thách đang chờ đợi ngài trong việc thi hành nhiệm vụ của ngài, những lo âu, dao động của người Công giáo dưới quyền ngài coi sóc.

Và người ta đã thấy Đức Tổng giám mục đối đầu với các thách thức không phải với tính cách một lãnh tụ chính trị mà trước tiên với tính cách một nhà lãnh đạo tôn giáo. Ngài mời gọi các tín hữu đón nhận thực tại với con mắt của lòng tin Kitô giáo.

Và từ cái nhìn của niềm tin ấy, ngài mời gọi các tín hữu tại thành phố Hồ Chí Minh thực thi nghĩa vụ tái thiết và xây dựng đất nước, trong vui mừng và hy vọng, cùng với bao người khác xung quanh mình. Tuy không đích thân đứng ra thiết lập tổ chức này hay phong trào nọ, nhưng ngài lại không thiếu những lời, những cử chỉ khích lệ người công giáo tham gia các tổ chức và phong trào xây dựng đất nước.

Sự hiện diện với lời phát biểu ủy lạo tại lễ ra mắt Ủy ban Vận đồng người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là Ủy ban Vận động Công giáo thành phố (UBVĐCGTP), tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên (ngày 17-1-1980) là một ví dụ điển hình. Ngài tiếp tục có mặt hầu như trong mọi sinh hoạt lớn do Ủy ban này tổ chức, vì đây là những dịp để ngài trực tiếp gặp gỡ, khuyến khích những nỗ lực cụ thể trong việc sống niềm tin tôn giáo của mình giữa những thực tại trần thế.

Ngài cũng đã chẳng ngần ngại đến với Công giáo và Dân tộc, dù rằng tờ báo không phải tiếng nói chính thức của Giáo hội, và có lời ủy lạo: “Tờ báo Công giáo và Dân tộc được ba tuổi, buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Những khó khăn này một phần là do chúng ta vẫn tiếp tục sống trong tình trạng xưa, chưa thích nghi được với thời đại mới trong Giáo hội ngày nay, kể từ Đức giáo chủ Gioan XXIII. Phần khác là vì tờ báo Công giáo và Dân tộc lúc đầu cũng phải mò mẫm tìm đường... Nhưng bây giờ, sau ba năm, tôi thấy tờ báo đã có bộ mặt khá hơn. Chúng ta tất cả phải làm sao cho tờ báo trở thành tờ báo của chúng ta” (CG&DT số ra ngày 9-7-1978).

Thái độ này của Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình không phải là một thứ thích nghi vì một mục tiêu chính trị nào đó, và càng không phải là thái độ dễ dãi, mà là biểu hiện của một chọn lựa, không phải một thứ chọn lựa tùy tiện mà có cơ sở trên giáo huấn của cộng đồng chung Vatican II, được nhắc lại trong thư chung 1980 của Hội đồng giám mục Việt Nam có tên là “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”.

Thư chung ấy đã được các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và gần đây, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc lại với các giám mục Việt Nam khi các ngài tới Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, như một đường hướng mục vụ cần tiếp tục và triển khai. Thái độ này dẫu sao cũng đã góp phần làm cho những người Công giáo tích cực hoạt động trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố thêm xác tín rằng mình không phải là những kẻ “lạc đàng”.

Như một lời trăn trối
 
“Tôi nguyện chúc cho nền kinh tế của chúng ta năm mới này tiếp tục phát triển, nhưng không phải chỉ dành cho một số người được hưởng và phung phí mà là cho phúc lợi của mọi người, đặc biệt là cho người già và trẻ em; tôi cầu xin cho đất nước chúng ta không chỉ đạt được mức tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, mà còn thực sự phát triển ngày càng toàn diện, có nghĩa là làm sao để phẩm giá cao quý của con người, nền đạo đức tinh túy của dân tộc luôn được trân trọng, bảo vệ và không ngừng phát huy”.

Phát biểu trên đây của Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình trong thư cảm ơn và tâm tình đầu xuân gửi Giáo hội Công giáo tại thành phố, đề ngày 25-1-1995, có thể được xem như ước nguyện của một đời người và như một lời trăn trối, vì chỉ mấy tháng sau khi phổ biến bức thư này, ngài qua đời (1-7-1995).

Linh mục NGUYỄN CÔNG DANH
Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam

Tin cùng chuyên mục