Sức khỏe người bệnh phải được đặt trên quyền lợi cá nhân

Bấy lâu nay, chúng ta cứ hiểu đơn giản rằng y đức là ân cần với người bệnh, không sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh nhưng thế chưa đủ. Nếu anh dốt, chữa bệnh không khỏi, thậm chí gây tai biến liệu có y đức không…? Đây là ý kiến của GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam trong buổi trao đổi với PV Báo SGGP. * Phóng viên:
Sức khỏe người bệnh phải được đặt trên quyền lợi cá nhân

Bấy lâu nay, chúng ta cứ hiểu đơn giản rằng y đức là ân cần với người bệnh, không sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh nhưng thế chưa đủ. Nếu anh dốt, chữa bệnh không khỏi, thậm chí gây tai biến liệu có y đức không…? Đây là ý kiến của GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam trong buổi trao đổi với PV Báo SGGP.

* Phóng viên:
Thưa giáo sư, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, vấn đề y đức lại được đề cập rất nhiều. Vậy giáo sư nghĩ gì về việc này?

GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng.

GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng.

* GS-TSKH PHẠM MẠNH HÙNG: Thực tế, y đức không phải bây giờ mới nói tới hay thường được nói nhiều vào dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam mà ngay từ hơn 400 năm trước công nguyên khi ngành y tách ra khỏi thần học.

Từ đó tới nay, ngành y luôn đề cập vấn đề đạo đức. Bởi lẽ công tác chăm sóc sức khỏe có nhiều đặc thù rõ ràng nhất bệnh tật luôn đi kèm với nghèo đói, nhất là những bệnh hiểm nghèo nên gia đình, cá nhân họ khó vượt qua, đòi hỏi sự giúp đỡ của xã hội. Điều này người bác sĩ phải nhận thức rõ ràng và rất quan trọng vì nếu bác sĩ lạm dụng thuốc men, kỹ thuật, bắt người dân phải gánh chịu nhiều chi phí khám chữa bệnh không cần thiết thì bệnh nhân và gia đình họ sẽ nghèo đi.

Những người làm ngành y đầu tiên chính là những người truyền đạo, người ta muốn gieo vào những người đau khổ về tinh thần một niềm tin vào đấng thượng đế nên người ta đi truyền đạo. Nhưng trong quá trình đi truyền đạo lại gặp những người đau khổ về thể xác nên họ phải tích lũy kinh nghiệm để song song cùng với việc truyền đạo họ chữa bệnh cả về thể xác. Đây là trị bệnh cứu người, chứ không phải kiếm chác gì cả, vừa chữa bệnh về thể xác vừa cứu giúp linh hồn, nên trước đây ngành y với thần học là một.

Đáng quan tâm hơn, hiện nay chúng ta đang xây dựng một nền y tế trong kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa nhận dạng được rõ ràng thế nào là nền y tế trong kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Do đó những vấn đề cạnh tranh trong y học, đầu tư y tế… vẫn chưa được định hình rõ ràng hiện nay nên nhiều khái niệm bị bóp méo nhằm chạy theo đồng tiền. Vì thế hàng ngàn năm qua, ngành y luôn phải đề cao y đức nhưng trong giai đoạn hiện nay càng phải nói nhiều hơn nữa tới y đức vì chúng ta đang ở trong giai đoạn kinh tế thị trường.

* Vậy phải chăng y đức đang bị xuống cấp trong giai đoạn hiện nay?

* Đúng như vậy. Trong những năm gần đây, y đức có những biểu hiện xuống cấp ở một bộ phận cán bộ y tế, nhưng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Hơn nữa, chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực rất nhạy cảm liên quan tới tính mạng con người nên sự suy thoái ở một bộ phận cán bộ y tế ngày nay đã gây ra sự phản ứng, phê phán mạnh mẽ trong xã hội làm ảnh hưởng tới ngành y.

Việc suy thoái y đức là vì một bộ phận thầy thuốc không xác định được những tố chất cần có của người thầy thuốc và phải rèn luyện theo những tố chất đó. Trong đó tố chất quan trọng nhất khi đã xác định bước vào ngành y phải đặt tính mạng, sức khỏe của người bệnh lên trên quyền lợi của mình. Đây chính là điều kiện tiên quyết để làm ngành y nhưng lại bị một số người coi nhẹ. Hơn nữa, người làm ngành y phải có lòng tự trọng bởi thầy thuốc được những người xung quanh gọi là người có học, được bệnh nhân tin tưởng tuyệt đối giao phó tính mạng cho mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Vì thế, người cán bộ y tế, thầy thuốc phải thấu hiểu bệnh nhân, phải làm thế nào để xứng đáng với niềm tin của người bệnh.

Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm, đó là người làm nghề y phải thường xuyên rèn luyện nâng cao chuyên môn. Bấy lâu nay, chúng ta cứ hiểu đơn giản rằng y đức là ân cần với người bệnh, không sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh nhưng thế chưa đủ. Nếu anh dốt, chữa bệnh không khỏi, thậm chí gây tai biến thì liệu có gọi là có y đức không?

* Ngoài những yếu tố trên, cơ chế chính sách y tế hiện nay đang có những ảnh hưởng gì tới vấn đề y đức?

* Hiện nay, việc giáo dục y đức cho y bác sĩ ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường đã bị lơ là. Cách giáo dục mang tính khô khan, lý thuyết, thiếu hấp dẫn. Cùng với đó việc thực hành cũng không gương mẫu, thầy làm thế nào trò theo như vậy. Cùng với đó, việc tuyển chọn người vào học ngành y cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có nơi làm ào ào. Ngày trước, vào thời của chúng tôi, để tuyển được vào học ngành y, chúng tôi phải tới tận nhà thanh niên đó xem họ đối xử như thế nào với cha mẹ, cũng như với mọi người xung quanh và phải được thầy giáo nhận xét công nhận có đạo đức tốt mới tuyển. Và mỗi cán bộ được phân công về địa phương chỉ tuyển hai ba chục cháu và phải xác nhận vào lý lịch của học sinh trước khi tuyển.

Hơn nữa, hiện nay việc tổ chức làm việc và cơ chế chính sách nhiều khi đẩy người thầy thuốc tới sai lầm như kiểu giao bệnh viện tự chủ hay thực hiện việc xã hội hóa y tế tại bệnh viện qua hình thức góp vốn mua máy móc. Cùng với đó, trong bệnh viện hiện không có bộ phận làm công tác xã hội. Người thầy thuốc vừa khám chữa bệnh vừa thu tiền khiến không ít người bệnh có suy nghĩ bác sĩ vòi vĩnh.

* Hiện nay, ngành y tế đang theo đuổi mục tiêu “Công bằng, hiệu quả, phát triển” theo tinh thần của NQ46 Bộ Chính trị. Theo giáo sư để thực hiện được mục tiêu này, ngành y tế cần phải giải quyết những vấn đề gì?

* Trong những năm qua, ngành y tế đã làm được nhiều việc để giải quyết nhiều vấn đề yếu kém. Nhưng quan trọng hơn để thực hiện được mục tiêu trên cần phải có một cái nhìn và đánh giá tổng thể về ngành y tế. Đó là một nền y tế công bằng hiệu quả phát triển hay một nền y tế chạy theo lợi nhuận đang có khuynh hướng hiện nay. Ví dụ như vấn đề tự chủ ở bệnh viện nghĩa là bệnh viện phải lo đời sống cho cán bộ y tế. Do vậy, bệnh viện nào thu nhập nhiều cán bộ hoan nghênh và ủng hộ. Bệnh viện thu nhập ít đời sống cán bộ khó khăn. Như vậy phải chăng chúng ta để chính sách tự chủ theo kiểu tự lo, tự mưu sinh hay không?

Đương nhiên, những cán bộ y tế ở những nơi mà sự mưu sinh khó khăn sẽ không yên tâm công tác, ai cũng muốn đổ dồn về thành phố để làm ở các bệnh viện lớn. Hay như việc chúng ta đang có xu thế chỉ tập trung phát triển kỹ thuật cao mà coi nhẹ chăm sóc sức khỏe ban đầu… Tất cả phải chăng chúng ta đang tiến tới một nền y tế thương mại?

Do đó phải đặt ra vấn đề hài hòa chính sách thế nào cho hợp lý. Bởi lẽ, vấn đề lợi ích của người thầy thuốc không thể không bàn đến trong tình hình hiện nay và là động cơ làm việc của người thầy thuốc. Do đó, các chính sách phải hài hòa lợi ích nếu không sẽ dẫn tới mất công bằng ngay trong chính ngành y tế. 

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục