AI phải giải quyết các vấn đề cấp thiết trong đời sống

Chiều 2-4, đoàn công tác của Bộ KH-CN do Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TPHCM xung quanh chương trình Triển khai chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 cùng kế hoạch triển khai chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020 - 2030. 

Mục tiêu lớn nhưng phải làm cụ thể

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, TPHCM luôn xác định là địa phương đi đầu trong chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI nên đã đặt ra các mục tiêu lớn, mang tầm vóc. Thời gian qua, TP liên tục phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện chương trình AI hiệu quả nhất. 

“Khi nói triển khai AI, Chính phủ xác định AI là vấn đề kinh tế - xã hội chứ không còn là vấn đề khoa học vì lợi ích, hiệu quả của AI đã được thể hiện rõ ràng. AI nên tập trung đến giáo dục, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu. 

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, mục tiêu và định hướng lớn nhưng làm phải cụ thể. AI hay CNTT phải gắn với các ngành khác, AI phải gắn với các vấn đề kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề cấp thiết trong đời sống. Đề án AI giao thoa với các đề án CNTT khác nên vấn đề đặt ra là TPHCM cần ứng dụng AI cho 3 lĩnh vực: an ninh trật tự; các dịch vụ của người dân liên quan đến sức khỏe, dịch vụ công, tài chính; quản lý tài nguyên - môi trường. 

AI phải giải quyết các vấn đề cấp thiết trong đời sống ảnh 1 TPHCM ứng dụng AI vào camera nhằm đảm bảo trận tự an toàn giao thông. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cũng đề xuất TPHCM cần giải quyết bài toán các nhà khoa học tạo ra sản phẩm nhưng không ứng dụng được cho cơ quan nhà nước và phía cơ quan nhà nước làm gì để đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu. Qua đây, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng đề xuất TPHCM chọn TP Thủ Đức là nơi thử nghiệm các chương trình AI của TPHCM. 

Thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng AI trong chuyển đổi số

UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020-2030” với mục tiêu đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

Chương trình AI của thành phố cũng đặt các mục tiêu cụ thể: xây dựng cơ chế, chính sách và thị trường phát triển AI; xây dựng hạ tầng tính toán (hạ tầng số, hạ tầng siêu máy tính xử lý, phân tích AI, phục vụ các hoạt động trong hệ sinh thái AI gồm nghiên cứu, khai thác và thử nghiệm); xây dựng hạ tầng dữ liệu (trong đó dữ liệu dùng chung, dữ liệu chia sẻ, dữ liệu mở của các lĩnh vực thuộc tất cả cơ quan quản lý nhà nước và dữ liệu cộng đồng); 100% cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở dữ liệu nghiệp vụ được kết nối, chia sẻ, mở phục vụ ứng dụng AI; nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các ứng dụng AI (nhóm giải pháp: đề án đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, trong đó ưu tiên áp dụng công nghệ AI vào các vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến đời sống người dân).  

Đoàn công tác của Bộ KH-CN đánh giá cao và kỳ vọng Chương trình AI của TPHCM sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực AI phát triển, đồng thời thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực AI; thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai ứng dụng AI trong chuyển đổi số nhằm phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh... Bên cạnh đó, đoàn cũng góp ý TPHCM cần xây dựng các sản phẩm, thương hiệu lớn trong lĩnh vực AI. Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn TPHCM quan tâm đến việc thí điểm đặt hàng và mua sắm công các sản phẩm AI từ các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển. Song song đó cần tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực, phát triển ứng dụng AI ở từng ngành cụ thể.

Tin cùng chuyên mục