Giá lúa gạo nóng lên từng ngày trên thế giới. Nhiều cuộc hội nghị quan trọng tìm giải pháp can thiệp, tháo gỡ, giảm nhiệt cho “cơn sốt” lúa gạo thế giới đã diễn ra. Tại Việt Nam, sau khi các ngành hữu quan can thiệp điều tiết, phân phối gạo hợp lý đã bình ổn lại giá lúa – gạo trên thị trường. Không chỉ chủ động đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam còn có thể cải thiện năng suất lúa, tăng thêm số lượng. Xin nêu một số giải pháp căn bản để tăng thêm sản lượng lương thực ở vựa lúa ĐBSCL.
Nhìn tổng quan năm 2008, Việt Nam có thể đạt 36 triệu tấn lương thực, tương đương 23-24 triệu tấn gạo. Trong đó, thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 18 triệu tấn, còn dư khoảng 5 triệu tấn. Cuối năm 2007, giá gạo Việt Nam xuất khẩu khoảng 320 USD/tấn, nghĩa là 3 kg gạo đổi 1 USD. Lúc này, giá gạo thị trường nội địa 7.500 – 8.000 đồng/kg, tương đương 2 kg gạo đổi 1 USD. Đầu tháng 5-2008, giá gạo thế giới đột ngột tăng lên, đạt xấp xỉ 1kg = 1 USD (1.000 USD/tấn). Giá gạo trong nước cũng gần ngưỡng này. Vấn đề là phải cân đối, chủ động điều tiết xuất khẩu hợp lý, tránh đầu cơ, xảy ra hụt hẫng cục bộ như vừa qua.
Năm 2007, sản lượng lương thực ở ĐBSCL đạt 19 triệu tấn. Năm 2008, dự báo sẽ vượt con số này. Vụ đông – xuân vừa thu hoạch, có nơi ở An Giang, Cần Thơ, nông dân trồng lúa đạt năng suất hơn 8 tấn/ha. Tuy nhiên, có nơi nông dân làm chỉ đạt 5 tấn/ha; năng suất bình quân toàn vùng khoảng 6,2 tấn/ha. Khoảng chênh lệch năng suất làm lúa giữa nông dân trong vùng và các vùng sinh thái khác nhau còn khá lớn; có khi lên 2-3 tấn/ha. Nghiên cứu sản xuất giống lúa cho năng suất cao hơn rất khó. Nếu tạo điều kiện cho nông dân rút ngắn được khoảng chênh lệch năng suất làm lúa, sản lượng lương thực sẽ tăng rất lớn.
Trước nhất, cần đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thủy lợi phục vụ tưới tiêu, đưa các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào đồng ruộng, hướng dẫn nông dân trồng lúa chuyên nghiệp hơn, như áp dụng các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, tăng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, giảm thất thoát trong thu hoạch và sau thu hoạch. Vấn đề cấp bách là đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để nâng cao tay nghề trồng lúa cho nông dân. Khi tay nghề đồng đều, nông dân làm lúa sẽ rút ngắn khoảng chênh lệch 2-3 tấn/ha… sản lượng lúa ở ĐBSCL tăng thêm 4 triệu tấn/năm là trong tầm tay.
Một vấn đề nữa khá “nhạy cảm” nhưng đáng lưu tâm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay: Nhiều địa phương đang đua nhau lấy đất nông nghiệp màu mỡ để quy hoạch phát triển công nghiệp. Nếu tình trạng này gia tăng, diện tích đất nông nghiệp “teo” lại có thể dẫn đến nguy cơ giảm sản lượng. Để đảm bảo cân đối nguồn lương thực trong nước và xuất khẩu cần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.
Tiến sĩ LÊ VĂN BẢNH
(Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)