Cần hiểu rõ về virus Zika để tránh hoang mang

Ngày 29-11, Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM đã làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ về công tác phòng chống, theo dõi và truyền thông về tình hình dịch bệnh do nhiễm virus Zika trên địa bàn thành phố.
Cần hiểu rõ về virus Zika để tránh hoang mang

(SGGPO).- Ngày 29-11, Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM đã làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ về công tác phòng chống, theo dõi và truyền thông về tình hình dịch bệnh do nhiễm virus Zika trên địa bàn thành phố.

Buổi sáng, Đoàn làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đến thời điểm hiện tại bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận người bệnh nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika gây ra, như: Triển khai khám lọc bệnh nhiễm virus Zika; triển khai khu cách ly khoa nhiễm khi có bệnh nhân nhiễm virus Zika; riêng trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ, nghi ngờ biến chứng do mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai sẽ được nằm theo dõi tại Khoa Sơ sinh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 trao đổi với đoàn công tác của Ban VH-XH, HĐND TPHCM sáng 29-11-2016. Ảnh: QUANG KHOA

Bệnh viện chủ động tổ chức lớp huấn luyện cho tất cả các bác sĩ, điều dưỡng về tiếp cận, chẩn đoán, xử trí phòng ngừa bệnh nhiễm virus Zika và một số bệnh lây qua đường hô hấp.

Về quy trình xử trí đối với trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ nghi ngờ do nhiễm virus Zika, bệnh viện sẽ đo vòng đầu cho các trẻ khi được nhập viện. Đối với trẻ bị tật đầu nhỏ, bệnh viện sẽ thông báo cho Viện Pasteur và Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM để tiến hành xét nghiệm người mẹ. Nếu mẹ dương tính với virus Zika sẽ tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ. Khi ổn định, trẻ sẽ được khám thính lực và đánh giá sự phát triển tâm thần vận động.

Ngoài ra, bệnh viện còn tuyên truyền với nhiều hình thức, như treo băng rôn tuyên truyền, thông tin phòng chống virus Zika trên website của bệnh viện.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika gây ra. Trong ảnh là Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: QUANG KHOA

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, cách phòng ngừa nhiễm virus Zika bằng cách phun thuốc diệt muỗi, ngủ mùng, mặc đồ sáng màu. Tuy nhiên, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là dọn dẹp, chà rửa sạch sẽ các vật dụng có chứa nước. Bởi vì trứng muỗi nhiễm virus Zika có thể sống trong điều kiện bình thường từ 3 đến 4 tháng, khi gặp nước là sẽ nở thành muỗi.

 Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (bìa phải) chia sẻ thông tin tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG KHOA

Người nhiễm virus Zika sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, nhức đầu, đau nhức khớp, cơ, nổi ban, viêm kết mạc (đỏ mắt) vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 sau khi bị muỗi đốt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 4 người nhiễm virus Zika mới có 1 người biểu hiện các triệu chứng kể trên. Một tỉ lệ rất nhỏ người nhiễm virus Zika diễn tiến thành các biến chứng nặng nề của bệnh. Khi đã nhiễm virus Zika, người bệnh tạo được kháng thể bảo vệ suốt đời cho cơ thể, nên không biểu hiện bệnh trong những lần nhiễm virus Zika sau đó.

Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ mối liên quan giữa nhiễm virus Zika trong lúc mang thai với các khiếm khuyết của thai nhi.

Công tác quan trọng nhất trong lúc điều trị cho thai phụ nhiễm virus Zika là giúp thai phụ giữ được tinh thần ổn định. Lo lắng, sợ hãi là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất xấu đến thai nhi.

Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa Xã hội tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ về tình hình dịch bệnh do  virus Zika. Trong buổi làm việc còn có đại diện của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Bệnh viện Hùng Vương TPHCM.

Báo cáo với Đoàn, BSCK1 Phạm Thanh Hải, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, bệnh viện đang quản lý 9 trường hợp dương tính với virus Zika (1 trường hợp được phát hiện tại bệnh viện, 8 trường hợp còn lại được chuyển đến từ các bệnh viện khác), trong đó có 1 trường hợp sẩy thai tự nhiên, 1 trường hợp xin bỏ thai theo đúng quy định của pháp luật, 1 trường hợp thai chậm tăng trưởng từ trước khi có triệu chứng Zika. Trường hợp này thai phụ đã sinh em bé và đang được chăm sóc tại bệnh viện.

BSCK1 Phạm Thanh Hải (Bệnh viện Từ Dũ) báo cáo về tình hình lây nhiễm virus Zika. Ảnh: QUANG KHOA

Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, trong số hơn 26.000 người đến khám thai chỉ có 6 người phải xét nghiệm virus Zika, trong số này có 2 người bị sốt xuất huyết, 2 người âm tính, 1 người chưa có kết quả, 1 người dương tính với virus Zika.

Đường lây truyền virus Zika từ người sang người có thể qua muỗi đốt, từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, qua đường sinh dục, truyền máu hay phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm hoặc cơ sở điều trị bệnh. Tuy nhiên, đường lây truyền phổ biến nhất là do muỗi đốt.

Tại buổi làm việc, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, muỗi sau khi hút máu bệnh nhân bị nhiễm virus Zika sẽ ủ bệnh trong thời gian 10 ngày và nếu còn sống mới có thể lây nhiễm virus Zika cho người khác.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM phát biểu với đoàn công tác của Ban VH-XH, HĐND TPHCM. Ảnh: QUANG KHOA

Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nhấn mạnh: “Người phụ nữ mang thai được xác định bị nhiễm virus Zika thì cũng chưa khẳng định thai nhi bị nhiễm virus Zika. Thai nhi bị nhiễm virus Zika cũng chưa thể khẳng định là sẽ bị bệnh Zika bẩm sinh gây triệu chứng đầu nhỏ. Bởi vì bị chứng đầu nhỏ còn do nhiều yếu tố khác. Do vậy, các thai phụ không nên quá lo lắng khi thấy có triệu chứng nghi nhiễm bệnh do virus Zika”.

Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ báo cáo với đoàn công tác của Ban VH-XH, HĐND TPHCM. Ảnh: QUANG KHOA

Cùng quan điểm trên, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM chia sẻ, nếu so sánh với thai phụ nhiễm virus Zika thì thai phụ bị nhiễm sốt xuất huyết khi chuyển dạ có nguy cơ tử vong cao ngay trên trên bàn sanh. Đây là  một trong những điều chúng tôi lo ngại nhất.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban VH-XH, HĐND TPHCM. Ảnh: QUANG KHOA

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Thi Thị Tuyết Nhung, ủy viên Thường trực, Trưởng Ban VH-XH, HĐND TPHCM nhận định: Công tác phòng chống, theo dõi và truyền thông về tình hình dịch bệnh do nhiễm virus Zika tại các bệnh viện được thực hiện kỹ lưỡng. Giúp thai phụ an tâm, tĩnh dưỡng, đây là điều rất quan trọng.

Ngày 18-10-2016, UBND TPHCM đã chính thức công bố dịch Zika ở cấp xã, phường.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM tính đến 08 giờ ngày 29-11-2016 đã 19/24 quận huyện ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika. Như vậy TPHCM đã có 85 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định, trong đó có 11 thai phụ đang được theo dõi và chăm sóc thai kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa.

Theo nhận định của Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, mầm bệnh virus Zika đang lưu hành tại TPHCM. Những quận, huyện chưa có trường hợp mắc bệnh không có nghĩa là không có mầm bệnh, vì 80% trường hợp mắc bệnh này không có triệu chứng.

QUANG KHOA

Tin cùng chuyên mục