Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần 9 tại TPHCM

Ấm áp nghĩa tình thầy trò

Ấm áp nghĩa tình thầy trò

30 thầy, cô giáo với gương mặt rạng ngời hạnh phúc đón nhận những bó hoa tươi thắm từ tay đồng nghiệp và học trò. Đối với họ, buổi tối 20-11 sẽ là khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời dạy học khi được Báo SGGP, Sở GD–ĐT TPHCM tặng danh hiệu cao quý Võ Trường Toản…

  • Giải thưởng-động lực để người thầy phấn đấu

Một nhóm cựu học sinh (HS) Trường THPT Bùi Thị Xuân với đồng phục áo màu đỏ thắm đến chúc mừng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương. Dù xa trường đã lâu, nhưng những bài giảng của cô Hương – những bài truyền từ trái tim của người thầy vẫn sống động trong tâm trí các em. Em Phạm Hồng Đức nói: “Em đọc báo SGGP thấy tên cô Hương trong danh sách đạt giải nên đã gọi điện rủ các bạn đến để cùng tặng hoa và chụp hình cho cô trong ngày vui này”.

Cô Đoàn Thị Kiều Nga, Trường Cao đẳng Kinh tế bất ngờ đến xúc động không nói nên lời khi gặp nhóm sinh viên lớp quản trị kinh doanh khóa 6 ra trường đã 6 năm nay. Hạnh phúc càng nhân lên khi những gương mặt học trò cũ không hẹn mà vẫn đến để cùng chia sẻ niềm hạnh phúc với cô giáo của mình. Không gian của Hội trường Thành phố vốn rộng lớn nhưng trong đêm tôn vinh 30 người thầy tiêu biểu của ngành GD – ĐT, khoảng cách đã được thu hẹp lại trong sự ấm áp của nghĩa đồng nghiệp, tình thầy trò.

Ấm áp nghĩa tình thầy trò ảnh 1
Các em học sinh tặng hoa chúc mừng cô Nguyễn Thị Thu Hương, Trường THPT Bùi Thị Xuân được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2006. Ảnh: MAI HẢI

Trong 30 thầy cô nhận giải thì có đến 17 thầy cô có thâm niên giảng dạy trên 20 năm, trong đó không ít người gắn bó với bục giảng 30 năm. Và cũng thật cảm động khi có đến 1/3 thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, dù cuộc sống khó khăn bộn bề vẫn miệt mài truyền tri thức cho HS.

Nhiều thầy cô công tác ở môi trường sư phạm khuyết tật vất vả vẫn toàn tâm toàn ý nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, giúp các em hòa nhập với cuộc sống bình thường. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD – ĐT, nhấn mạnh: Giải thưởng Võ Trường Toản là niềm mơ ước của nhiều giáo viên và đã tác động sâu rộng đến phong trào dạy tốt – học tốt của ngành.

Nhận được giải, bản thân người thầy cũng tự trau dồi chuyên môn, rèn kỹ năng cho HS và là tấm gương sáng về đạo đức. 32 năm gắn bó với nghề, thầy Ái Hách, giáo viên môn hóa học Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – người thầy đào tạo hơn 30 HS giỏi cho TP bộc bạch: “Mỗi lần lên lớp, nhìn ánh mắt khao khát học hỏi của các em là tôi tự nhủ mình phải cố gắng tìm tòi những điều hay hơn để dạy cho các em”.

Còn thầy Trần Ngọc Danh, Trường THPT Lê Hồng Phong luôn là người thầy mẫu mực trong suốt 30 năm trên bục giảng, song các tiết học của thầy luôn mang lại niềm phấn khởi cho trò. Em Hồ Quang Chánh, lớp 10 chuyên sinh Trường THPT Lê Hồng Phong tự hào: “Thầy luôn khuyến khích các em tự do phát biểu. Tụi em tự tìm hiểu phần nội dung trong sách giáo khoa, còn thầy cung cấp nhiều kiến thức quý giá mà trong sách không có”.

  • Những người đóng góp “GDP vô hình”

Đây là lần thứ 9 báo SGGP phối hợp với Sở GD – ĐT TPHCM tổ chức xét tuyển và bình chọn trao giải cho 30 thầy cô tiêu biểu. Phát biểu trong lễ trao giải, Phó Tổng biên tập Báo SGGP Trần Văn Tuấn bày tỏ: Chọn ai trong số 60.000 giáo viên các cấp học của ngành GD – ĐT TPHCM là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì đa phần các thầy cô đều là những tấm gương mẫu mực cả về nhân cách lẫn lối sống để các thế hệ học trò noi theo.

Chính nhờ công lao của đội ngũ giáo viên vừa có năng lực chuyên môn, vừa tâm huyết với nghề mà TP chúng ta có một vị thế trung tâm của cả nước và khu vực như hiện nay. Các thầy cô chính là những người đóng góp “GDP vô hình” lớn nhất trong sự phát triển kinh tế của TP những năm qua. Trong bối cảnh hội nhập đầy sóng gió, muốn bơi ra biển lớn chỉ có cách dựa vào tri thức, dựa vào nền giáo dục chất lượng cao. Do vậy, hơn bao giờ hết, vai trò người thầy càng có ý nghĩa to lớn.

Ông Charlie Oropeza, Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam – đơn vị đồng hành với giải thưởng trong nhiều năm qua, khẳng định: Nếu không có người thầy, xã hội không thể phồn vinh. Lễ trao giải vào ngày hôm nay càng đậm tình nghĩa thầy trò, nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo. Đây là dịp để chúng tôi và cả xã hội tôn vinh các thầy cô giáo, những người đã đào tạo ra những con người làm phồn vinh xã hội.

Ông Đỗ Văn Đạo, Phó ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM phấn khởi thông báo: Sang năm 2007, vào sinh nhật lần thứ 10, Giải Võ Trường Toản sẽ chính thức trở thành giải thưởng cấp TP.

Trang trọng và ấm cúng, lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần 9 đã khép lại. Dẫu rằng có nhiều lời trò muốn nói chưa kịp trao cho thầy nhưng trong lòng mỗi người đều có hình ảnh những “người lái đò” thầm lặng ngày ngày trui rèn nhân cách, bồi dưỡng kiến thức cho thế hệ trẻ. 

HỒNG LIÊN – LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục