Ngày 24-3, tờ Wall Street Journal dẫn báo cáo của Ngân hàng HSBC và công ty tài chính Markit cho biết Chỉ số quản lý sức mua (PMI)-chỉ số quan trọng đánh giá tình hình sản xuất của một nền kinh tế-của Trung Quốc trong tháng 3 ở mức thấp nhất trong 11 tháng qua. PMI của Trung Quốc ở mức 49,2 điểm, dưới mức 50 điểm, đã phản ánh cầu nội địa yếu và làm ảnh hưởng đến tăng trưởng trong quý 1 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhà kinh tế Wendy Chen của công ty Nomura Securities cho biết dự báo tăng trưởng trong quý 1-2015 Trung Quốc là 6,9%, thấp hơn nhiều so với mức 7,3% của quý 4-2014.
Không ít chuyên gia kinh tế đã tỏ ý quan ngại rằng dường như Bắc Kinh đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng với mức tăng trưởng bình quân 8,5% (tính từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007). Đây chính là một trong những lý do để Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo Ấn Độ, chứ không còn là Trung Quốc, sẽ dẫn dắt tăng trưởng ở châu Á.
Theo báo cáo Toàn cảnh phát triển châu Á 2015 của ADB công bố ngày 24-3, tốc độ tăng trưởng của châu Á năm nay và năm tới sẽ ở mức 6,3%, thấp hơn giai đoạn từ 2009-2013 khi tăng trưởng trung bình ở mức 6,7%/năm. Tuy nhiên, với việc kinh tế Ấn Độ tăng trưởng cao cùng với giá dầu thô và các loại hàng hóa trở nên rẻ hơn; sự hồi phục của các nền kinh tế Mỹ và phương Tây, kinh tế châu Á sẽ trở lại đà tăng trưởng cao. ADB dự báo kinh tế của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm nay và sẽ ở mức 8,2% trong năm tới. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 7,2% trong năm 2015 và 7% trong năm 2016. Bản thân Chính phủ Trung Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này xuống mức 7% trong năm 2015.
Có được điều này là nhờ Chính phủ Ấn Độ nhiều khả năng thực hiện việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới cũng như đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Ấn Độ đang cho thấy sự quyết tâm trong tiến hành cải cách kinh tế. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết đẩy mạnh thực hiện các chính sách ổn định thuế, nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế, hai trong nhiều yếu tố giúp Ấn Độ có thể kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường Nam Á nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, chiến dịch “Make in India” cũng đang giành được nhiều sự quan tâm. Theo sáng kiến này của Thủ tướng Modi, nguồn nhân lực của Ấn Độ sẽ được trẻ hóa và được trang bị các kỹ năng cần thiết để đưa nước này trở thành trung tâm chế tạo lớn nhất thế giới. Ông Modi hy vọng những chính sách mới được thực hiện sẽ giúp đưa nền kinh tế Ấn Độ phát triển vượt bậc trong năm 2015.
Dù có nhiều yếu tố ủng hộ, ADB vẫn cảnh báo rằng tăng trưởng của châu Á cũng có thể phải đối mặt với các rủi ro đến từ cải cách của Ấn Độ chưa đủ mạnh mẽ; khủng hoảng nợ Hy Lạp lan rộng hay kinh tế Nga có thể rơi vào suy thoái nặng nề… Ngoài ra, một yếu tố nữa ADB đặc biệt quan ngại đó là khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất vào cuối năm nay, đe dọa kéo dòng tiền ra khỏi các thị trường mới nổi sau nhiều năm hút vốn.
MINH CHÂU