65 năm dân chủ - Đoàn kết - Thắng lợi

Ngày này, cách đây 65 năm, 6-1-1946, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam. Trong hoàn cảnh giặc ngoài, thù trong, cuộc Tổng tuyển cử thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt. Bằng sức mạnh và niềm tin, cử tri cả nước đã thực hiện quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn những người có tài, có đức vào cơ quan quyền lực tối cao để “ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp Dân chủ Cộng hòa”.

Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, Tổng tuyển cử diễn ra dưới sự lùng ráp, khủng bố gay gắt. Ủy ban hành chính thành phố mặc dù phải chuyển ra ngoại ô phía Tây Nam nhưng vẫn bám sát chỉ đạo nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành Tổng tuyển cử. Các cán bộ chính quyền, đoàn thể, chiến sĩ làm công tác Tổng tuyển cử đã bám sát từng khu phố, từng xóm lao động và người dân để lập danh sách cử tri, để tuyên truyền vận động bầu cử. Các hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng nhà. Đã có 42 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong tổng số 333 đại biểu Quốc hội khóa 1 được bầu, Sài Gòn - Gia Định có 16 đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành phố.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cho thấy quyết định sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, một hệ thống chính quyền có đầy đủ danh nghĩa pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - kết quả của sự hy sinh, tranh đấu, của sự đoàn kết - mốc son quan trọng trong việc hình thành thể chế dân chủ nước ta, từ bản Tuyên ngôn Quốc hội Việt Nam 1946 - ngọn cờ tư tưởng cho các thế hệ đại biểu Quốc hội Việt Nam - Quốc hội chúng ta đã luôn đồng hành cùng dân tộc, đi qua giai đoạn khó khăn nhất - Quốc hội kháng chiến đến kiến quốc và ngày nay trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

65 năm, với 12 nhiệm kỳ, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Quốc hội có vai trò quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng một thể chế dân chủ của đất nước. Quốc hội đã và đang không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động, ngày càng hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giám sát, có quyết sách đúng đắn để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta về cơ bản đã điều chỉnh bao quát hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Sau Quốc hội khóa 12, hoạt động lập pháp của Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng hơn 200 đạo luật, bộ luật hiện có và xây dựng những bộ luật mới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sắp diễn ra, đại hội sẽ bổ sung, phát triển Cương lĩnh và thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội… sẽ đặt ra những đòi hỏi mới đối với hoạt động lập pháp. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sẽ sửa đổi, bổ sung các luật hiện có, đặc biệt là pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, nhằm đẩy mạnh cải cách, đổi mới nói chung. Một số luật như Luật Đất đai và những luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sản nhà nước… sẽ được xem xét, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Trong tiến trình đó, thành phố chúng ta cũng mong có Luật Đô thị, những luật mở đường cho việc xây dựng chính quyền đô thị, tạo điều kiện cho việc tổ chức quản lý phù hợp hơn đối với thành phố.

Trong quá trình hoạt động, các đại biểu Quốc hội các khóa, trong đó có Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã luôn cố gắng và luôn nhận được sự tin cậy, gửi gắm của nhân dân, sẽ tiếp tục góp phần xứng đáng vào tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam - “Làm cho Quốc hội Việt Nam luôn là Quốc hội thắng lợi và Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu - người tổ chức và lãnh đạo Quốc hội Việt Nam.

Tự hào 65 năm Quốc hội Việt Nam, hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thành phố chúng ta sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục