2021: Thời thế và tâm thế

Những biến động phức tạp của thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI có lẽ đã được phản ánh đầy đủ trong năm 2020. Đại dịch Covid-19 chỉ làm trầm trọng thêm những bất ổn vốn có trên hành tinh này. 

Đối mặt với những thách thức to lớn trong một thế giới biến động khôn lường, đất nước ta - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ trong năm Canh Tý 2020, minh chứng cho khả năng tận dụng thời thế, “biến nguy thành cơ” của dân tộc ta. Trong năm Tân Sửu 2021, dự báo con thuyền Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt muôn trùng sóng gió của thời cuộc.

Sự phục hồi kinh tế thế giới: vẫn là dấu hỏi lớn
Trong năm 2021, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, đáng chú ý nhất là: Covid-19 gây gián đoạn phục hồi kinh tế; Bất ổn tài chính dẫn tới khủng hoảng nợ công; Cạnh tranh chiến lược về kinh tế - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt. Sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều giữa các nước và các lĩnh vực. Các lĩnh vực sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới sẽ phục hồi nhanh hơn các lĩnh vực truyền thống; các nước chống dịch thành công hoặc phát triển vaccine hiệu quả sẽ phục hồi nhanh hơn.
Mặc dù vẫn là xu thế lớn, song toàn cầu hóa đối mặt với những thách thức gay gắt nhất trong 75 năm qua. Đại dịch Covid-19 thúc đẩy mạnh hơn các xu hướng bảo hộ thương mại, dân tộc chủ nghĩa và xu thế dịch chuyển, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hợp tác để vượt qua thách thức vẫn là xu hướng tất yếu. Thực tế năm 2020 cho thấy, liên kết kinh tế vẫn tiếp tục được thúc đẩy với nhiều hình thái mới. Đồng thời, Covid-19 đẩy mạnh hơn xu thế chuyển đổi số, kích hoạt thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu. 
Cạnh tranh địa - chiến lược giữa các cường quốc: Vòng xoáy bất ổn và bất định
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm hàng đầu trong năm 2021 chính là chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống mới. Chắc chắn rằng, chính phủ của ông Joe Biden sẽ ưu tiên các vấn đề đối nội. Về đối ngoại, nhiều khả năng Mỹ sẽ coi trọng quan hệ với các đồng minh, đối tác, quan tâm hơn đến hợp tác đa phương, các vấn đề toàn cầu. Trong khi đó, do kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc sẽ nỗ lực triển khai Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) lần thứ 14, chiến lược “tuần hoàn kép” (coi trọng nội nhu, tự chủ hơn về công nghệ trong khi tiếp tục tranh thủ thị trường bên ngoài). Trung Quốc cũng sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội XX diễn ra vào năm 2022. 
Năm qua, Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn vốn có trong quan hệ Mỹ - Trung. Với sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ về chiến lược đối với Trung Quốc, trong năm 2021, mặt cạnh tranh trong quan hệ giữa hai cường quốc này vẫn sẽ nổi trội song hợp tác cũng có thể được thúc đẩy. Dự báo chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể “giảm nhiệt”, thậm chí còn có thể mở rộng sang lĩnh vực tài chính - tiền tệ, kinh tế số, dữ liệu. Đồng thời, hai nước có thể sẽ cải thiện hợp tác trong một số lĩnh vực có lợi ích chung như chống biến đổi khí hậu, kiểm soát Covid-19 và vaccine...
Trong năm 2020, do tác động của Covid-19 và cạnh tranh nước lớn, các thể chế đa phương toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Cũng chính trong năm 2020, các quốc gia cũng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc chung tay xử lý các vấn đề toàn cầu. Mặc dù vậy, trong năm 2021, khó có thể trông đợi những cải cách mang tính đột phá của các cơ chế đa phương. Các nước sẽ ưu tiên hợp tác tại các cơ chế tiểu đa phương (minilateralism) cấp độ khu vực và tiểu vùng.
Châu Á - Thái Bình Dương: Hợp tác trong sóng gió
Trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trở thành địa bàn tranh giành quyền lực của các cường quốc. Sau “cơn bão” Covid-19, khu vực này vẫn được trông đợi là đầu tàu của tiến trình phục hồi kinh tế thế giới. Do tác động của cạnh tranh địa - chiến lược, các vấn đề an ninh truyền thống ở khu vực diễn biến phức tạp. Bán đảo Triều Tiên sẽ khó đoán định do nhiều khả năng chính phủ của ông Joe Biden sẽ lựa chọn cách tiếp cận khác với chính phủ tiền nhiệm. Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan tiềm ẩn một số yếu tố khó lường. Năm 2021, xu hướng quốc tế hóa và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Liên quan đến an ninh phi truyền thống, đáng chú ý nhất là vấn đề dịch bệnh và nguồn nước. Năm qua, do Covid-19, nhiều hoạt động hợp tác tại Tiểu vùng Mê Công bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, các bên liên quan đã nỗ lực duy trì và nâng cấp các khuôn khổ hợp tác. Dự báo năm 2021, hợp tác Tiểu vùng Mê Công sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm ngày càng cao của các nước trong và ngoài khu vực.
Triển vọng khu vực Đông Nam Á phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia. Các nền kinh tế vốn được coi là “đầu tàu” của khu vực (Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines) đều đang phải đối mặt với làn sóng lây lan mới. Trong khi đó, một số nước kiểm soát tốt dịch bệnh có cơ hội đón dòng vốn đầu tư và công nghệ do xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng. Về đối ngoại, các nước Đông Nam Á sẽ duy trì chính sách khéo léo, linh hoạt nhằm phòng ngừa những rủi ro của cạnh tranh nước lớn. Trong bối cảnh đó, những di sản quan trọng của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy giá trị to lớn trong việc gắn kết ASEAN, thích ứng với những biến động mới của thế giới và khu vực.
Có thể khẳng định, thế giới và khu vực trong năm tới tiếp tục có nhiều bất định, bất ổn, mang lại tâm lý bất an cho nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, từ mùa Xuân Tân Sửu 2021, Việt Nam bắt đầu bước vào chặng đường hướng tới hai mục tiêu chiến lược vào năm 2030 và 2045. Thách thức là rất to lớn, song cơ hội cũng không nhỏ. Chặng đường hào hùng 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đầy dũng cảm 35 năm qua, và năm 2020 với những thách thức chưa từng có, đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc. Trước sóng gió của thời cuộc, với sự tự tin có được từ Canh Tý 2020 - “Năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua” (1), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ biến thách thức thành cơ hội, lựa thời thế để tiến lên, tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tròn 60 năm trước, đón Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ kính yêu viết: “Mừng năm mới, mừng xuân mới. Mừng Việt Nam, mừng thế giới. Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh…” (2). Với tâm thế vững vàng, tự tin, chúng ta bước vào xuân mới với khí thế mới, nỗ lực đắp xây “đường lên hạnh phúc”, quyết tâm thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường.
(1) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến cuối năm 2020 của Chính phủ. 
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2011, trang 01.

Tin cùng chuyên mục