An ninh con người ở ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập

Ngày 1-11, Học Viện Chính trị Khu vực IV (Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học “An ninh con người ở ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”.

An ninh con người ở ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập ảnh 1 Quang cảnh hội thảo khoa học “An ninh con người ở ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, nhà quản lý, chuyên gia… nhìn nhận, đánh giá vấn đề an ninh con người vùng ĐBSCL từ lý luận đến thực tiễn. Đồng thời, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo tốt hơn an ninh cho gần 20 triệu dân ở vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vấn đề về an ninh phi truyền thống đối với con người ở ĐBSCL như: vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước; biến đổi khí hậu, nước biển dâng; dịch chuyển dân số, việc làm và sinh kế người dân; trình độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng; tác động đến từ dịch bệnh, xung đột khó lường trên thế giới… đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong đảm bảo an ninh con người ở vùng ĐBSCL.

Tiến sĩ Phan Văn Ba, Trưởng bộ môn Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế (Học Viện Chính trị Khu vực IV) cho rằng: Vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "vùng cực Nam - thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia. Do đó, việc đảm bảo tốt an ninh con người ở ĐBSCL là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tiến sĩ Phan Văn Ba cũng cho biết: Đại hội XIII, Đảng ta đã nhận thức về an ninh con người một cách toàn diện và sâu sắc hơn. Đảng xác định đảm bảo an ninh con người là trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng.

Hội thảo đã thu hút gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học; cán bộ lãnh đạo, quản lý liên quan đến các nội dung như: vấn đề lý luận về an ninh con người và đảm bảo an ninh con người; chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về an ninh con người và đảm bảo an ninh con người; kinh nghiệm của một số quốc gia về đảm bảo an ninh con người và nêu lên một số gợi mở cho ĐBSCL; phương hướng và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh con người ở vùng ĐBSCL nói chung và các địa phương trong vùng nói riêng…

Tin cùng chuyên mục