5 lần gặp Bác

“Trong mưa bom, bão đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi không hiểu sao cuộc đời mình lại có những phút giây diệu kỳ như thế: 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu”, Đại tá Trần Đăng Khoa, nguyên Chính trị viên đảo Cồn Cỏ, chia sẻ.

“Trong mưa bom, bão đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi không hiểu sao cuộc đời mình lại có những phút giây diệu kỳ như thế: 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu”, Đại tá Trần Đăng Khoa, nguyên Chính trị viên đảo Cồn Cỏ, chia sẻ.

Đại tá Trần Đăng Khoa quả cảm băng mình dưới mưa bom, bão đạn cùng đồng đội quyết tử bảo vệ đảo Cồn Cỏ hơn bốn mươi năm về trước nay đã bước sang tuổi 79 nhưng vẫn hoạt bát. Trong căn nhà giản dị tại phường Phú Hiệp, TP Huế, ông nhớ về những ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám: “Trước Cách mạng Tháng 8-1945, gia đình bị tước đoạt hết ruộng đất, phải đi ở đợ cho địa chủ... Kiếp trâu ngựa luôn nung nấu khát vọng tự do. Cách mạng bùng lên rồi kháng chiến trường kỳ, tôi quyết định vào bộ đội”. Khoa được giao nhiệm vụ chuyển tài liệu, thư từ bí mật cho cán bộ chiến sĩ hoạt động tại Quảng Trị. Ông cùng đồng đội vinh dự gặp Bác Hồ tại Quảng Bình (năm 1957) và hai lần tiếp theo vào các năm 1960, 1963 tại Trường Lục quân. Đại tá Trần Đăng Khoa nhớ lại: “Đã ba lần cùng đồng đội vinh dự quây quần bên Bác, được Bác ân cần giảng giải về con đường cách mạng, dặn dò về nhiệm vụ thiêng liêng của người chiến sĩ cách mạng... Nhưng phút giây diệu kỳ trong lần gặp Bác giữa thủ đô Hà Nội vẫn khiến tôi hồi hộp, thao thức nhất”.

Ngày ấy, quân đội Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc bộ vào tháng 8-1964 và thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng các hành động chống phá và khiêu khích như nã pháo vào các đảo và một số vùng bờ biển miền Bắc, bắt ngư dân… Đảo Cồn Cỏ nơi vĩ tuyến 17, địch muốn chiếm để làm điểm tựa tấn công ra miền Bắc nên đã huy động 6 hạm đội tinh nhuệ bao vây, bắn pháo, ném bom ngày đêm. Đồng thời, dùng chính sách cắt đường chi viện ra đảo Cồn Cỏ bằng việc canh chừng tất cả tàu bè lại gần đảo. Vậy mà, quân dân Vĩnh Linh - Quảng Trị có ngày hy sinh đến 30 người giữa biển khơi vẫn anh dũng mở đường máu chi viện ra đảo Cồn Cỏ... Vượt lên gian khổ hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ vững vàng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, viết lên những câu chuyện đẹp như huyền thoại về tinh thần quyết tử giữ đảo. Đại tá Trần Đăng Khoa nhớ lại những ngày đánh máy bay Mỹ, đảo Cồn Cỏ như rung lên mỗi lần bom nổ. Tinh thần chiến đấu quân dân đảo Cồn Cỏ được Bác Hồ gửi thư khen hai lần... “Ghi nhận chiến công, tôi vinh dự thay mặt cán bộ, chiến sĩ Cồn Cỏ anh hùng ra Hà Nội dự Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân năm 1965. Đại hội đánh giá rất cao tinh thần chiến đấu của quân - dân đảo Cồn Cỏ. Nhưng niềm vui sướng nhất đời tôi trong chuyến đi ấy là được gặp Bác Hồ, Bác hỏi: “Cháu ở đơn vị nào?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu ở đảo Cồn Cỏ ạ”. Bác đặt tay lên tôi vỗ nhẹ và nói: Chiến sĩ đảo Cồn Cỏ khỏe thế là tốt… Bác yên tâm là chiến sĩ Cồn Cỏ đang vững vàng ở tuyến đầu”, Đại tá Trần Đăng Khoa tự hào kể.

Sau Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân năm 1965, chính trị viên Trần Đăng Khoa được cho đi tham quan Liên Xô và các nước XHCN. Ngày 19-10-1965 ông trở về Hà Nội và được gặp Bác Hồ cùng đoàn chiến sĩ miền Nam ra thăm Bác. “Xe chở chúng tôi đến sân sau Phủ Chủ tịch, kế bên vườn cây xanh rợp bóng mát. Mọi người mừng vui hồ hởi, mắt chăm chú nhìn lên khung cửa lớn, mặt phía sau tòa dinh thự Phủ Chủ tịch. “Bác Hồ muôn năm!” - Mọi người đồng loạt reo lên khi nhìn thấy Bác từ trên cao thoăn thoắt bước xuống các bậc thềm đá hoa đến đón và ôm hôn mọi người trong đoàn. Trên đường cùng đoàn chiến sĩ miền Nam tiến về Phủ Chủ tịch, Bác hỏi: Cháu Khoa ăn được mấy bát? Tôi trả lời: Mỗi bữa cháu ăn năm bát B52 ạ. Bác cười gật đầu: “Chiến sĩ Cồn Cỏ ăn nhiều đánh giỏi. Bác ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ”. Nhưng sau đó, Bác băn khoăn lần lượt hỏi những điều thiết thực về chiến sĩ trên đảo: “Chiến sĩ Cồn Cỏ có đủ gạo, thực phẩm, rau xanh và nước ngọt không? Có hầm hào, khí tài chiến đấu? Bộ đội có ngủ được không? Nằm hầm nhiều da có xanh và ghẻ lở không? Thương binh có đủ thuốc men không?”. Tôi xúc động thưa với Bác: Có ạ..!”.

Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục