Sáng - tối khu phố văn hóa

Sức sống mới
Sáng - tối khu phố văn hóa

TPHCM hiện có hơn 1.400 khu phố văn hóa (KPVH) và 55 phường, xã văn hóa. Để đạt được thành quả này không thể phủ nhận công lao to lớn của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, chính quyền địa phương và đông đảo người dân. Thế nhưng, để giữ vững danh hiệu KPVH ấy đòi hỏi cần nhiều nỗ lực hơn nữa…

Khu phố văn hóa điển hình tại khu phố 1, phường 4, quận Tân Bình.

Khu phố văn hóa điển hình tại khu phố 1, phường 4, quận Tân Bình.

Sức sống mới

Ông Trần Việt Ngữ, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường 4, quận Tân Bình cùng bà con trong tổ dân phố dẫn chúng tôi tham quan khu dân cư khang trang, yên tĩnh và vui vẻ bộc bạch: “Hồi đó, tại hẻm số 1, dân nghiện ma túy thường xuyên tụ tập hút chích ma túy. Trước cổng bệnh viện, trường học trên đường Hoàng Việt có tới 29 tụ điểm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, hàng ngày diễn ra cảnh chèo kéo, trộm cắp giật dọc và kẹt xe… Đến nay,  các loại tệ nạn xã hội đã biến mất, thay vào đó là cuộc sống bình yên cho người dân…”.

Để làm được điều đó, Chi bộ khu phố và Ban Công tác Mặt trận khu phố đã phát huy vai trò “đảng viên đi trước” và phối hợp với lực lượng công an, dân phòng, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và cấp ủy, chính quyền địa phương cùng đoàn kết chung tay đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội để xây dựng KPVH an toàn, sạch đẹp, văn minh. Với nỗ lực không ngừng nên suốt 12 năm qua, khu phố 1 luôn giữ vững danh hiệu KPVH và được UBND TP, UBMTTQ TP tặng bằng khen. Người dân nơi đây tự hào bộc bạch: “Được sống trong KPVH không có tệ nạn xã hội, mọi người đoàn kết thương yêu nhau thật là lý tưởng!”.

Tuy không phải đều khắp, nhưng tại nhiều KPVH chúng tôi ghi nhận có một ưu điểm chung: người dân đoàn kết gắn bó, tối lửa tắt đèn có nhau, hễ nhà nào có cưới hỏi, ma chay, đau bệnh là bà con trong khu phố rủ nhau đến thăm; người nghèo thì bà con đóng góp tiền của giúp đỡ thoát nghèo; gia đình nào “cơm không lành, canh chẳng ngọt” thì bà con tìm cách gỡ rối…

Qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, TP đã xuất hiện ngày càng nhiều KPVH, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và dần hình thành nếp sống văn minh đô thị tại các khu dân cư. Từ kết quả đó, mới đây tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo của nhân dân TP và trách nhiệm của người dân đối với đất nước. 

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, TPHCM đã có hơn 1.400 khu phố, ấp được ghi nhận đạt chuẩn KPVH, 380 khu phố, ấp được công nhận đạt chuẩn tiên tiến… Riêng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” năm 2012, đã có hơn 1 triệu hộ gia đình được công nhận đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”. Qua đó, 33 tập thể và 29 cá nhân có thành tích xuất sắc về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” mới đây đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tặng bằng khen.

Hàng rong buôn bán ngay dưới bảng cấm ở khu phố 4, phường 11, quận 3.

Hàng rong buôn bán ngay dưới bảng cấm ở khu phố 4, phường 11, quận 3.

Chất lượng chưa tương xứng

Tuy nhiên, bên cạnh những KPVH thực sự đạt chuẩn văn hóa kể trên, nhìn chung, chất lượng các KPVH chưa tương xứng với số lượng. Tại hẻm 96 đường Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, ngay bên dưới cổng ghi dòng chữ lớn “Khu phố văn hóa” là cảnh phóng uế bừa bãi khiến mùi khai bốc lên nồng nặc. Ngay đầu hẻm là “đội quân” buôn bán vé tàu lậu ngay cạnh Ga Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Sơn, người dân sống trong hẻm này, than phiền: “Tôi sống ở đây lâu năm nên từ khi khu phố được công nhận là KPVH thì có khá hơn nhiều, song vẫn còn tình trạng kém văn hóa khiến người dân bức xúc và đã phản ánh lên phường giải quyết nhưng chưa thấy động tĩnh gì…”.

Tại khu phố 5, phường 3, quận Gò Vấp cũng đã được công nhận là KPVH từ mấy năm nay nhưng đường hẻm vào trường học Nguyễn Văn Trỗi còn chật hẹp, thường xuyên kẹt xe, trên đầu thì dây điện giăng mắc chằng chịt… Đáng nói, ngay dưới bảng “Cấm buôn bán, đậu xe, lấn chiếm lòng lề đường” nhà trường vẫn dùng làm bãi giữ xe!? Bà con trong khu phố còn than phiền về tình trạng mất trật tự, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, xả rác, dẫn vật nuôi phóng uế bừa bãi...

Tại các KPVH ở hẻm 246 Hòa Hưng (phường 12, quận 10), hẻm 131 Tô Hiến Thành (phường 13, quận 10), hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám và hẻm 237, 239 Trần Văn Đang (phường 11, quận 3), hẻm KP1, KP2 đường Huỳnh Văn Bánh (phường 10, phường 12, quận Phú Nhuận), hẻm KP2, đường Lê Văn Sỹ (phường 1, quận Tân Bình)… ngay bên dưới bảng KPVH là cảnh lấn chiếm lòng lề đường buôn bán hàng rong trông rất nhếch nhác và thường xuyên gây kẹt xe.

Không thể kể hết những KPVH nhưng chưa thật sự văn hóa. Chỉ biết rằng số KPVH có chất lượng thì rất “khiêm tốn”, còn số KPVH xuống cấp thì… ngược lại!

Minh Yến

Tin cùng chuyên mục