
Tháng 12-1964, từ miền Bắc, đồng chí Lê Đức Kế nhận nhiệm vụ lên đường đi B. Hành trình 82 ngày vượt Trường Sơn, ông đã ghi lại chân thực trong nhật ký những điều tai nghe, mắt thấy. Đến hôm nay, sau 45 năm, dù người viết - thầy giáo Lê Đức Kế - đã mất nhưng “ánh lửa” từ những trang nhật ký vẫn còn cháy mãi với thời gian. Nhằm tiếp tục vệt bài giới thiệu những trang nhật ký từ tuyến lửa, Báo SGGP xin lược trích lại nhật ký của ông để bạn đọc có thêm một góc nhìn về Trường Sơn huyền thoại.
- Ăn tết giữa rừng 11-1-1965

Vượt Trường Sơn, mấy anh có kinh nghiệm nói: căng nhất, thử thách nhất là 15 ngày đầu. Vượt qua cái mốc đó là về đến “ông Cụ” (Bí danh của Trung ương Cục miền Nam). Đường mòn chênh vênh vừa lọt một người đi. Một bên vách đá dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm. Tướng nào vô phúc trượt chân lăn xuống đấy thì anh em cũng đành giở mũ “chào vĩnh biệt” rồi tiếp tục đi thôi! Qua sông Bạc bằng chiếc cầu treo làm bằng những ống tre và những sợi dây mây song nối liền 2 sườn núi. Hai tay vịn vào 2 dây mây, nhắm mắt mà lần từng bước. Ra giữa cầu, nó đung đưa như cái võng. Chỉ có “Việt cộng” mới có cách đi như vậy. Và chỉ có những cách đi như vậy thì đâu cũng đến được.
19-1-1965
Đã thấy không đủ gạo ăn rồi. Người tuy dẻo nhưng gầy lại. Thắt lưng rộng thêm ra. Đã vậy, dốc ngày càng nhiều, càng khó đi. Lại thêm ruồi vàng, vắt rừng quái ác. Mấy ngày nay, chi ủy đã sơ bộ bàn về tết. Trước mắt chẳng có gì hơn là mỗi người bỏ ra ít viên kẹo Polyvitamin, xúm nhau uống nước trà. Thế là tết. Thế là xuân! Gần tết, trạm cho một khoảng rẫy mì. Ai cũng mong được phân công đi nhổ mì để có thêm khoai độn vào cơm được vài ngày.
Chiều 1-2-1965
Đến nơi nghỉ còn sớm. Anh em ngồi phệt xuống đất, không buồn cởi ba lô ra. 30 tháng chạp Âm lịch rồi, chưa ai hy vọng có thêm cái gì đó để ăn tết ngoài mấy viên kẹo Polyvitamin như chi ủy đã phổ biến. “Tết mà làm gì. Chỉ cốt thêm gạo là tiên rồi”- nhiều người xầm xì như vậy. Tuy vậy, lần lượt các tiểu đội cũng kết tăng, dựng lều, bẻ lá trang hoàng như đã bàn.
2, 3 và 4-2-1965 (tức mùng 1, 2 và 3)
Liền 3 ngày nghỉ chân ăn tết. Thật hoàn toàn ngoài sự mong đợi. Một cái tết giữa rừng khá linh đình và rất vui. Vài đồng bào Thượng đi ngang chỗ đóng quân, được chi ủy hỏi thăm và trao đổi vài điều. Họ đồng ý vào buôn rủ những người khác đem heo, gà, nếp, đậu đen, đậu đỏ, khoai, sắn ra đổi cho anh em. Thế là quần đùi, áo cổ vuông, cả bộ kaki còn mới toanh chưa giặt lần nào được đem ra đổi. Anh thanh niên thích cái nịt bộ đội: chấp nhận đổi bằng một con gà và mớ đậu đen. Cô gái thích khăn rằn. Ông già thích bật lửa. Các chị, các mẹ thích kim băng, lược sừng… Mình phụ trách hậu cầu, chạy đi chạy lại bàn bạc để tiểu đội nào cũng đổi được một ít thực phẩm. Cuộc đổi chác rậm rịch cả đêm. Giao thừa. Ba Khôi (tên một đồng chí trong đoàn - PV) bắn 3 phát carbine. Toàn chi xúm lại quanh radio nghe Bác Hồ chúc tết.
Sáng mùng 1 tết, những chiếc ca pốt (bao cao su - được anh em đem theo để đựng thuốc men thay cho chai lọ) được thổi phồng như bong bóng, treo lủng lẳng trước các lều trông thật buồn cười. Khắp bãi đóng quân, chỗ nào cũng nổi lửa nấu nướng, mổ heo (heo lớn nhất chỉ 15kg), làm gà, gói bánh chưng, bánh củ mì. Ai cũng bảo nhau: Ăn tết vừa phải thôi, còn lại thì làm thịt chà bông, kho mặn để đem theo đi đường.
Tối mùng 1 tết: lửa trại. Các cô kết hoa và lá rừng, múa Thái, múa Lào, vui ra phết. Mấy ngày tết, ai cũng làm tổng vệ sinh cái ba lô, giặt giũ võng, màn phơi phóng khắp bờ suối. Đối với cán bộ dân - chính đi B, thế là đã rất dễ chịu so với bộ đội hay những đơn vị công an vũ trang: họ mang vác nhiều và nặng hơn gấp bội, thường là hành quân vượt trạm, hành quân cả đêm giao thừa khi cần.
- Nghĩa tình dọc Trường Sơn
27-2-1965

Nhật ký 82 ngày vượt Trường Sơn. Ảnh: M.H
Hành quân từ 4 giờ sáng hôm qua đến 2 giờ sáng hôm sau - một cung đường có vẻ dài nhất. Cả đoàn ngã xuống đám lá khô ngủ như chết. Khoảng 5 giờ sáng, giao liên đánh thức dậy. Dụi mắt, lại đi. Nói chuyện với một chiến sĩ giao liên chuyên việc bám đường lộ, nắm tình hình địch, phối hợp với giao liên dẫn đường, giữ an toàn cho đoàn khách ra vào.
Ban ngày, anh bò sát ra lộ, bờ sông, bờ suối quan sát, nghe ngóng. Khẩu súng và lựu đạn sẵn sàng. Gói cơm vắt với một cục muối bên hông lủng lẳng. Tối, anh leo lên cây cao mắc võng ngủ. 1-2 tháng mới về trạm một lần. Cứ vậy đã mấy năm rồi: anh bền bỉ, âm thầm, dũng cảm giữa rừng không một lời than vãn. Nước da vàng ệch vì sốt rét rừng! Mình cảm động từ giã anh. Cách mạng thật vĩ đại. Nơi thâm sơn cùng cốc vẫn có những chiến sĩ trung thành âm thầm chịu đựng như anh. Chỉ có cây rừng, chim chóc biết cho anh!
3-3-1965
Nghỉ gần một buôn có nhiều rẫy bắp, khoai, sắn. Có vài đồng bào đi gần, mình thương lượng đổi quần áo lấy sắn. Lắc đầu. Lại nài nỉ. Lại lắc đầu. “Rẫy làm cho cách mạng, không được đâu!”. Thì ra, đó là rẫy do đồng bào làm để dành cho các trạm và các đơn vị cơ quan khi cần đến. Thiếu ăn thì chịu thiếu, đồng bào đào củ mài, hái lá bứa, lá bép thay cơm, chứ quyết không động đến cái “rẫy Cách mạng” thiêng liêng.
5-3-1965
Gặp em Oanh, dân tộc Sê Đăng, độ 14 tuổi, đi với bộ đội. Mình dừng chân hỏi chuyện. Giặc đốt làng, em theo chiến sĩ giải phóng. Cũng súng trường trên vai, lựu đạn ngang hông. Đúng như nhà báo Burchett đã có cái nhìn sâu sắc về quân giải phóng miền Nam: “Súng cao hơn người, chiến công nhiều hơn tuổi”
MAI HƯƠNG lược ghi
Những ngày thiếu gạo, ở tiểu đội nào cũng có cảnh trút gạo ra, đong đi đong lại rồi ngồi thừ ra nhẩm tính. Đã đến lúc ăn cả cây chuối rừng, cái giống chuối cao nghều nghệu, ra hoa mà không kết trái. Thân chuối đem bóc bớt bẹ bên ngoài, xắt ra lổn nhổn như rau heo, thêm rau tàu bay, rau má linh tinh, nêm bột ngọt là thành canh, vị chua chát. Món “cháo rau” cũng phát triển: một nhúm gạo nấu với vô số cải trời, rau má, lá bép, chuối cây, nêm ruốc mặn, mì chính vào là xì xụp ăn. Ăn uống kham khổ, đường đi vất vả... Đây là giai đoạn cái đầu đi hơn là cái chân. Người ta đi vì ý chí, vì quyết tâm. Sức khỏe, gân cốt dường như là yếu tố phụ. |