Thời tiết miền Bắc dị thường, dịch bệnh phức tạp

Sau những ngày nóng nực giữa mùa đông, rồi mưa ẩm kéo dài, thời tiết tại miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm. Dù nhiệt độ không xuống quá thấp nhưng trước diễn biến rất dị thường của thời tiết, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân.
Thời tiết miền Bắc dị thường, dịch bệnh phức tạp

Sau những ngày nóng nực giữa mùa đông, rồi mưa ẩm kéo dài, thời tiết tại miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm. Dù nhiệt độ không xuống quá thấp nhưng trước diễn biến rất dị thường của thời tiết, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân.

Nhiều người đổ bệnh

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân vào viện khám và điều trị không ngừng tăng do ảnh hưởng của thời tiết thất thường. Hiện tại, phòng khám nhi của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trên 300 trẻ tới khám/ngày, trong đó hơn một nửa số này là các bệnh về đường hô hấp cấp tính, viêm mũi họng dẫn đến viêm phế quản. Đáng chú ý, có nhiều trẻ nhập viện vì viêm phế quản nặng, biến chứng viêm phổi, mất nước ở cơ thể, suy hô hấp nên sức khỏe nguy hiểm.

Nhiều người già phải nhập viện vì thời tiết thất thường

PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết nóng lạnh thất thường trong mùa đông xuân năm nay cũng làm cho số lượng bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, ho, sốt, tiêu chảy tăng mạnh. Ước tính số lượng trẻ tới viện khám và phải nhập viện tăng lên hơn 1,5 lần so với ngày thường và trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Đối với người cao tuổi, có hàng chục trường hợp bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim phải nhập viện cấp cứu khiến Khoa Hồi sức tích cực quá tải.

Không chỉ có các bệnh viện tuyến trên có số bệnh nhân tăng cao do ảnh hưởng bất thường của thời tiết mà tại bệnh viện của một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn..., số bệnh nhân nhập viện tăng đáng kể. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận trên 300 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em.

Dịch bệnh rình rập

Thời tiết bất thường của mùa đông xuân năm nay cũng khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vào mùa đông xuân các dịch bệnh như cúm, sởi, rubella, quai bị, sốt xuất huyết, tay chân miệng... thường gia tăng nhưng đáng lo ngại là các dịch bệnh lây lan qua đường ăn uống, nhất là liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp, cúm và ngộ độc rượu. Bởi lẽ mùa đông xuân cũng là thời điểm Tết Nguyên đán và nhiều lễ hội đầu năm nên lượng thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ tăng đột biến. Trong khi đó, tình trạng vận chuyển, buôn bán, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa chặt chẽ; tình trạng giết mổ, kinh doanh gia cầm, gia súc ốm chết vẫn diễn ra. Hiện nay, tuy Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 và cúm A/H5N6 nhưng nguy cơ dịch cúm bùng phát vào mùa đông xuân rất cao do một số quốc gia trong khu vực đang có dịch cúm. Cùng với đó, dịch bệnh tay chân miệng cũng rất dễ bùng phát vì đây là loại bệnh mà có số người mắc luôn ở mức cao.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng nhận định, trong những tháng tới của năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sự giao lưu đi lại của người dân giữa các quốc gia, đô thị hóa rõ nét, biến đổi khí hậu và tập quán của người dân. Các bệnh dịch mới nổi có thể tiếp tục bùng phát trên thế giới trong đó có Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh do virus Zika tiếp tục tăng cả về số địa phương và số ca bệnh được ghi nhận.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết gây ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang rình rập, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng. Ngành y tế sẽ phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Bộ Y tế cũng tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, cũng như không ăn tiết canh heo, giết mổ heo ốm, bệnh. Đảm bảo ăn chín, uống chín và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày.

 Miền Bắc chuẩn bị chống rét

Thông tin cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, trong ngày 13-1, toàn miền Bắc đã xảy ra rét đậm rét hại trên diện rộng và còn kéo dài trong những ngày tới. Nhiệt độ tại Hà Nội đã giảm xuống còn 17 độ C vào ban ngày và 13-15 độ C vào ban đêm. Riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nền nhiệt giảm xuống khá sâu, mức phổ biến là 11-13 độ C.

Hiện không khí lạnh đang tràn sâu xuống Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Ở các tỉnh Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời tiếp tục rét, riêng phía Đông trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi và vùng núi cao 9-11 độ C. Nhiệt độ tại Hà Nội sẽ tiếp tục giảm xuống còn 12-14 độ C.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng cho biết, ngày 13-1, tâm vùng áp thấp trên khu vực Nam biển Đông ở vào khoảng 9,3-10,3 độ vĩ Bắc và 111,2-112,2 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Tây Nam. Trong ngày 14-1, áp thấp sẽ suy yếu và tan dần.

Trong những ngày qua, tại miền Bắc đã có mưa lớn kéo dài bất thường. Theo cơ quan khí tượng dự báo, năm nay là mùa đông ấm nhưng xen kẽ lại có các đợt rét đậm rét hại cục bộ, vì vậy Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết vừa có văn bản gửi các tỉnh ở miền núi phía Bắc, miền Tây Trung bộ và Tây Nguyên yêu cầu chủ động hướng dẫn bà con chống rét, bảo vệ đàn gia súc. 

VĂN PHÚC


MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục