49 chương trình, đề án cụ thể, triển khai các cơ chế phát triển TP Thủ Đức

Theo Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu, để thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, mới đây Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức đã ban hành Kế hoạch 108 với 49 chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. 
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu thông tin tại hội nghị
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu thông tin tại hội nghị

Chiều 23-3, Thành ủy TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai, quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức và nội dung Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. 

Theo đó, Nghị quyết 08 xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của TP Thủ Đức về phát triển kinh tế, thu hút nguồn lực; quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng đô thị; phát triển văn hóa – xã hội và khoa học công nghệ; công tác quốc phòng – an ninh; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác dân vận. 

Cụ thể, TP Thủ Đức tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030; ưu tiên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình đã triển khai đầu tư, hoàn tất thủ tục khởi công các công trình đã có chủ trương đầu tư, rà soát và kiến nghị thu hồi những dự án quá thời hạn, không có khả năng triển khai thực hiện để tổ chức mời gọi đầu tư. 

Cùng với đó là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; khai thác có hiệu quả các nguồn lực nội tại, nhất là các nguồn lực về đất đai để đầu tư hệ thống giao thông kết nối nội bộ với hệ thống giao thông hiện hữu…

Về cơ chế phát triển, TPHCM thực hiện phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức trên các lĩnh vực: tài chính ngân sách, đầu tư, đất đai, môi trường, quản lý đô thị, đối ngoại… theo hướng ban hành quyết định riêng phân cấp, ủy quyền cho UBND và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. TPHCM ưu tiên dành nguồn lực tài chính ngân sách cho phát triển hạ tầng, thực hiện tăng tỷ lệ ngân sách nhà nước để lại cho TP Thủ Đức để có nguồn lực đầu tư phát triển theo đúng định hướng đề ra. 

TPHCM cũng thống nhất chủ trương cho TP Thủ Đức nghiên cứu thí điểm thành lập các trung tâm sự nghiệp công lập tự chủ tài chính (gồm: Trung tâm phát triển quỹ đất; Trung tâm công tác xã hội; Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đầu tư và khoa học công nghệ; Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật) theo nguyên tắc không làm phát sinh biên chế, đảm bảo đến năm 2025 tự chủ kinh phí hoạt động. Song song đó, ưu tiên thẩm định, phê duyệt Đề án xây dựng đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số tại TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025; ưu tiên thẩm định, phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất phục vụ công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn TP Thủ Đức…

49 chương trình, đề án cụ thể, triển khai các cơ chế phát triển TP Thủ Đức ảnh 1 Các đại biểu tham dự hội nghị
Đặc biệt, TPHCM sớm xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án thí điểm. Trong đó có các đề án thí điểm về khai thác quỹ đất phát triển hạ tầng; Đề án tiếp nhận và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của TP Thủ Đức; Đề án thí điểm TP Thủ Đức được mời gọi đầu tư, ký kết các hợp đồng theo hình thức PPP; Đề án giao UBND TP Thủ Đức phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM và các sở, ngành đề xuất thí điểm thực hiện quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, để thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, mới đây Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức đã ban hành Kế hoạch 108 với 49 chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Như Chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Xây dựng đô thị thông minh, chuyển đối số tại TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025”; Đề án về cơ chế, chính sách phát triển phù hợp cho TP Thủ Đức. 

Cùng với đó là Đề án tăng tỷ lệ ngân sách nhà nước để lại cho TP Thủ Đức có nguồn lực đầu tư phát triển; Chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình “dịch vụ - công nghiệp”…  

Thành ủy TP Thủ Đức yêu cầu các đơn vị lấy ý kiến để hoàn thành chương trình dự thảo, chậm nhất cuối tháng 8-2022 trình Ban Thường vụ TP Thủ Đức thông qua. 

Tin cùng chuyên mục